Hồng Hạnh/ Báo Phụ nữ Tp HCM
Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, shipper gần như rất quan trọng đối với các hộ gia đình. Tạo điều kiện cho người giao hàng hoạt động thuận tiện và hiệu quả thì thương mại điện tử mới có điều kiện phát triển.
Trong những đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, người dân hạn chế ra đường nhưng nhu cầu thực phẩm thiết yếu vẫn cần phải được đáp ứng. Vì vậy, họ cần đến lực lượng giao hàng (shipper).
Có người nói vui: “Bây giờ ra đường, hầu như chỉ thấy hai phương tiện di chuyển: một là xe cấp cứu, hai là xe ôm công nghệ. Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, shipper gần như rất quan trọng đối với các hộ gia đình. Shipper gánh phần việc mà bất cứ ai cũng ngán ngẩm và không có điều kiện để thực hiện: vận chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác. Trong bối cảnh dịch bệnh, điều đó đồng nghĩa với muôn vàn hiểm nguy mà họ phải đối diện mỗi ngày.
Từ hôm giãn cách xã hội, nhóm bếp từ thiện của Mai Anh (Q. Gò Vấp, TPHCM) vẫn đều đặn hoàn thành 50 suất cơm cho các bác sĩ ở bệnh viện dã chiến. Điều khiến chị trăn trở nhất không phải là tìm nguồn rau củ đang khan hiếm ở Sài Gòn hay quần quật trong căn bếp đặc quánh mùi xào nấu, mà là có được một người giao hàng đồng ý vận chuyển thức ăn đến các bác sĩ đang làm nhiệm vụ ở bệnh viện dã chiến.
Việc từ chối vận chuyển của các shipper hoàn toàn dễ hiểu. Để đến được những nơi như bệnh viện, họ phải làm vô số thủ tục nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, như khai báo y tế hoặc có khi phải xếp hàng giãn cách hàng giờ, hoặc phải dừng lại giải trình tại các chốt kiểm soát… Nhưng tất cả những điều đó không đáng ngại bằng việc họ có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 bất cứ lúc nào.
Trong thời kỳ đầu phong tỏa, mỗi gia đình ở Vũ Hán (Trung Quốc) chỉ được mua lương thực hai ngày/lần. Khi dịch bùng phát mạnh, người dân chỉ được phép giao dịch thông qua ứng dụng giao hàng trực tuyến. Đây là điều có thể diễn ra suôn sẻ ở Trung Quốc, nơi có ngành chuyển phát nhanh rất phát triển, chi phí rẻ và vô cùng chuyên nghiệp. Hầu hết người trẻ Trung Quốc có thói quen thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, hệ thống camera công cộng cũng được phủ dày đặc trong thành phố, hạn chế được việc mất hàng hóa khi “giao hàng không tiếp xúc” (shipper thường để hàng trước cửa nhà dân, thường là đóng kín, rồi rời đi).
Shipper ở Trung Quốc có cách thức hoạt động vô cùng chuyên nghiệp. Trước hết, họ phải làm việc trong các công ty chuyển phát nhanh hoặc giao hàng chính thống, hoạt động quy củ và chịu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền. Họ được xét nghiệm thường xuyên và chỉ làm việc khi có kết quả âm tính. Mỗi hộ dân đặt một chiếc tủ nhận hàng trước cửa nhà. Các khu tập thể hay chung cư đều trang bị hệ thống tủ kệ trước cổng, mỗi chủ căn hộ sở hữu một chiếc tủ được cấp mã số riêng. Shipper chỉ cần đặt hàng vào chiếc tủ có mã số của người nhận rồi nhanh chóng rời đi mà không cần đợi chủ nhà ra lấy.
Việc “giao hàng không tiếp xúc” thực sự tiện lợi và an toàn cho cả hai phía, giúp hạn chế gần như tuyệt đối khả năng lây nhiễm. Nhờ hệ thống giao hàng được tổ chức hết sức chuyên nghiệp và quy củ như vậy, ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng và vô cùng mạnh mẽ.
Đó là những kinh nghiệm có thể áp dụng để phát triển ngành thương mại điện tử của Việt Nam. Nếu vẫn chưa xây dựng được hệ thống vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp, nhịp nhàng, giảm thiểu mọi rủi ro lây nhiễm thì việc các shipper hoạt động trong nỗi lo sợ và sẵn sàng từ chối những đơn hàng có điểm đến nguy hiểm là điều hiển nhiên. Ưu tiên tiêm vắc xin cho đối tượng này cũng là việc nên làm, nhằm bảo vệ họ và cộng đồng.
Tạo điều kiện cho người giao hàng hoạt động thuận tiện và hiệu quả thì thương mại điện tử mới có điều kiện phát triển, người dân mới bớt trực tiếp đi chợ hay siêu thị, qua đó hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Đừng để….
https://www.phunuonline.com.