V. Dũng/ Báo TBKTSG
Mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đang ngày càng trở thành gánh nặng đối với TPHCM khi ngưỡng chịu đựng của các doanh nghiệp đã đi tới giới hạn. Nhiều hiệp hội ngành nghề đã bắt đầu lên tiếng cầu cứu khi điều kiện sản xuất, kinh doanh suy giảm nghiêm trọng do phải giãn cách dài ngày.
Dịch Covid-19 như một “liều thuốc thử” để biết được sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp đang thế nào. Mức độ phản ứng nhanh của họ ra sao với khủng hoảng, từ đó cũng thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cả cơ hội phía trước. Tuy nhiên, dịch bênh bùng phát tới lần thứ tư và các giải pháp giãn cách xã hội được đẩy lên cao, khiến nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng cầu cứu vì sống còn của mình.
Điều kiện sản xuất đang bị thu hẹp
Đợt dịch lần thứ tư đang diễn ra cho thấy quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với ba đợt dịch trước cộng lại và vẫn chưa thấy dấu hiệu suy giảm. Tình hình giãn cách kéo dài dường như bồi thêm gánh nặng đối với doanh nghiệp ở mọi quy mô, khiến nhiều đơn vị kiệt sức.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TPHCM (HAMEE), cho biết trong bối cảnh TPHCM đang bị dịch bệnh bủa vây nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ lo lắng khi công ty đã có F2, nếu chuyển thành F1 thì công ty chỉ có nước đóng cửa, chết đứng vì số lượng nhân công không đủ để sản xuất, mất khách hàng và mất đối tác.
Trong khi đó, Ban Quản lý khu chế xuất Tân Thuận cho biết đã có 29 doanh nghiệp ở đây bị phong toả, ngưng hoạt động, do phát hiện ca nghi nhiễm. Trước quyết định trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ quá bất ngờ và trở tay không kịp.
Dịch bệnh khiến doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng, dòng tiền và người lao động bị ảnh hưởng do những quyết định cắt giảm để thu hẹp quy mô. Tiếp đến, chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng ở những khía cạnh khác phải trì hoãn đơn hàng, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện.
Theo khảo sát của Hiệp hội Các doanh nghiệp, khu chế xuất TPHCM (HBA), hầu hết doanh nghiệp đều nói đơn hàng của họ khá dồi dào. Nếu tình trang bị phong tỏa dài ngày như hiện nay doanh nghiệp sẽ bị gãy chuỗi sản xuất. Họ mong muốn được hoạt động trở lại và đề xuất phương án vừa làm việc vừa giãn cách ngay trong nhà máy.
Là doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn nhất TPHCM, mới đây Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở quận Bình Tân cho biết có hơn 33.000 công nhân tạm nghỉ việc tính đến 12-7. Điều này, đang khiến doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất.
Lãnh đạo Pouyuen cho biết, họ chưa thể thống kê thiệt hại cụ thể nhưng lao động nghỉ việc quá nhiều khiến doanh nghiệp lao đao. Một số công nhân đến nhà máy nhưng không chịu làm việc và tâm lý đang lo lắng. Lãnh đạo nhà máy đánh giá lại toàn bộ tình hình để có hướng giải quyết cho những ngày tới.
Hiện tại công ty đang có nhiều đơn hàng gấp nhưng thiếu nhân công khiến tiến độ sản xuất bị chậm lại rất nhiều. Một số đơn hàng có thời gian hoàn thành dài gấp 2-3 lần so với trước. Nếu không thoả thuận được với khách hàng, công ty sẽ phải bồi thường do chậm trễ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc ở Gò Vấp cho biết, đặc thù của ngành là sử dụng nhiều lao động và làm việc theo dây chuyền nên chỉ cần có người lao động bị cách ly từ 14-21 ngày thì kế hoạch sản xuất bị phá vỡ, chuỗi sản xuất bị gián đoạn. Doanh nghiệp luôn trong tình trạng lo lắng bởi nếu hủy đơn hàng thì phải bồi thường cho khách hàng, trong khi hàng ngàn lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động.
Trong đơn cầu cứu gửi đến Thủ tướng mới đây, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Đồng Anh đánh giá đợt dịch lần thứ 4 này có quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều cả 3 đợt dịch trước cộng lại. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp hội viên đã “đến giới hạn chịu đựng”. Nếu tình hình khó khăn kéo dài, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng phá sản, người lao động mất việc làm.
Trong tình cảnh này, các doanh nghiệp mong muốn giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp, hỗ trợ nguôn vốn, giảm cá chi phí liên quan đến ngân hàng…
Vaccine là mục tiêu sống còn
Nhiều đơn vị cho biết họ đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán. Do đó, giải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp kỳ vọng hiện nay là vaccine.
Theo một lãnh đạo của Masan Group, với số lượng hơn 40.000 lao động, tập đoàn đang rốt ráo đi tìm nguồn vaccine phòng Covid-19, gửi công văn đến Bộ Y tế, Bộ Công Thương, UBND TPHCM, Hà Nội, tận dụng một số mối quan hệ doanh nghiệp khác ở nước ngoài. Trong đó, doanh nghiệp tập trung vào các nguồn vaccine nước ngoài ở Nga và Úc. Tìm được vaccine rồi, các chi phí như lưu kho, vận chuyển… doanh nghiệp sẽ tự chịu hết.
Khi có vaccine, Masan sẽ ưu tiên tiêm phòng cho tuyến đầu là các nhân viên bán hàng, vốn tiếp xúc nhiều với bên ngoài và khả năng lây nhiễm cao. Hiện nay TPHCM và các tỉnh như Đồng Nai, một phần Bình Dương, Long An… đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Trong khi đó, công nhân làm việc tại các nhà máy và nhân viên của hệ thống bán lẻ của Masan cũng như nhiều nhà sản xuất, bán lẻ khác đối mặt với nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao hơn. Điều này ảnh hưởng tới khả năng duy trì sản xuất cũng như ảnh hưởng tới cộng đồng.
Trong khi đó, lãnh đạo Sabeco cho biết đang chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine phòng chống Covid-19 cho người lao động. Mặc dù từ chối tiết lộ thêm thông tin cụ thể, đại diện Sabeco cho hay đang làm việc đồng thời với các cơ quan chức năng lẫn một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu vaccine tại Việt Nam. Hiện Sabeco có 44 công ty thành viên trong cùng hệ sinh thái và hơn 12.000 lao động trực tiếp là người Việt Nam.
Bên canh đó, các hiệp hội ngành nghề cũng ra sức tiếp cận các nguồn vaccine tin cậy và kêu gọi thành viên đăng ký tham gia. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết đang hợp tác với một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu vaccine tại Việt Nam.
“Riêng HAWA sau một ngày kêu gọi đã có hơn 50 doanh nghiệp đăng ký chờ nguồn vaccine với tổng số lượng trên 30.000 người”, ông Phương nói.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực về tài chính để chủ động tìm kiếm nguồn vaccine cho nhân viên. Theo bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MP Logistics, thời gian tới, việc kinh doanh khó tránh giảm sút. Vì vậy, bà Phương đề xuất cho doanh nghiệp được vay tiền để mua, tiêm vaccine với lãi suất 0%. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn được vay để trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lãi suất 0% vì việc giãn, hoãn không còn phù hợp, hiệu quả nữa”, bà Phương nêu thêm đề xuất.
Trong cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mới đây, 16 ngân hàng cho biết sẽ cùng tham gia giảm lãi suất cho vay đồng loạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức giảm và đối tượng được giảm vẫn sẽ phải có sự chọn lọc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lo ngại về quá trình thực thi kéo dài và khả năng hấp thu trong bối cảnh hoạt đông kinh doanh bị tổn thương nặng nề.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Điều kiện…
https://www.thesaigontimes.vn/