Điều gì khiến doanh nghiệp nhỏ khó ‘vào guồng’ khi mở cửa kinh tế

V. Dũng/ Báo TBKTSG

Chi phí xét nghiệm đang khiến cho doanh nghiệp ngày một đuối sức. Ảnh: Lê Vũ

—–

Trong sáu nguyên tắc phòng chống dịch trong giai đoạn chuyển hướng sang “thích ứng an toàn” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đưa ra, có hai nguyên tắc được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm:

 – Kinh tế là cơ sở, là nền tảng.

– An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

 Rõ ràng, chúng ta phải nhanh chóng phục hồi sản xuất, vì không thể để nền kinh tế hôn mê sâu trong đại dịch. Muốn vậy thì doanh nghiệp phải được hỗ trợ tối đa các điều kiện và chính sách thông minh, kịp thời.

 Còn trước mắt, phải giảm thiểu tối đa các chi tiêu, để doanh nghiệp dành chút vốn liếng ít ỏi cho chuyện làm ăn.

 Cụ thể là việc xét nghiệm SARS-CoV-2, hiện đang bào mòn sức lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đông công nhân thì mất tiền tỉ mỗi tháng, quá xót xa.

 Trong nhà máy, văn phòng doanh nghiệp, tất cả đều đã được tiêm vaccine từ một đến  hai mũi, thì không việc gì phải xét nghiệm mỗi ngày, tốn kém và mất thời gian vô ích.

 Nếu ở vùng xanh, doanh nghiệp xanh, công nhân xanh, thì không việc gì phải xét nghiệm. Nếu có trường hợp nghi nhiễm thì đưa đi xét nghiệm, nếu không thì thôi.

 Còn ở vùng chưa xanh, thì cần tổ chức xét nghiệm nhưng kéo giãn thời gian, mỗi tháng một lần và xét ngẫu nhiên, lấy một người trong tổ, phòng, ban, dây chuyền là đủ để tầm soát dịch.

 Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 6837/VPCP-KGVX ngày 24.9.2021, chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền Thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một app cho nhân dân.

 Cụ thể là người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ không được di chuyển.

 Vậy thì, những ai đã tiêm vaccine cứ vào nhà máy làm việc, những người một mũi được ưu tiên tiêm mũi hai để ổn định sản xuất, đó là việc cần làm.

 An toàn là để lao động sản xuất, nếu an toàn mà cứ ngồi không thì an toàn chẳng để làm gì.

 Đó là sự lãng phí nguồn vaccine mà chúng ta đã bỏ nhiều tiền mới có được, đó là lãng phí nguồn nhân lực gồm 40 triệu người đã tiêm vaccine, trong đó gần 10 triệu người đã tiêm hai mũi.

 Trần Quí Thanh

—–

Kế hoạch mở cửa kinh tế đã được đề cập nhiều trong thời gian qua, doanh nghiệp cũng nóng lòng trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên khi đối diện với thực tế, nhiều doanh nghiệp cho rằng guồng máy hoạt động vẫn mắc kẹt ở nhiều điểm, nên sẽ vẫn khó vận hành một cách trơn tru trong giai đoạn mới.

Thời điểm này các doanh nghiệp cũng đã xây dựng cho mình kế hoạch trở lại hoạt động nhưng việc cân chỉnh lại bộ máy sản xuất tương đối khó khăn. Những khó khăn hiện hữu là dòng tiền hoạt động đang cạn dần, chi phí xét nghiệm đội lên cao, lao động thiếu hụt trầm trọng, chuỗi cung ứng vẫn chưa nối lại. Đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ thừa nhận đã đuối sức nếu không được hỗ trợ trong thời gian tới sẽ khó vào guồng sản xuất trở lại.

Nỗi lo về chi phí xét nghiệm

Chi phí xét nghiệm là một trong những khoản không tạo ra hiệu suất kinh doanh nhưng lại là khoản phải giải quyết đầu tiên khi doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại. Tuy vậy với những điều kiện xét nghiệp liên tục như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó trụ được lâu vì tình hình tài chính đã kiệt quệ.

Trong nửa tháng nay ông Lê Vũ Đài, Giám đốc một công ty sản xuất đồ nội thất tại quận 12 đã gấp rút chuẩn bị phương án hoạt động trở lại. Sau khi rà soát lại nhân công và bố trí lại nhà xưởng và tăng cường y tế tại chỗ thì chi phí xét nghiệm lại là điều khiến ông Đài băn khoăn nhất.

Công ty tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng nay doanh nghiệp vẫn phải duy trì chế độ cho 150 nhân viên để đảm bảo đủ nhân lực khi hoạt đông trở lại. Với lượng nhân sự như vậy nếu tổ chức xét nghiệm hàng tuần thì chi phí sẽ mất khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đơn hàng chưa ổn định, nguồn vật tư cũng phải mất chi phí để nhập về nên khoản chi phí xét nghiệm đang là gánh nặng.

“Không chỉ riêng tôi mà hầu hết các doanh nghiệp đối tác mở cửa trở lại trong giai đoạn này cũng gặp khó khăn với phí xét nghiệm cho người lao động. Chúng tôi cũng chia sẻ với nhau về các nguồn mua kit xét nghiệm nhanh giá tốt nhưng mức thấp nhất cũng 110.000 đồng/kit. Như vậy doanh nghiệp nào có nhiều nhân sự, đặc biệt là đôi ngũ nhân viên giao nhận nhiều thì chi phí này sẽ là một nỗi lo lớn khi mở cửa trở lại”, ông Đài chia sẻ.

Không riêng doanh nghiệp có kế hoạch mở cửa trở lại, việc gồng gánh chi phí xét nghiệm trong giai đoạn hoạt động “3 tại chỗ” cũng làm cho nhiều doanh nghiệp trở nên đuối sức. Chi phí một lần xét nghiệm trung bình khoảng 200.000 đồng/người, nếu doanh nghiệp có 200 lao động sẽ mất hơn 40 triệu/lần, trong khi đó 5-7 ngày phải xét nghiệm lại.

Ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho rằng, bộ tiêu chí mới ban hành của TPHCM công ty có thể đáp ứng được các điều kiện. Tuy nhiên sau ngày 30-9, thành phố nên giãn thời gian xét nghiệm cho người lao động khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được 14 ngày.

“Nhưng việc xét nghiệm 7 ngày/lần với nhóm lao động thông thường và 3 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao có thực sự cần thiết hay không khi lao động công ty đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được 14 ngày. Tôi nghĩ, nên giảm tần suất xét nghiệm cho doanh nghiệp, thay vì một tuần, thành phố có thể cho phép xét nghiệm 1 tháng/lần. Bởi xét nghiệm theo quy trình hiện nay đang khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí”, ông Thiện đề xuất.

Áp lực từ dòng tiền cạn dần

Từ chuyện chi phí xét nghiệm đang trở thành gánh nặng nhiều doanh nghiệp cho rằng dòng tiền trong đó lý dòng tiền lưu động của họ sụt giảm nghiêm trọng. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ đề cho rừng chỉ duy trì đủ nguồn vốn hoạt động trong 3 tháng tới, nguy cơ đóng cửa rất lớn nếu không nhận được sự hỗ trợ.

Trong một tọa đàm trực tuyến mới đây, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho rằng, đang rất cần nguồn vốn để bổ sung vào dịp lễ, tết, nếu không thì các doanh nghiệp cung ứng mức độ nhỏ sẽ đuối hết dù mở cửa thế nào. Các doanh nghiệp bây giờ mong Nhà nước sẽ có những chính sách cụ thể đưa vào thực tế để doanh nghiệp có cơ sở hi vọng. Doanh nghiệp đã thật sự đuối rồi, không còn sức chống chọi. Trong số các doanh nghiệp còn sức chống chọi thì khả năng cầm cự của họ cũng còn chưa đầy 30%.

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bằng những khoản vay lãi suất thấp để củng cố dòng tiền. Ảnh minh họa: DNCC

Thực tế này cũng được nhìn nhận trong báo cáo khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đối với hơn 21.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều thành phần kinh tế vào tháng 8 vừa qua. Chỉ có 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất.

Gần một nửa trong số này cho biết, dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng. Doanh nghiệp không thu được công nợ nên không đủ chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và những khoản vay đến hạn chưa có khả năng đáo hạn, ngân hàng siết chặt các khoản vay.

Ngay cả những doanh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt dòng tiền. Tại hội nghị trực tuyến “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp” do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì mới đây cũng đã chỉ ra thực trạng này. Cụ thể, khảo sát của Bộ Kế hoạch và đầu tư với 500 tập đoàn, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam khoảng 50% bị ảnh hưởng nghiêm trọng phải thu hẹp quy mô vì đại dịch.

Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp không còn đủ vốn lưu động chi trả các khoản bảo hiểm, thuế, chi phí nguyên vật liệu…

Ban IV cũng nhận định khó khăn lớn nhất đối với vấn đề tài chính mà doanh nghiệp đang phải đối diện là trả lương cho người lao động, trả lãi vay/trả nợ gốc cho ngân hàng, trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng cho khu vực tư nhân và đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.

Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp đối với chính sách hỗ trợ của Nhà nước là hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1-3% để giải quyết những khó khăn trước mắt khi mở cửa hoạt động trở lại.

Lỗ hổng của nguồn lao động

Thiếu nhân lực là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mở cửa kinh tế trở lại. Thực tế, trong tháng 8, khi dịch bùng phát mạnh, đã có nhiều địa phương tổ chức đưa người lao động đang kẹt tại miền Nam về quê, một số lớn tự về bằng đủ các phương tiện.

Để họ trở lại thành phố làm việc trong thời điểm này không dễ. Ngoài chuyện vướng mắc các quy định phòng dịch, về quê chưa được tiêm vaccine và cũng chỉ vài tháng nữa hết năm nên lực lượng lao động không mặn mà trở lại.

Ổn định lực lượng lao động là bài toán khó với doanh nghiệp nhỏ trong giai đoạn này. Ảnh minh họa: VGP

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thiếu hụt nguồn nhân lực là vấn đề hiện hữu đối với các doanh nghiệp khi mở cửa kinh tế trở lại, nhất là ở TPHCM và các tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội. Đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi họ chưa có phương án thật sự tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện mới của nền kinh tế. Thâm hụt lao động trong các ngành từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%.

Thêm nữa, việc lo ngại mô hình “3 tại chỗ” cũng là lý do khiến nhiều người ngần ngại trở lại làm việc ở các doanh nghiệp sản xuất. Điều này cũng khiến cho việc tìm kiếm lao động bổ sung vào lúc này là rất khó.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho rằng không chỉ lao động về quê không trở lại mà ngay cả lao động hoạt động “3 tại chỗ” trong thời gian qua cũng rất nản. Việc mở cửa trở lại, ngoài việc chưa tuyển được người mới thì nguy cơ mất đi người cũ cũng rất dễ xảy ra. Đó là một nỗi lo mà doanh nghiệp cũng cần tình đến.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho công nhân. Vì vậy, những doanh nghiệp này mong muốn từ đầu tháng 10, TPHCM sẽ bỏ mô hình “3 tại chỗ”, cho phép những người đã có “thẻ xanh Covid” (đã hoàn thành 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 hay đã nhiễm bệnh và điều trị khỏi) được đi làm bình thường.

Đại diện Công ty May Sài Gòn 3, cho biết 70% công nhân của công ty đã được tiêm 2 mũi vaccine. Nếu mở cửa trở lại, nhưng vẫn áp dụng mô hình “2 điểm đến – 1 cung đường”, công nhân tiêm hay chưa tiêm vẫn đánh đồng như nhau và vẫn phải xét nghiệm âm tính tuần 2 lần/tuần, thì chi phí của doanh nghiệp vẫn tiếp tục đội lên nữa.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lên kế hoạch đầu tư công nghệ, tự động hóa để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân công. Tuy nhiên, đây là giải pháp lâu dài và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực thực hiện. Tình trạng thiếu hụt lao động có lẽ là rào cản trước mắt khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể vào guồng sản xuất một cách trơn tru khi mở cửa kinh tế.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Điều gì…

https://thesaigontimes.vn/dieu-gi-khien-doanh-nghiep-nho-kho-vao-guong-khi-mo-cua-kinh-te/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *