Doanh nghiệp nước ngoài: Chậm mở cửa, cơ hội sẽ không quay lại với Việt Nam

V. Dũng/ Báo TBKTSG
Doanh nghiệp nước ngoài: Chậm mở cửa, cơ hội sẽ không quay lại với Việt Nam

—–

Trong hai tuần qua, nhiều hiệp hội, nhóm doanh nghiệp lên tiếng đề nghị Việt Nam có kế hoạch mở cửa kinh tế càng sớm càng tốt. Đã đến lúc chúng ta phải có chiến lược ứng phó mới  với đại dịch, cách làm cũ đã không còn phù hợp, nếu kéo dài sẽ gây hệ lụy khó lường đối với nền kinh tế.

Thế giới văn minh với nhiều quốc gia có nền y học vượt trội, tiên tiến, họ đã đưa ra mô hình “sống chung với đại dịch COVID-19”, vậy thì Việt Nam không cần phải nghĩ ngợi gì cho xa, chỉ cần học cách làm của họ là được.

Chiến lược của họ không phải là đi bóc tách F0, cách ly F1 vì nó không phải là cách phòng chống hiệu quả, mà là bao phủ vaccine càng nhanh càng rộng càng tốt. Các nước tiên tiến không có suy nghĩ diệt hết con virus SARS-CoV-2 vì họ biết điều đó là không thể.

Khi bao phủ vaccine rồi thì cứ trở lại với sinh hoạt, đời sống, làm ăn bình thường. Cái gọi là dịch COVID-19 chỉ là một loại bệnh tật như bao nhiêu bệnh tật khác, ai mắc phải thì cách ly, bệnh nặng thì điều trị. Và một lẽ đương nhiên, đã là bệnh tật thì có rủi ro, có tư vong như bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường hay tai nạn giao thông.

Thế giới hằng ngày vẫn có biết bao nhiêu người chết vì nhiều bệnh tật và rủi ro khác nhau, nhưng con người cũng phải sống lạc quan, tích cực, không thể vì những nguy hiểm rình rập đó mà bó gối ngồi trong nhà.

Con người không loại trừ hết được bệnh tật và rủi ro, cho nên cứ sống chung với nó mà thôi.

Trở lại với chiến lược mới của Việt Nam, đó là sống thích ứng an toàn với dịch, mở cửa kinh tế từng bước, nhưng hiệu quả, an toàn, không thể chần chừ thêm một ngày nào nữa.

Hãy để cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, phục hồi sản xuất, hãy dẹp những soát xét giấy tờ làm khó doanh nghiệp, hãy kết nối lại hệ thống giao thông, chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu khắp cả nước.

Tính đến ngày 19.9, Việt Nam đã tiêm 34.095.243 liều, trong đó có 6.571,771 người tiêm mũi hai.

Nếu cộng với khoảng 500.000 F0 được điều trị khỏi, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người thuộc diện an toàn với 2 mũi. Còn theo cách tính người tiêm một mũi cũng là thẻ xanh của TPHCM, thì chúng ta hiện có khoảng 40 triệu công dân xanh.

Với tốc độ tiêm và vaccine hiện có, đến cuối tháng 9.2021, Việt Nam sẽ tiêm khoảng 5 triệu liều vaccine.

Có trong tay 40 triệu công dân trên 18 tuổi được tiêm từ 1 đến hai mũi vaccine, nếu không khai thác hiệu quả là một sự lãng phí rất lớn.

Hãy lắng nghe tiếng nói từ các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước để có sự điều chỉnh kịp thời nhằm phục hồi nền kinh tế.

Trần Quí Thanh

—–
Bốn hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp nước ngoài ủng hộ chiến lược “sống chung với virus một cách an toàn”, cam kết hỗ trợ “mục tiêu kép”, nhưng bày tỏ nhiều mối quan ngại về tình hình hiện nay.

Mới đây, các hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đã đồng ký tên trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

Cả bốn hiệp hội trên nhấn mạnh rằng, Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Nếu chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam. Trước hết doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ.

“Các cuộc khảo sát mà các hiệp hội của chúng tôi đã thực hiện cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, với nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành. Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác. Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi”- nội dung văn bản cho biết.

Theo phân tích của các hiệp hội, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ.

Và để mở cửa, vaccine là yếu tố then chốt. Hệ thống “Thẻ xanh và Thẻ vàng” được đề xuất có thể là một phần hữu ích của chiến lược tái mở cửa, nhưng đặt ra rất nhiều câu hỏi. Chủ yếu trong số đó là các câu hỏi về ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi là gì. Các công cụ này sẽ được điều phối như thế nào giữa các ban hoặc Bộ ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán.

Theo đó, cũng cần có một cơ chế để nhập liệu các lần tiêm chủng và cấp “Thẻ xanh” cho người nước ngoài, nhiều người trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ ở nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân ở Việt Nam cần được trao quyền đầy đủ như một đối tác trong cuộc chiến chống lại Covid. Trong đó, bao gồm cả việc quản lý vắc-xin, cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid và cả chăm sóc y tế từ xa tại nhà.

Nội dung đề xuất cũng lưu ý, sản xuất cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái “bình thường mới” ngay bây giờ. Hiện tại các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để mở cửa trở lại an toàn, đòng thời giám sát sau khi thực hiện.

Theo các hiệp hội, các biện pháp giãn cách gần đây đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng và gây khó khăn cho ngay cả những người có phương tiện tìm kiếm lương thực. Các chủ hàng, chợ ẩm thực và chuỗi cung ứng thực phẩm cần được ưu tiên tiếp cận vắc xin và tái mở cửa ngay, với sự hỗ trợ cung cấp cho những người có nhu cầu.

Các hiệp hội này cũng cho rằng để tiến tới một trạng thái bình thường mới, ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc. Trong đó, bao gồm vận chuyển, sẵn sàng các xét nghiệm nhanh và các chính sách để cô lập và loại bỏ F0 nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến các hoạt động.

Song song đó, hệ thống quản lý hành chính cần chấp nhận nhiều hơn các tài liệu kỹ thuật số của doanh nghiệp. Điều này vừa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian dịch bệnh, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Doanh nghiệp…

https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-cham-mo-cua-co-hoi-se-khong-quay-lai-voi-viet-nam/
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *