Đô thị sông nước nhưng TP.HCM nghèo nàn không gian công cộng ven sông

Thu Hằng/ ZingNews

Đô thị hóa, các công trình dần dần che khuất, làm cho nhiều đoạn sông không thể tiếp cận. Do đó, khi mở ra một trục giao thông thì lập tức mở ra hướng phát triển đô thị.


Dù sống bên sông Sài Gòn, người dân chỉ có thể tiếp cận bờ một đoạn ngắn dọc Công viên Bạch Đằng (quận 1), hoặc nơi chưa có công trình như khu vực Bình Quới – Thanh Đa…

Sống tại một con hẻm trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), nhà chị Loan “miễn cưỡng” có thể coi là gần sông. Miễn cưỡng là bởi nhà chị chỉ cách sông Sài Gòn vài chục bước chân, nhưng thật ra chẳng bao giờ thấy sông đâu.

Cuối tuần, thương con gái 5 tuổi ở nhà quá lâu, chị lái xe hơn 7 km đưa bé đến chơi ở Công viên bến Bạch Đằng (quận 1). Từ nhà chị có thể đi bộ ra Công viên Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) nhưng chị muốn cho con được trải nghiệm cảm giác mới.

“Tính ra trong khoảng 10 km thì những khu công cộng ven sông để đi dạo chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay”, người phụ nữ 34 tuổi nhẩm tính và cho biết đôi khi thấy “buồn cười” khi nhà mình cũng ngay sát bờ sông song luôn phải đi vay mượn cảm giác ven sông ở nơi khác.

Trải nghiệm của chị Loan không phải là cá biệt. TP.HCM dù nổi tiếng là đô thị sông rạch, trên thực tế lại quá nghèo nàn về không gian công cộng ven sông.

Lãng phí tài nguyên sông nước

Sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 256 km, đây là phụ lưu của sông Đồng Nai, chảy qua địa phận Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM. Trong đó, TP.HCM có khoảng 80 km sông chảy qua theo hướng bắc – nam, từ huyện Củ Chi dọc qua huyện Hóc Môn, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức cũ, quận 1, quận 2 cũ, quận 4 và quận 7.

80 km sông này hiện chưa được khai thác hết tiềm năng, nếu không muốn nói là còn ít ỏi. Nếu TP.HCM tận dụng hết 2 bên bờ, sự lựa chọn của những người dân như chị Loan có thể trải trên 160 km đường ven sông dọc 2 bên bờ thay vì chỉ có vài công viên ít ỏi.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, gọi đây là sự lãng phí. Do không có đường chạy dọc bờ, dù sống bên cạnh, người dân thành phố chỉ có thể tiếp cận sông Sài Gòn một đoạn ngắn ở Công viên Bạch Đằng (quận 1); hoặc những nơi chưa có công trình như khu vực Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) hay huyện Hóc Môn, Củ Chi, người dân mới có thể nhìn thấy dòng sông từ trên bờ.Nhiều nhà dân tại TP.HCM sống gần sông nhưng không thấy sông. Ảnh: Quỳnh Danh.

khong gian cong cong ven song tai TP.HCM anh 1
Nhiều nhà dân tại TP.HCM sống gần sông nhưng không thấy sông. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đô thị hóa, các công trình dần dần che khuất, thậm chí, quá trình chiếm dụng đất hai bên bờ làm cho nhiều đoạn sông không thể tiếp cận.

Bên cạnh nguy cơ bờ bị xói lở theo quy luật tự nhiên của dòng chảy, dải đất dọc bờ sông còn dễ bị chiếm dụng và xây dựng tùy tiện; quỹ đất và mặt nước bị lãng phí; cảnh quan sông nước bị hủy hoại, môi trường bị ô nhiễm. Trong khi đó, cộng đồng dân cư thành phố mất cơ hội tiếp cận không gian xanh của sông nước. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc sớm cải tạo 2 bờ sông để tận dụng hết giá trị.

Ông Kim Cương chỉ ra đường ven sông dọc sông Sài Gòn có ít nhất 2 ý nghĩa. Đầu tiên là mở ra hướng giao thông lên phía bắc đang rất thiếu, phù hợp với định hướng phát triển đô thị phía bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn.

“Khi mở ra một trục giao thông thì lập tức mở ra hướng phát triển đô thị”, ông nói.

Ý nghĩa thứ hai là trục này tạo điều kiện để phát triển 2 bên bờ sông Sài gòn, tạo dấu ấn về kiến trúc vì với con sông giữa thành phố, nó sẽ rất tốt về phong thủy, tạo nên đô thị hài hòa.

Sông Sài Gòn được định hình ra sao?

Theo KTS.TS Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM), thành phố đã xây dựng Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 để giải quyết bài toán nêu trên. Kế hoạch này xác định tầm nhìn chung là khai thác giá trị hệ sinh thái sông nước, tạo hành lang cho cảnh quan đô thị dọc bờ gắn với hạ tầng xanh đa chức năng.

Địa hình sông Sài Gòn trải dài qua nhiều khu vực nên thành phố chia lưu vực sông thành 3 đoạn gồm: Thượng lưu, trung lưu và hạ lưu.

Cụ thể, thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) với chiều dài khoảng 60 km. Nơi đây có mật độ dân cư thấp, cảnh quan tự nhiên nhiều khu vực còn hoang sơ, quy hoạch ven sông chủ yếu nhà vườn và các khu du lịch sinh thái. Tuy nhiên, các khu du lịch này chưa được khai thác, chưa tạo điểm nhấn về mặt không gian đô thị, lòng sông ít ô nhiễm nhưng nhiều lục bình, gây khó khăn cho khai thác giao thông thủy.

Do đó, giải pháp của thành phố là phối hợp với Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh để quản lý đầu nguồn nước, ngừa ô nhiễm và suy thoái hệ sinh thái nước đầu nguồn.

Đoạn trung lưu, từ cầu Phú Long đến cầu Tân Thuận đi một phần qua quận 12, quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4 ở bờ phía tây và một phần nhỏ tỉnh Bình Dương, quận Thủ Đức và quận 2 (cũ) ở bờ phía đông (chiều dài khoảng 30 km).

Khu vực này đã được đô thị hóa, đa phần mật độ cao, cảnh quan tự nhiên ít, một số khu vực bị sạt lở, có khu cảng và công nghiệp sát bờ sông. Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, khu vực này tập trung nhiều khu dân cư thu nhập cao, các khu vực phát triển đô thị trọng điểm, khu trung tâm văn hóa lịch sử của thành phố.TP.HCM chia sông Sài Gòn thành nhiều khu vực để phát triển. Ảnh: Quỳnh Danh.

khong gian cong cong ven song tai TP.HCM anh 2
TP.HCM chia sông Sài Gòn thành nhiều khu vực để phát triển. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đoạn hạ lưu, từ cầu Tân Thuận đến hết sông Sài Gòn tại khu vực mũi Đèn Đỏ, quận 7 ở bờ phía tây và quận 2 (cũ) ở bờ phía đông (chiều dài khoảng 6 km). Khu vực cảng công nghiệp ở bờ tây và khu đô thị mới ở bờ đông còn chưa được khai thác cảnh quan, ven bờ nhiều dừa nước, khu vực cảng trong tương lai sẽ di dời. Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của việc xâm nhập mặn, ngập, triều cường, biến đổi khí hậu.

Vùng trung lưu và hạ lưu được thành phố chia nhỏ để phát triển từng khu vực phù hợp với tình trạng hiện tại.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn khu vực trung tâm (như Công viên bến Bạch Đằng); ban hành quy định hướng dẫn quản lý hành lang sông; triển khai một số dự án. Từ năm 2025 đến 2045 là giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng và quan trọng hơn cả là hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch khu vực ven sông.

“Việc hoàn thiện pháp lý khu vực dọc sông là nhằm đảm bảo lợi ích chung của thành phố, đáp ứng tốc độ phát triển chung. Về mặt dài hạn, phải có rà soát, cập nhật quy hoạch vùng”, ông Tuấn cho hay.

Nguồn: https://zingnews.vn/do-thi-song-nuoc-nhung-tphcm-ngheo-nan-khong-gian-cong-cong-ven-song-post1303523.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *