Doanh nhân luôn mang nỗi cô đơn “quý tộc”

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Khởi nghiệp

Kính gửi ông Dr Thanh 

Vì ông bà nội ngoại chúng cháu cỡ tuổi ông nên xin ông cho phép chúng cháu được gọi ông là ông ạ. 

Thưa ông, vừa rồi chúng cháu làm một điều tra trong lớp đại học năm cuối của chúng cháu. Câu hỏi là: Bạn thích làm nghề gì? Kết quả chỉ có 3/43 bạn chọn làm doanh nhân.  Ai cũng muốn giàu có nhưng số người thích làm doanh nhân không nhiều, nếu không muốn nói là  rất ít. Vì sao thế ạ?

 Hay nói cách khác, làm doanh nhân có khó lắm không ạ? Khó nhất là điểm gì, thưa ông?

Mong ông bỏ chút thời gian trả lời cho chúng cháu ạ. 

Kính chúc ông sức khoẻ.

Hoà- Lan- Mi- Thương (Hà Nội): yeuanhthatnhieu_19@gmail.com

—–

Hoà – Lan – Mi – Thương mến!

Ước mơ làm doanh nhân thành đạt, giàu có, đó là điều tốt thôi các cháu. Nhưng làm doanh nhân thành đạt không dễ, cho nên ít người lựa chọn là lẽ đương nhiên.

Một sinh viên tốt nghiệp đại học, tìm được một việc làm ổn định, lương cao, và đó là vùng an toàn nhất. Bởi vì chỉ cần làm tốt công việc của mình là cuộc sống ổn định, không giàu nhưng cũng không sợ nghèo.

Nhưng cũng một sinh viên tốt nghiệp đại học, không xin việc làm mà khởi nghiệp, trở thành một doanh nhân, là bước ra khỏi vùng an toàn. Cả một núi công việc cộng với biết bao nhiêu áp lực, lo toan đổ  xuống. Cho nên, người không có bản lĩnh, sức chịu đựng thì không thể lựa chọn  con đường chông gai này.

Doanh nhân trước hết là người mang nỗi cô đơn “quý tộc”. Ai cũng có thể hoài nghi về sự thành công của mình, người thân lo lắng cho mình, nhưng không ai có thể chia sẻ được những việc làm của một doanh nhân. Cha mẹ, anh em vui khi mình thành công, nhưng khi mình gặp thất bại, nỗi cô đơn càng khủng khiếp. Ông đã từng gặp thất bại và ôm nỗi cô đơn đó nhiều lần, nên thấm lắm các cháu.

Chưa kể, ở đời ít có những tấm lòng yêu thương mình thực sự, cho nên khi gặp thất bại, người đời chê cười. Còn nếu thành công, thì cháu  phải đối mặt với sự ganh ghét. Không biết dân mình chịu ảnh hưởng từ đâu, mà đa số có tính ghét người giàu. Thấy ai giàu là tìm cách nói xấu, hoặc phát hiện ra người giàu mắc sai lầm hay có chuyện gì đó không thuận lợi, thì đám đông sẽ nhảy vào đấu tố không thương tiếc.

Làm một nhân viên hay chuyên gia cho doanh nghiệp, hay làm công chức, nhận lương và lo chi tiêu cho cá nhân, cùng lắm là một gia đình. Nhưng khi là một doanh nhân, điều hành một doanh nghiệp, thì phải lo cho bao nhiêu con người. Chỉ cần tới kỳ lương, cháu phải chạy bở hơi tai, chưa kể phải tính toán các khoản tài chính sử dụng cho sản xuất kinh doanh, lãi ngân hàng, đáo hạn ngân hàng. Chỉ chuyện này thôi, ít ai chịu được áp lực để vượt qua.

Trong quá trình điều hành, chắc chắn sẽ có nhân viên nào đó làm việc không tốt, không phù hợp, bắt buộc phải thuyên chuyển, thậm chí sa thải. Đây là việc rất khó khăn, chọn lựa vì cái chung thì mất tình nghĩa, giữ cái tình thì hỏng việc chung. Đây cũng tâm trạng cô đơn, không ai chia sẻ được.

Cho dù là chuyên gia, thì chỉ tính toán tương lai cho cá nhân, còn việc của đơn vị mình làm thuê đã có ban giám đốc, hội đồng quản trị lo. Nhưng khi là doanh nhân, chủ một doanh nghiệp, thì không chỉ lo cho hiện tại mà phải có cái nhìn xa vào tương lai, doanh nghiệp phải phát triển thế nào, đầu tư vào cái gì, thay đổi công nghệ ra sao. Những điều này là áp lực không chỉ một giai đoạn, mà cả một đời người.

Ông phân tích sơ sơ vậy thôi, các cháu thấy làm doanh nhân có khó không?

Chúc các cháu tự tin làm doanh nhân dù rằng vô cùng khó và khổ.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

1 (20%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *