Doanh nghiệp phải đối mặt với các nguy cơ từ đợt dịch lần thứ hai

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Diễn biến mới nhất của dịch COVID-19 tiếp tục gây ra tác động tiêu cực lên nền kinh tế của đất nước. Dự báo dịch bệnh sẽ còn kéo dài đến cuối năm, có thể đến sang năm, chúng ta phải trong tư thế sẵn sàng ứng phó trước mọi bất trắc.

Nếu như kiểm soát được dịch bệnh, cho dù bị dứt gãy các kênh thương mại quốc tế, thì ít nhất thị trường nội địa với 100 triệu dân cũng tạm thời nuôi nhau. Nhưng dịch bệnh bùng phát trở lại, bắt buộc phải giãn cách xã hội, thì chuyện nuôi nhau cũng khó khăn. Hôm nay chỉ cách ly thành phố Đà Nẵng, nhưng ngày mai chưa biết thế nào, con virus vô hình nhưng để lại hậu quả lại quá rõ rệt.

Khi chưa có vaccine, thì đại dịch vẫn đe dọa toàn cầu, Việt Nam cũng không thể khác hơn.

Việt Nam tự tin vượt qua được đợt dịch thứ hai này, có thể dịch sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn, nhưng chắc chắn sẽ khống chế được. Có điều, những dự định, kế hoạch về tăng trưởng kinh tế không còn tự tin như trước.

Chúng ta lạc quan về sáu tháng cuối năm, sẽ tăng tốc để bù đắp lại những thiệt hại của hai quý đầu năm, nhưng thực tế đã khác, thế giới ngày càng khó lường.

Cuộc thương chiến Mỹ – Trung, hai nền kinh tế đứng đầu thế giới ngày càng nặng nề. Và vì đó là hai nền kinh tế lớn nhất, cho nên tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Trận lũ lụt ở Trung Quốc sẽ gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế của nước này, và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến các nước có quan hệ thương mại gắn bó, trong đó có Việt Nam. Hàng hóa, nguyên phụ liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khan hiếm, đó là một mối nguy cho sản xuất trong nước.

Hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản của Việt Nam có được thị trường lớn và thuận lợi là Trung Quốc. Nhưng với sự suy thoái kinh tế do thương chiến và thiên tai, sức mua của Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm mạnh, hàng hóa của Việt Nam sẽ bị hạn chế về thị trường tiêu thụ.

Dịch bệnh hoành hành trong nước, Chính phủ và chính quyền các địa phương tập trung dập dịch, ưu tiên bảo vệ tính mạng của người dân. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bắt buộc phải theo sau, cho nên phải chấp nhận có những thiệt hại kinh tế.

Hậu quả là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp không cầm cự được, số lao động mất việc làm tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề an sinh xã hội.

Thực tiễn của ảnh hưởng dịch bệnh toàn cầu và trong nước, cùng với các tác động chính trị -kinh tế Mỹ Trung và thiên tai như đã nêu trên, sẽ tác động lên việc điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam, trong đó có kiểm soát lạm phát, liệu có kiểm soát được con số dưới 4% trước những áp lực hiện nay.

Những phân tích trên không phải là đưa ra những ý kiến bi quan, mà để cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với một thực tế đầy thách thức, đầy nguy cơ và bất lợi, nhằm tỉnh táo đưa ra các giải pháp tự cứu mình, sống sót qua hoạn nạn.

Từng doanh nghiệp phải lên kịch bản ứng phó trước đợt dịch bệnh mới này, càng gặp gian nguy càng đo lường được bản lĩnh và trí tuệ của con người.

Sài gòn 28/07/2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *