Song Nghi/ Báo TBKTSG
—–
Từ năm 2015, Chính phủ đã quyết định xây dựng sáu cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, thống kê dân số, tài chính và bảo hiểm. Đến năm 2020 thì các cơ sở dữ liệu này đã tương đối hoàn chỉnh. Thế nhưng, khi cần sử dụng thì dường như những người thiết kế công nghệ lại “bỏ qua” kho dữ liệu quý này.
Khi mà việc kết nối dữ liệu ở cấp quốc gia giữa các bộ còn nhiêu khê như vậy thì việc doanh nghiệp hay người dân truy cập kho dữ liệu mở của Nhà nước theo Luật Tiếp cận thông tin có lẽ vẫn còn trong tương lai… không gần.
Nhiều trường hợp phản ánh có rắc rối khi truy vấn, tìm kiếm thông tin về tiêm chủng trên app. Ảnh: N.K
Hôm 24-9, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhắc lại yêu cầu các bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với hai Bộ Công an, Bộ Y tế phát triển một ứng dụng (app) chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là PC COVID). Văn bản của Chính phủ cũng yêu cầu các bộ nói trên phải sử dụng các kho CSDLQG để phát triển app PC COVID(*).
Thông tin đã có sẵn vẫn nhập lại!
Do khâu kết nối các CSDLQG bị bỏ qua nên trong thời gian qua các ứng dụng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tuy nhiều như nấm mọc sau mưa nhưng hiệu quả thì rất thấp.
Theo báo Người Lao động ngày 16-9, “hiện có hơn 20 ứng dụng từ trung ương đến địa phương, ban ngành có liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19 đã được triển khai”. Cũng theo báo này, dù nhiều app như vậy nhưng việc cấp giấy đi đường tại Hà Nội hoàn toàn dựa vào tờ khai in trên giấy nên rất chậm chạp vì làm thủ công và không có dữ liệu gốc để đối chiếu.
Một trường hợp khác cũng bị rối loạn do nhập liệu thủ công là Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia. Tại thời điểm giữa tháng 9 vừa qua, với khoảng 24 triệu mũi vaccine đã được tiêm trên toàn quốc thì có đến 800.000 lượt trường hợp phản ánh có rắc rối khi truy vấn, tìm kiếm thông tin về tiêm chủng và còn khoảng 2 triệu mũi tiêm chưa nhập liệu hoặc nhầm lẫn dữ liệu. Nguyên nhân sai sót quá nhiều cũng tương tự như trường hợp ứng dụng cấp giấy đi đường: dữ liệu phải nhập thủ công từ phiếu in giấy vào hệ thống và cũng không có dữ liệu gốc để đối chiếu.
Các sai sót, hỗn loạn như nói trên đáng lẽ đã không xảy ra nếu khi thiết kế hệ thống được kết nối với các kho dữ liệu về dân cư của Bộ Công an hay dữ liệu về bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Khi đó, thay vì phải nhập liệu lại tất cả thì chỉ cần nhập số chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay số thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là có đủ các thông tin liên quan chính xác và không phải nhập lại.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31-12-2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,85% dân số tham gia BHYT. Đây là dữ liệu có độ chính xác cao và được cập nhật liên tục. Tương tự, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an cho biết, đến tháng 7-2021 đã cập nhật hơn 100 triệu thông tin dân cư, trong đó bao gồm hồ sơ của hơn 52 triệu thẻ căn cước (**).
Quyền tiếp cận đã có nhưng dữ liệu… chưa có
Dịch Covid-19 đã làm cho nhu cầu tra cứu dữ liệu phục vụ cho nhiều nhu cầu đời sống xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp gia tăng hơn bao giờ hết. Cũng qua đó, người thuộc doanh nghiệp và người dân có nhu cầu tìm kiếm dữ liệu mới thấy, tìm thông tin từ các kho dữ liệu mở của Nhà nước theo Luật Tiếp cận thông tin là việc không đơn giản chút nào.
Đầu năm 2019, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo đánh giá nhu cầu dữ liệu mở tại Việt Nam cho thấy, việc tiếp cận với dữ liệu mở nhà nước còn rất khó khăn. Các cơ quan nhà nước thừa nhận họ không có khả năng công bố hoặc cung cấp quyền truy cập dữ liệu cho khu vực ngoài nhà nước do thiếu cơ sở pháp lý cho việc công bố dữ liệu.
Các tổ chức phi chính phủ thì phản hồi là các cơ quan nhà nước không cung cấp dữ liệu mà họ yêu cầu. Họ chỉ có thể tiếp cận dữ liệu không chính thức qua mối quan hệ cá nhân. Tất cả các tổ chức đều có nhu cầu cao với dữ liệu mở, nhưng họ lại không kỳ vọng nhiều vào việc có được các dữ liệu này dựa trên những gì được công bố hiện nay và cách các cơ quan chính phủ đang đáp ứng yêu cầu dữ liệu (***).
Trong khi đó, theo Luật Tiếp cận thông tin thì người dân được quyền tiếp cận rộng rãi với các kho dữ liệu mở do nhà nước thu thập, trừ một số lĩnh vực bí mật mới bị hạn chế. Năm ngoái, Cổng dữ liệu quốc gia sau khi đi vào hoạt động cũng công bố các quy chuẩn kỹ thuật để kết nối vào hệ thống này để truy vấn thông tin (****).
Với đủ luật và nghị định, việc tiếp cận dữ liệu mở nhà nước – ít nhất là trên lý thuyết – của người dân là có đầy đủ cơ sở pháp lý. Mặc dù vậy, việc có tiếp cận vẫn vướng vì không có đủ thông tin cần tìm. Trên Cổng dữ liệu quốc gia tại thời điểm này, tức hơn một năm từ ngày đi vào hoạt động, thông tin vẫn chưa nhiều. Phần mục “Dữ liệu mở” của Cổng có hơn 10.500 bộ dữ liệu nhưng riêng Đại học Quốc gia Hà Nội đã chiếm hơn 10.000 bộ còn dữ liệu của các bộ ngành khá ít ỏi.
Với lượng dữ liệu như vậy, có lẽ tiêu chí ghi rõ trên Cổng dữ liệu quốc gia là nền tảng để các cơ quan nhà nước, bộ, ngành, địa phương cung cấp dữ liệu mở. Dữ liệu cung cấp trên Cổng sẽ là nguồn tài nguyên quan trọng và hữu ích để cho các nhà khoa học, sinh viên, các doanh nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp và toàn xã hội phát triển các sản phẩm trên nền tảng dữ liệu mở này phải còn khá lâu mới đạt được.
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CỔNG DỮ LIỆU QUỐC GIA
Năm 2015: Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định, sáu cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử gồm CSDLQG về Dân cư (Bộ Công an); Đất đai quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Đăng ký doanh nghiệp,Thống kê tổng hợp về Dân số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Tài chính (Bộ Tài chính; Bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Năm 2016: Quốc Hội ban hành Luật Tiếp cận thông tin.Năm 2017: Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 13/2017/TTBTTTT “Quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia” đặt nền tảng cho tiêu chuẩn kết nối liên thông dữ liệu quốc gia. Năm 2018: Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực. Chính phủ ban hành Nghị định 13/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin”. Năm 2020: Ngày 31-8, Cổng dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động tại địa chỉ www.data.gov.vn. Cổng này phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước. |
———–
(*) http://baochinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Quy-dinh-ro-nguoi-co-app-xanh-duoc-di-chuyen/447633.vgp
(**) https://laodong.vn/xa-hoi/hom-nay-he-thong-co-so-du-lieu-quoc-gia-chinh-thuc-van-hanh-925959.ldo
(***) https://data.gov.vn/web/guest/news/-/asset_publisher/FRkblAs8yr3H/content/danhgianhucaudulieumovietnam
(****) https://data.gov.vn/web/guest/news/-/asset_publisher/FRkblAs8yr3H/content/huongdanthongtu13chucnang
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Dữ liệu…
https://thesaigontimes.vn/du-lieu-mo-nhung-khi-nao-moi-mo-du-lieu/