Doanh nghiệp nới rộng hệ sinh thái kinh doanh, chờ cơ hội “bứt tốc”

V. Dũng/ Báo TBKTSG

Mô hình cửa hàng kiosk của Phúc Long kết hợp cùng VinMart+ đã mở cửa đón khách tại VinMart+ Bình Trưng (quận 2, TPHCM). Ảnh: DNCC

—-

Khi các hoạt động kinh doanh dường như chậm lại vì Covid-19 thì việc chuyển đổi hay mở rộng hệ sinh thái kinh doanh của các doanh nghiệp lớn lại càng rõ nét hơn. Đã có rất nhiều doanh nghiệp tận dụng khoảng thời gian này để nới rộng giới hạn tăng trưởng bằng một lĩnh vực mới.

Thaco đi làm siêu thị, Kido bước chân vào kinh doanh chuỗi thực phẩm và đồ uống (F&B), Thế Giới Di Động (TGDĐ) bán xe đạp, Masan bán trà cà phê, Techcombank dùng siêu thị làm điểm giao dịch… Những thông tin về việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp lớn dường như sôi động hơn hẳn trong thời gian qua. Đây đều là những doanh nghiệp có tiềm lực và đủ sức tạo nên sự ảnh hưởng lên những lĩnh vực mình tham gia. Rất có thể khi các hoạt động thương mại – kinh doanh phục hồi trở lại cục diện của từng lĩnh vực họ tham gia sẽ xoay chuyển.

Những mảnh ghép mới

Trong đại hội cổ đông (ĐHCĐ) mới đây của Thaco Group, lần đầu tiên bức tranh về cơ cấu của tập đoàn này được thể hiện rõ nét như vậy. Với sơ đồ gồm năm công ty con trực thuộc phụ trách từng lĩnh vực cho thấy hệ sinh thái kinh doanh của tập đoàn này đã được mở rộng bằng những mảnh ghép mới.

Với lĩnh vực mới nhất là thương mại dịch vụ (bán lẻ), Thaco vừa hoàn tất hương vụ mua lại 100% vốn của Emart Việt Nam từ Emart Hàn Quốc. Theo đó, Thaco và doanh nghiệp Hàn Quốc Emart Inc đã ký kết 3 thỏa thuận chuyển nhượng.

Cụ thể, thỏa thuận chuyển nhượng vốn, Thaco mua lại 100% vốn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Emart Việt Nam. Thỏa thuận nhượng quyền thương mại, Emart Inc cấp quyền thương mại độc quyền đối với mô hình đại siêu thị thương hiệu Emart cho Thaco với thời gian là 9 năm. Cuối cùng là thỏa thuận mua bán hàng hóa, Thaco sẽ phân phối các sản phẩm nhãn hiệu riêng Nobrand của Emart tại thị trường Việt Nam.

Mảng bán lẻ chính là thách thức lớn kế tiếp của tỉ phú Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco Group) tiếp theo thách thức nông nghiệp bằng việc thâu tóm HAGL Agrico mới đây. Nhưng theo chia sẻ của ông Dương, mảng thương mại – dịch vụ là mảnh ghép tất yếu để khép kín chuỗi giá trị trong các lĩnh vực sản xuất lớn mà Thaco đang theo đuổi.

Trong khi đó, Tập đoàn Kido tiết lộ đang nghiên cứu tham gia trị trường cà phê với chuỗi cửa hàng cà phê, trà sữa, kem Chuk Chuk. Bước chân vào thị trường chuỗi F&B, Kido có tham vọng mức doanh thu vượt 1.000 tỉ đồng trong ba năm đầu. Trọng trách phát triển dự án được giao cho Trần Tuyết Vân, con gái Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên.

Động thái này nằm trong chuỗi chiến lược mở rộng của tập đoàn này trong một năm qua. Đầu tiên là sự quay lại với mảng bánh kẹo sau khi điều khoản đứng ngoài lĩnh vực này trong hợp đồng chuyển nhượng với Mondelez hết hiệu lực. Song song đó, Kido cùng Vinamilk góp vốn tổng cộng 400 tỉ đồng với tỷ lệ tương ứng 49:51 để thành lập liên doanh Vibev sản xuất nước giải khát không có gas. Với những mảnh ghép mới này, Kido đã dần hoàn thiện chuỗi giá trị của mình để nới rộng tăng trưởng.

Thời gian qua, thị trường chuỗi đồ uống đang trở nên sôi động khi thu hút được cả những doanh nghiêp Top đầu trên thị trường chứng khoán. Cách đây 2 tuần, Masan cũng đã bước chân vào thông qua việc rót 15 triệu đô la để sở hữu 20% cổ phần của chuỗi trà Phúc Long. Tiếp đó, hợp tác xây dựng các kiosk bán cà phê, trà sữa bên trong hệ thống siêu thị mini VinMart+ của mình.

Cũng từ siêu thị VinMart+ hệ sinh thái của Masan được mở rộng theo một chiều hướng khác khi bắt tay với Techcombank để biến nơi đây làm nơi cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng. Còn Techcombank với tận dụng siêu thị làm điểm giao dịch nhằm nhắm tới việc mở rộng CASA (tiền gửi không kỳ hạn) trong bối cảnh cuộc đua giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt.

Chuyện mở rộng kinh doanh từ các cửa hàng bán lẻ thì TGDĐ luôn là một trường hợp điển hình. Trong hơn một thập niên xây dựng từ cửa hàng đầu tiên đến đế chế bán lẻ tỉ đô nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa ngừng “sưu tập” những mảnh ghép mới.

Dù doanh nghiệp vẫn chưa đi ra khỏi ranh giới bán lẻ, nhưng trong nội biên thì thực sự đã có nhiều thay đổi. Đến nay TGDĐ đang có một hệ sinh thái bán lẻ với mong muốn “bán cả thế giới” từ thiết bị di động, điện máy, thuốc tây, đồng hồ, xe đạp đến cả bách hóa tiêu dùng… Điều đáng chú ý trong chiến lược mở rộng của doanh nghiệp này là tốc độ cực lớn.

Ông Nguyễn Đức Tài, nhà đồng sáng lập ra TGDĐ, từng ví doanh nghiệp của mình như một con báo gấm với những cú nước rút kinh điển. Thực tế ông đã chứng minh được điều này, với tốc độ mở chuỗi và địa bàn ấn tượng chỉ trong một thời gian ngắn. Doanh thu, lợi nhuận cũng bắt kịp được tốc độ mở chuỗi khi đều đặn tăng trưởng.
Các doanh nghiệp nói trên đều sở hữu tiềm lực mạnh nên việc triển khai mở rộng hệ sinh thái kinh doanh trong điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bênh không phải là vấn đề lớn. Sự chủ động này cho thấy họ sẵn sàng bứt tốc ngay sau khi thị trường có sự phục hồi.

Và những bức tranh mới

Không giống như phong trào đầu tư đa ngành trước đây với việc đi quá xa so với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, việc mở rộng lần này các doanh nghiệp đều tìm kiếm sự liên quan đối với hệ sinh thái của mình. Đây đều là những doanh nghiệp có tiềm lực và đủ sức tạo nên sự ảnh hưởng lên những lĩnh vực mình tham gia.

Cái bắt tay giữa Masan và Phúc Long cũng diễn ra trong bối cảnh này và hứa hẹn sẽ khiến bức tranh chuỗi cà phê tại Việt Nam có nhiều thay đổi. Đó là khi Phúc Long hợp tác và tận dụng được mạng lưới bán lẻ rộng khắp của Masan. Cuối năm 2020, theo báo cáo thường niên, Masan sở hữu 123 siêu thị VinMart và 2.231 siêu thị mini VinMart+. Đó là chưa nói đến kênh bán hàng online. Thông qua ứng dụng VinID, VinCommerce đang tiếp cận hơn 8,7 triệu khách hàng.

Hiện nay, Highlands, The Coffee House, Phúc Long, Starbucks, Trung Nguyên Legend… mới chiếm khoảng 25% thị phần. Điều này đồng nghĩa, nếu có cách tiếp cận khách hàng đa dạng, Phúc Long sẽ dễ dàng hơn trong việc tấn công vào nhóm 75% thị phần còn lại. Mục tiêu của Phúc Long là trong vòng 18-24 tháng tiếp theo mở 1.000 kiosk từ con số 4 hiện tại.

Trong khi đó, những kế hoạch trong dự án mới của Kido cũng cho thấy tham vọng của họ trong việc xoay chuyển thị trường chuỗi F&B. Lộ trình của Kido là mở 58 cửa hàng tại TPHCM ngay trong năm 2021 với doanh thu dự kiến 141 tỉ đồng, có 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2025. Cuối cùng là hợp tác nhượng quyền thương mại nhằm mở rộng sang các nước ASEAN.

Trả lời những câu hỏi về rủi ro, ông Nguyên chia sẻ nhiều mặt bằng ở các vị trí đắc địa tại TPHCM đang bị bỏ trống. Trước dịch, giá thuê một mặt bằng đẹp ở quận 1 lên tới 10.000-15.000 đô la/tháng, nhưng nay chỉ còn phân nửa. Thêm vào đó, các cửa hàng mới sẽ nhận được sự hậu thuẫn lớn từ tập đoàn.

Nguồn cung nguyên liệu hoàn toàn chủ động trong nước, sản phẩm đóng gói được sản xuất ngay tại nhà máy của tập đoàn, việc vận chuyển được hỗ trợ bởi hệ thống logistics phủ khắp cả nước của công ty mẹ. Theo ông Nguyên, đây là lợi thế cạnh tranh lớn để thương hiệu F&B này có chi phí giá vốn thấp hơn so với các chuỗi cà phê, trà sữa khác trên thị trường.

Thaco bước chân vào bán lẻ thông qua việc thâu tóm Emart Việt Nam. Ảnh minh họa: V.Dũng

Với Thaco hiện tại, ngoài 100 showroom có vị trí tốt tại các đô thị lớn chủ yếu để bán ô tô, quy mô mảng thương mại của Thaco vẫn còn khá khiêm tốn. Tập đoàn đang có vài dự án đáng kể như Trung tâm thương mại Socar Mall ở thành phố Thủ Đức, các trung tâm thương mại tại Đà Nẵng, Long An, Rạch Giá. Còn giai đoạn 2 của Khu phức hợp HAGL ở Yangon, Myanmar vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Việc thâu tóm Emart có thể xem là phương thức nhanh chóng để Thaco đặt chân vào thị trường bán lẻ và hoàn thiện hơn nữa chuỗi sản xuất đến phân phối của mình.

“Mảnh ghép cuối cùng sẽ nằm ở mảng kinh doanh thương mại và dịch vụ là giải trí, bán lẻ, ăn uống, kinh doanh du lịch để tận dụng lợi thế có sẵn từ các dự án khu đô thị, cụm công nghiệp – nông nghiệp mà tập đoàn đang sở hữu”, ông Trần Bá Dương cho biết.

Với TGDĐ, khi việc mở rộng chuỗi để thu hút khách hàng đã đi đến giới hạn thì dự án hợp tác kinh doanh với các cửa hàng trên cả nước có thể sẽ giúp họ khai tiếp cận khách hàng một cách tối ưu. Mô hình đại lý từ Thế Giới Di Động đang tạo nên làn sóng hợp tác mạnh mẽ từ các tiểu thương trên khắp cả nước. Chỉ cần tư vấn cho khách, giúp khách đặt hàng là các cửa hàng có thể hưởng chiết khấu 5-20%. Khác biệt tạo nên lợi thế khi ‘người khổng lồ’ chủ động mời các tiểu thương cùng đứng trên vai.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc TGDĐ cho rằng: “Các cửa hàng nhỏ lẻ có lượng khách hàng riêng của mình mà chắc chắn TGDĐ dù có 3.000 cửa hàng, mức tối đa chúng tôi có thể mở, cũng không thể vươn tới được. Hợp tác với TGDĐ, các cửa hàng không chỉ hưởng lợi chiết khấu mà còn có thể giúp khách hàng hài lòng hơn, giữ chân họ lâu dài”.

Với những chiến lược và tham vọng của các doanh nghiệp có tiềm lực, việc mở rộng kinh doanh của họ có thể xem là phép cộng trong hệ sinh thái. Tuy nhiên, với tiềm lực và quy mô đầu tư của mình thì những giá trị mang lại cho tăng trưởng có thể là cấp số nhân. Dù các ông lớn này vẫn có thể đối diện với các rủi ro về thị trường nhưng khi các hoạt động thương mại – kinh doanh phục hồi trở lại, cục diện của từng lĩnh vực họ tham gia sẽ xoay chuyển.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gon

Link bài: Doanh nghiệp…

 https://www.thesaigontimes.vn/td/317282/doanh-nghiep-noi-rong-he-sinh-thai-kinh-doanh-cho-co-hoi-but-toc.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *