Doanh nghiệp du lịch cần ‘máy thở’ gấp

Đào Loan/ Báo TBKTSG

Bãi biển mùa hè đáng lẽ đông khách du lịch nhưng giờ đang trở nên vắng vẻ. Ảnh: Đào Loan

—–

Cuối cùng, những dự báo xấu như việc không thể mở cửa thị trường quốc tế trong quí 2, Covid-19 bùng phát trở lại khiến khách trong nước cũng không dám đi du lịch, các sự kiện hội họp hủy… làm du lịch tắc hầu hết các ngả đường tìm nguồn thu để tồn tại đã trở thành sự thật.

Tình trạng hủy dịch vụ dây chuyền, từ tour, vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, phòng khách sạn, hội nghị… đang diễn ra dồn dập trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang đi đến ngưỡng không thể chống chọi. Đến giai đoạn này, việc có thể sống sót hay không đã không chỉ còn tùy vào sức vùng vẫy của từng doanh nghiệp.

Tour, phòng, hội nghị… hủy hàng loạt

“Các hội nghị trong tháng 8 đã hủy hết, phòng đang hủy dần. Chỉ vài ngày, thiệt hại đã lên đến 8 tỉ đồng”, nguồn tin từ một khách sạn 5 sao ở TPHCM nói với TBKTSG Online vào chiều nay (31-7), gần một ngày sau khi TPHCM dừng hoạt động các quan bar, vũ trường, các sự kiện tụ tập đông người… để ngăn dịch.

Đây là một trong những khách sạn hiếm hoi ở TPHCM còn có thể mở cửa hoạt động suốt từ đầu dịch đến nay mà chỉ giảm lương, không sa thải hàng loạt như những nơi khác. Thế nhưng, đợt bùng phát dịch trong cộng đồng lần này đã đánh bay mọi nỗ lực và hy vọng.

“Chúng tôi đã dần có nguồn thu từ mảng ẩm thực, hy vọng tháng tới nguồn thu từ hội nghị khả quan hơn, công suất phòng cũng đạt “đỉnh” là 20%, cao nhất từ đầu dịch nhưng nay lại gần như chẳng còn gì”, nguồn tin này nói và cho biết đã bắt đầu tình trạng làm việc luân phiên.

Cuối tuần trước, khi ca nghi nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng được cơ quan chức năng xác nhận dương tính với SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19, doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn… đã phải lao vào giải quyết tình trạng hoãn, hủy tour đến thành phố này cũng như khu vực miền Trung và đưa khách rời Đà Nẵng.

Đến nay, khi dịch bệnh lan rộng hơn, không những tour đến khu vực có dịch, tour cho mùa hè mà hàng loạt sự kiện hội họp, ẩm thực cũng bị hủy trên diện rộng.

Một số công ty lữ hành lớn cho biết chỉ trong vài tuần hè, doanh số đã giảm đến vài trăm tỉ đồng. Trong đó, có công ty cho cho biết, từ ngày 25-7 đến 31-8 có 40.000 khách, trong đó có nhiều khách đi du lịch theo đoàn hủy tour. Doanh thu từ lượng khách này ước tính khoảng 200 tỉ đồng.

Với mảng khách sạn và các dịch vụ liên quan khác, tình trạng cũng căng thẳng không kém. Hàng loạt khách hàng đang hủy dịch vụ vì lo sợ lây nhiễm dịch bệnh.

“Khách hủy dịch vụ hàng loạt. Chỉ riêng mảng tour trong nước và vé máy bay, doanh số trong tuần này của chúng tôi giảm 90% so với tuần trước”, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Group nói.

“Máy thở” cho du lịch

Khách du lịch vui chơi tại Phan Thiết vào thứ Năm (30-7). Trong tuần này, khu vực Phan Thiết vẫn còn khá nhiều khách nhưng nhiều resort cho biết số lượng hủy phòng cho những ngày tới đang tăng lên. Ảnh: Đào Loan

Trước khi có đợt bùng phát dịch lần này, doanh nghiệp ngành du lịch cực kỳ khó khăn vì đại dịch. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 7 tháng qua, doanh thu dịch vụ lữ hành ước tính đạt 11,1 ngàn tỉ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng giảm 16,6% so với cùng kỳ, chỉ còn 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vận tải hàng không chỉ đạt 20,8 triệu lượt khách, giảm 35,8% so với cùng kỳ…

Đa số doanh nghiệp đã không thể chống chịu nổi với tình trạng suy giảm lượng khách, sụt giảm doanh thu quá mạnh và lâu dài. Nhiều công ty lữ hành đã đóng cửa, hàng loạt khách sạn, resort… vẫn chưa thể mở cửa trở lại.

Theo số liệu từ Savills Việt Nam, tại trung tâm du lịch hàng đầu là TPHCM, tính đến hết quí 2, vẫn có khoảng 40 khách sạn từ 3-5 sao tại thành phố phải tạm thời đóng cửa nên nguồn cung trên thị trường giảm sút. Thành phố chỉ còn 12.400 phòng từ 3-5 sao hoạt động, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự.

“Trong bối cảnh này, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc tồn tại nhưng thực tế quá khó. Số doanh nghiệp còn “sống” đang ít dần. Trong tòa nhà chúng tôi thuê mặt bằng có 3 công ty du lịch, vé máy bay thì 2 đã phải dời đi”, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, hiện tại chưa tìm được lối đi. Điều mà doanh nghiệp cần nhất lúc này là hỗ trợ từ Chính phủ. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế như thế này, có thể Chính phủ cũng khó đưa ra những gói hỗ trợ lớn cho du lịch nhưng có thể thực hiện ngay một số chính sách hỗ trợ.

Trong đó, có chính sách giãn thuế, cho phép doanh nghiệp nợ thuế vẫn có thể hoạt động thêm một thời gian để có thể xoay xở tìm nguồn thu; cho vay ưu đãi, áp dụng cho vay tín chấp với doanh nghiệp lữ hành để có tiền trả lãi ngân hàng, trả lương nhân viên cốt cán.

Các khách sạn, resort… muốn trả tiền điện theo giá điện sản xuất thay vì dịch vụ. Chính sách này đã có từ nhiều năm qua nhưng mới chỉ được áp dụng trong 3 tháng 4, 5 và 6 vừa rồi để giảm bớt khó khăn vì Covid-19.

“Các công ty đang rỗng ruột và sợ nhất là mất hết nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần có nguồn vay ưa đãi để có tiền duy trì đội ngũ, duy trì hoạt động thì mới có thể bắt đầu lại”, ông Đức của HG Group nói.

Theo ông Huê, nhiều doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ và vừa cho nên trong rất nhiều trường hợp, chỉ cần khoản vay vài trăm triệu đồng là đã có thể giúp trả tiền thuê mặt bằng và duy trì nguồn nhân sự cơ hữu. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không vay được dù trước đó đã ký quỹ hàng trăm triệu đồng trong ngân hàng để có thể hoạt động.

“Theo tôi, nên cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ hoặc doanh nghiệp ký quỹ ở ngân hàng nào thì được vay lại ở đó với lãi suất ưu đãi”, ông nói.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Doanh nghiệp….

(https://www.thesaigontimes.vn/td/306594/doanh-nghiep-du-lich-can-may-tho-gap.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *