Doanh nghiệp gia đình nhưng không đem quan hệ gia đình vào doanh nghiệp

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Theo Báo Tin tức Việt Nam

—–

Kính gửi bác Trần Quí Thanh,

Kính chào bác. Cháu và gia đình cháu ngưỡng mộ  bác  và gia đình bác lâu lắm rồi. Ba cháu thường nói về gia đình bác trong các bữa cơm tối hàng ngày. Chẳng giấu gì bác, gia đình cháu cũng là một doanh nghiệp gia đình, nhưng còn lắm trục trặc lắm ạ. Cháu viết thư này cũng để hỏi bác cái hay cái dở của doanh nghiệp gia đình là ở những điểm nào? Và cần những vấn đề cốt tử nào cho một doanh nghiệp gia đình phát triển?

Kính mong bác trả lời.

Kính chúc bác muôn vàn sức khoẻ.

Lê Thị Trung (Tp. Vinh): trung_tranthi_vinh@gmail.com

—–

Lê Thị Trung mến!

Thành lập doanh nghiệp gia đình và gặp trục trặc là chuyện bình thường. Không chỉ doanh nghiệp gia đình, bất kể loại hình nào cũng có vấn đề của nó. Cháu cứ bình tĩnh để giải quyết những tồn tại, học hỏi, tìm ra chiến lược tốt nhất để phát triển doanh nghiệp và hãy tự tin vào chính mình.

Có một điều làm cơ sở để cháu tự tin, doanh nghiệp gia đình ở châu Âu có tuổi đời trung bình 200 năm và tồn tại cho đến hôm nay, ở Mỹ và các nước chấu Á như Nhật Bản, mô hình doanh nghiệp này thành công và làm mẫu mực cho cả thế giới. Vậy thì tại Việt Nam cũng có thể hình thành và phát triển doanh nghiệp gia đình như thiên hạ phải không cháu.

Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp gia đình, bác có thể khẳng định là thành công, và bác chia sẻ với cháu từ kinh nghiệm của mình, không sách vở gì hết.

Mô hình doanh nghiệp gia đình, nhưng không đem chuyện gia đình vào doanh nghiệp. Ở nhà là vợ, là con, nhưng vào làm việc là ai đúng vị trí đó. Để nhầm lẫn chuyện nhà với chuyện doanh nghiệp thì không thể quản lý được. Vợ hay con đều phải bị kỷ luật nếu làm sai, thậm chí vi phạm nặng là đuổi việc.

Khai thác thế mạnh của gia đình, dòng tộc đó là mọi người cùng một ý chí, một mục đích.  Nếu như đối với công ty khác, thuyết phục mọi người về điều này rất khó, nhưng với doanh nghiệp gia đình thì là lợi thế.

Nhưng hãy coi chừng, lợi thế trên cũng là nhược điểm, đó là rất dễ bảo thủ, chỉ biết ý chí của gia đình, gia tộc mà không thấy các hạn chế của mình. Cách khắc phục là luôn luôn học hỏi, tiếp cận với cái mới để thay đổi.

Thời đại ngày nay đã khác, doanh nghiệp gia đình không có nghĩa là bó hẹp trong gia đình, mà có thể thuê chuyên gia giữ một vài vị trí trong bộ máy quản lý. Những chuyên gia này có cái nhìn khách quan, bổ sung kiến thức và kỹ năng, hỗ trợ cho những thành viên khác trong doanh nghiệp gia đình để quản lý doanh nghiệp tốt hơn.

Doanh nghiệp gia đình thường cố gắng tìm kiếm lợi nhuận mà không chú ý xây dựng thương hiệu, đây là điểm yếu cần phải khắc phục. Muốn xây dựng doanh nghiệp gia đình bền vững, thì đừng quên điều này. Hãy chú trọng xây dựng thương hiệu tầm quốc gia, vươn tới tầm quốc tế và không ngừng đầu tư cho việc này.

Các doanh nghiệp cổ phần rất mạnh về đầu tư cho công nghệ thì phần lớn doanh nghiệp gia đình tính toán chi li chuyện này. Hãy xóa bỏ ngay trong đầu việc kiếm lời nhiều, mà mạnh dạn chi tiền cho khoa học công nghệ, thiết bị dây chuyền hiện đại nếu là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm.

Bác đã từng đưa ra quyết định đầu tư 300 triệu USD cho dây chuyền Aseptic hiện đại nhất thế giới, lúc đó nhiều người can ngăn, nhưng bây giờ khẳng định đó là vụ đầu tư rất thành công.

Hãy tự tin cháu nhé, chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *