Doanh nghiệp phía Nam chọn giải pháp nào để thay thế “3 tại chỗ”?

V. Dũng/ Báo TBKTSG

Các doanh nghiệp mong muốn được chủ động chọn phương án sản xuất thay cho “3 tại chỗ”. Ảnh minh họa: DNCC

—-

“3 tại chỗ” là mô hình từng rất thành công tại Bắc Ninh, Bắc Giang nhưng đến khi áp dụng cho khu vực phía Nam lại trở nên chưa hiệu quả. Đến nay, sau hơn một tháng áp dụng, nhiều doanh nghiệp muốn chấm dứt mô hình “3 tại chỗ” vì quá khó khăn. Vậy đâu là những giải pháp mà họ lựa chọn để thay thế?

Bộ Y tế ra văn bản đề nghị các UBND tỉnh, thành phố dựa trên đánh giá tình hình thực tế từng địa phương và hướng dẫn các doanh nghiệp lên kế hoạch, phương án chống dịch phù hợp để an toàn và sản xuất kinh doanh hiệu quả. Thực tế, trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều giải pháp được xây dựng từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp để thay thế “3 tại chỗ” nếu có thể.

Phần lớn doanh nghiệp muốn “2 tại chỗ”

Đây là mô hình được nhiều doanh nghiệp đưa ra đề xuất nhất trong thời gian qua vì hầu hết cho rằng sản xuất được linh hoạt và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Muốn triển khai mô hình này cần y tế địa phương xem xét, phê duyệt và có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và y tế địa phương.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, việc tổ chức “2 tại chỗ” kết hợp với test nhanh cho người lao động là phương án tối ưu. Tức là người lao động ăn uống và làm việc tại chỗ, và tạo một cung đường, cho phép họ được về nhà trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối kiểm soát dịch bệnh.

Doanh nghiệp sàng lọc bằng cách tăng tần suất test nhanh cho người lao động và cam kết với chính quyền. Trong khi đó, người lao động cam kết với doanh nghiệp về di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Văn bản mới đây của Chi hội doanh nghiệp Khu Công nghệ cao cũng đề xuất thực hiện thí điểm mô hình này. Theo văn bản này, lao động sẽ được duy trì việc xét nghiệm 2 lần trong 5 ngày đầu, sau đó là 2 lần/7 ngày trong tuần tiếp theo. Người nhà của lao động cũng được doanh nghiệp hỗ trợ xét nghiệm tại nhà hàng tuần. Đồng thời phải có cam kết từ 3 phía: doanh nghiệp, lao động và gia đình của lao động đó. Riêng những lao động ở ‘vùng đỏ’ sẽ không được tham gia thí điểm.

Lao động được thí điểm chỉ được phép đi từ nhà đến nơi làm việc và chiều ngược lại theo xe đưa đón của doanh nghiệp. Đặc biệt, người tham gia thí điểm sẽ phải cài ứng dụng trên điện thoại, trước khi lên/xuống xe đưa đón phải bật ứng dụng để cơ quan quản lý và doanh nghiệp kiểm soát. 

Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM cũng đồng tình với mô hình sản xuất như trên. Theo các doanh nghiệp thành viên, thời điểm này là lúc chính quyền cần tạo một cơ chế mở hơn cho doanh nghiệp thoát khỏi “3 tại chỗ” để họ có động lực tiếp tục duy trì sản xuất.

Lập vùng đệm quanh nhà máy

Việc đưa ra một mô hình sản xuất mới linh hoạt để phù hợp với thực tế, điều kiện từng doanh nghiệp không có nghĩa là phủ nhận mô hình “3 tại chỗ”. Doanh nghiệp nào đang thực hiện tốt “3 tại chỗ” vẫn tiếp tục duy trì, khuyến khích. Còn doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn thì linh động áp dụng các phương án sản xuất an toàn, bảo đảm phòng chống dịch mà không nhất thiết phải “3 tại chỗ”.

Bà Nguyễn Thị Phương – Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce (thuộc Masan Group), cũng đề xuất cho phép lập “vùng đệm” xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… gần nhà máy. Tại đây, lao động có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng, bà Phương đề nghị không đồng loạt đóng cửa nhà máy, kho hàng hoặc rút ngắn nhất có thể thời gian đóng cửa nhà máy, tổng kho, điểm bán hàng hóa thiết yếu.

Việc phủ vaccine trong nhà máy gần như là giải pháp cấp thiết nhất, tuy nhiên để ổn định cần phải có một phương án xử lý rủi ro tại chỗ nhanh chóng và hiệu quả. Giải pháp được Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM lựa chọn là xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đây là cơ sở để chăm sóc sức khỏe công nhân tốt hơn và nhanh chóng tách F0 ra khỏi nhà máy khi có ca nhiễm. Đại diện hiệp hội cho rằng cách làm này sẽ tránh đứt gãy sản xuất, duy trì ổn định chuỗi cung ứng, đồng thời giảm áp lực cho ngành y tế. Hiện, Công ty TNHH Sepzone – Linh Trung và Ban quản lý đã thống nhất và lên kế hoạch triển khai xây dựng khu thu dung người nhiễm Covid-19 tại Khu chế xuất Linh Trung 2 với quy mô dự kiến 250 giường.

Ứng dụng công nghệ để quản lý lao động

Mới đây, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TPHCM, cho biết đang đề xuất bộ tiêu chí của mô hình “3 xanh” thay thế “3 tại chỗ” với những chỉ số định lượng cụ thể, nắm rõ tần suất xét nghiệm của từng công nhân, từng bộ phận sản xuất.

Cơ sở cho mô hình này là nhiều công nhân đã được tiêm 1 mũi vaccine, bộ xét nghiệm cũng dần phổ biến, hệ thống công nghệ thông tin cũng dễ dàng triển khai cho việc quản lý lưu thông của công nhân… Do đó, nên cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc xét nghiệm Covid-19, cấp QR Code để công nhân được đi và về nhà xưởng, cơ quan quản lý chỉ kiểm tra tương tự như QR code “luồng xanh” của vận tải.

Doanh nghiệp muốn tạo luồng xanh cho người lao động thông qua ứng dụng công nghệ. Ảnh minh họa: TTXVN

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương – Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), đề nghị ứng dụng công nghệ kiểm soát thay vì “quản” doanh nghiệp sản xuất an toàn theo kiểu thủ công và rời rạc hiện nay. Cụ thể, chính quyền địa phương cần thiết lập kênh liên thông cơ sở dữ liệu với doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ thông tin, đảm bảo truy vết chống dịch.

Theo đó, doanh nghiệp lập cơ sở dữ liệu theo dõi sức khoẻ người lao động, gồm các thông số như lịch xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng, địa chỉ nơi ở… Dữ liệu này sẽ liên thông với chính quyền tỉnh, thành phố, thậm chí là liên tỉnh và ở cấp quốc gia, được chính quyền công nhận. Việc này giúp doanh nghiệp, chính quyền đánh giá, quản trị rủi ro và đưa ra giải pháp xử lý tình huống theo tình hình dịch bệnh từng địa phương.

“Cần có sách lược thống nhất, liên thông dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh để sống chung dài hạn với dịch, cũng như để doanh nghiệp chịu nổi cho đến khi vaccine được tiêm tương đối nhiều tại Việt Nam vào cuối năm nay”, ông Phương chia sẻ.

Muốn được trao quyền và tự chịu trách nhiệm

Mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” áp dụng thành công ở Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng lại chưa hiệu quả tại một số địa phương do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Vì vậy nhiều doanh nghiệp mong muốn được trao quyền để chủ động tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp và an toàn nhất với họ.

Ông Kiều Huỳnh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Vietsteel cho hay đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” được hơn 1 tháng nay.  Tuy vậy, nếu kéo dài mô hình này, doanh nghiệp sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí bởi phải chi khoảng 3 triệu đồng/lao động, chưa kể người lao động ở lâu trong nhà máy cũng phát sinh các vấn đề tâm sinh lý, ảnh hưởng đến hiệu quả chung.

“Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” có làm tốt mấy cũng không tránh khỏi khó khăn nên mong muốn được lựa chọn mô hình sản xuất linh hoạt và tự chịu trách nhiệm” – ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đánh giá phương án “3 tại chỗ” chỉ là một tình huống bất khả kháng. Ông cho rằng mỗi doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng, theo từng ngành hàng, từng lĩnh vực.

“Lúc này, chính quyền cần trao niềm tin, trách nhiệm cho doanh nghiệp, bởi hơn ai hết họ phải biết cách bảo vệ nguồn lực của mình. Trước tiên, phải đảm bảo an toàn mới có thể sản xuất. Do đó, chính quyền phải dám tin tưởng vào họ, giao trách nhiệm và hướng dẫn doanh nghiệp làm tốt, thay vì cơ chế áp đặt”, ông Dũng nêu quan điểm.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Doanh Nghiệp….

https://www.thesaigontimes.vn/td/319418/doanh-nghiep-phia-nam-chon-giai-phap-nao-de-thay-the-3-tai-cho.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *