Đừng xóa đi căn cước Sài Gòn

Phúc Tiến/ Báo NĐT
“Cây Sài Gòn là ánh sáng, là hơi thở, là nhạc và thơ của không chỉ người Sài Gòn, không chỉ một thế hệ. Phá bỏ cây, xóa sổ công viên, thu hẹp thảm xanh của thành phố này là tắt đi không những ánh sáng của văn minh mà còn xóa đi căn cước, bản sắc của Sài Gòn.” Lời dẫn buồn đau của tác giả thật trúng ý tui. Là người Sài Gòn tui muốn nói thêm, cây cối trong thành phố này không chỉ là căn cước cho một Sài Gòn đáng yêu mà còn là linh hồn của một Sài Gòn đáng nhớ. Mà nói đến linh hồn là nói đến tâm linh, cây cối là cõi tâm linh của Sài Gòn. Tui chỉ nói vậy thôi, xin mọi người tự hiểu.
 
Trần Quí Thanh
—–
1.10.2014 – ngày bắt đầu chặt dãy cây dọc đại lộ Nguyễn Huệ, Sài Gòn và mới đây là chặt hàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Ảnh: Phúc Tiến.

Ba năm trước, người ta đốn ngã hàng cây cao viền xanh công viên Lam Sơn. Thoáng chốc, cái công viên xinh xắn cùng hàng cây trăm năm bất ngờ “bay lên trời”. Và rồi, hàng cây liễu và hồ phun nước duyên dáng trên vòng xoay Lê Lợi – Nguyễn Huệ đột ngột bị phá bỏ.

Người ta “xóa sổ” luôn vòng xoay này để thay vào đó khu vực nhạc nước cho phố đi bộ. Cũng với lý do làm phố đi bộ, hai hàng cây dọc đại lộ Nguyễn Huệ lại bị chặt nốt. Càng thêm kinh ngạc, tòa nhà thương xá Tax đang nhộn nhịp và yên lành bỗng dưng phải đóng cửa để “hóa kiếp”. 

Khung cảnh chung quanh ngổn ngang như một bãi chiến trường. Đến nay, phố đi bộ đã xong, ga Metro đang vào giai đoạn cuối nhưng mỗi lần đi qua đây, ai là người yêu Sài Gòn lại không thấy trong mình đau đáu niềm thương nhớ!

Thương lắm, nhớ lắm không chỉ khung cảnh kỷ niệm đầy nét thơ mà còn đau đớn lắm vì mất đi dáng vẻ thiên nhiên được xếp đặt hài hòa giữa phố phường, từ hơn một thế kỷ trước!

Hỡi ôi, đô thị đâu chỉ là phố, là nhà cao cửa rộng, là cao ốc chọc trời. Huống chi, khởi thủy Sài Gòn đã là rừng cây, là sông nước được con người khai phá và tôn tạo từ lúc mở đất cho đến lúc tạo dựng làng mạc, thành quách, phố xá, bến cảng…

Công trường Lam Sơn trước Nhà hát thành phố và hồ phun nước (xây dựng năm 1943) bị phá bỏ (ảnh chụp ngày 19.8.2014). Ảnh: Phúc Tiến.

Tâm hồn xanh từ cái tên mộc mạc

Tên Sài Gòn đã ẩn chứa thiên nhiên. Hai chữ Sài Gòn mộc mạc hoàn toàn không phải là từ Hán Việt. Sách Đại Nam Quốc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cuối thế kỷ 19, giải thích Sài là cây, là cũi, còn Gòn là cây Bông Gòn.

Một số nhà ngôn ngữ cho rằng chữ Sài là biến âm của từ Prei trong tiếng Khmer, cũng có nghĩa là Cây, là Rừng. Chữ Prei còn chuyển qua tiếng Việt là Rẫy để chỉ rừng được vỡ hoang, thành đất vườn trồng rau và cây ăn trái. Cả hai chữ Sài và Rẫy đều là một phần của kho chữ mới phong phú do người Việt phương Nam tạo ra trên đường từ miền Bắc, miền Trung vào.

Giữa nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi Sài Gòn, tôi cho rằng kiến giải của Huỳnh Tịnh Của như trên rất hợp lý và đáng tin cậy nhất.

Gần như một phản xạ tự nhiên, con người từ thuở hồng hoang, thường lấy ấn tượng lớn nhất đến từ khung cảnh thiên nhiên để đặt tên cho vùng đất lần đầu tiếp xúc. Có lẽ ấn tượng Sài Gòn là đất của cây Gòn, đất của rừng Gòn đã hình thành ngay khi những người Việt đầu tiên dong thuyền từ cửa biển đi vào vùng đất mới.

Phải chăng tổ tiên người Sài Gòn, vào khoảng thế kỷ 16, đã ngỡ ngàng trông thấy và bị cuốn hút trước vẻ đẹp nhìn từ xa của những hàng cây Gòn chi chít trên hòn Núi Lớn và hòn Núi Nhỏ thuộc mũi đất Vũng Tàu? Ngày nay, vào mùa Hè, những hàng Gòn này, vẫn trổ bông trắng xóa, rạo rực cả một bầu trời, tiếp tục thu hút nhiều thế hệ đương đại.

Cây bông Gòn cổ tích làm nên địa danh Sài Gòn. Trong ảnh: Cây bông Gòn hiếm hoi đang sống trong Thảo Cầm Viên TP.HCM, nằm ở khu vực Hươu cao cổ, bên cạnh Miếu Cô Tư. Ảnh: Phúc Tiến.

Thuyền qua Vũng Tàu, qua Cần Giờ, người Việt nhanh chóng đổ bộ lên đất Bến Nghé.

Thuở đó, có lẽ phía sau cái vàm đất lớn ven sông nơi trâu bò tụ lại uống nước, là bạt ngàn rừng cây, trong đó cây Gòn điểm xuyết khắp nơi? Chính những hàng Gòn khỏe khoắn trên đồi cao đã trở thành một trong những cột mốc cần thiết để người Việt mới nhập cư dựng xóm, dựng làng.

Cây Gòn và nhiều loại cây bản địa giúp người Việt có ngay vật liệu làm nhà, làm đồn lính. Cây Gòn còn cho củi đốt, cho trái làm thuốc, cho bông dệt vải, trở thành hàng hóa của làng xóm mới.

Lạ thay, những cây Gòn đó không mất hẳn đi khi Sài Gòn trở thành phố phường tấp nập. Tuổi thơ tôi vào những năm 1960 vẫn còn thấy một số cây Gòn, mọc vững chải trong hẻm, trong xóm Bàn Cờ.

Đáng chú ý, sử sách triều đình bằng chữ Hán ghi âm tên Sài Gòn bằng tiếng Hán Việt là Sài Côn nhưng sau đấy lại đặt tên hành chánh cho vùng đất này là Tân Bình, rồi Phiên An và Gia Định. Những “tên chữ” chính thức như vậy đều “văn vẻ” hay đẹp song người dân tại đây từ xa xưa vẫn thích dùng và lưu truyền “tên nôm” Sài Gòn.

Ngẫm xem, hai chữ Sài Gòn mộc mạc không chỉ dễ phát âm, dễ nhớ mà chắc hẳn còn tượng hình kỷ niệm của một thời khai phá đất mới.

Hơn thế nữa, từ trong sâu thẳm, hai chữ Sài Gòn còn thể hiện tâm thế và tâm tình của những con người luôn hòa quyện và quyến luyến thiên nhiên!

Cỏ cây hoa lá trở thành tên đất, tên sông

Không chỉ hai chữ Sài Gòn, tấm lòng yêu chuộng thiên nhiên của tổ tiên vùng thị tứ tương lai còn lưu dấu trong một loạt địa danh mang tên đơn sơ – cỏ cây hoa lá. Nào là Cây Mai, Cây Điệp, Cây Gõ, Cây Vông đến Đầm Sen, Vườn Chuối, Đám Xoài, Gò Vấp …Nào là Tranh, Bàng, Đệm, Sác đến Trầu, Thơm, Dưa, Bần, Ổi…

Ngày nay, đọc những cái tên hồn hậu, chất phác đó – may mắn còn sót lại ở nhiều phố phường, quận huyện, ta không những rưng rưng nghĩ đến công sức khai phá mà còn cảm phục cách sống giao hòa với đất trời của tiền nhân.

Cách sống ấy xem ra khác biệt lắm với thời hiện đại khi mà giới hậu sanh đã quen đặt tên con cháu, cửa hàng, công ty hay cao ốc theo những chữ văn hoa, sang trọng, thậm chí ngoại lai.

Thảm xanh bất tận: khu vực Dinh Norodom (Dinh Thống nhất) và Nhà thờ Đức Bà những năm 1920. Ảnh: tư liệu

Thành phố vườn hiện đại

Trước khi người Pháp đến, cư dân Sài Gòn đã khai phá khá nhiều rừng hoang, ao hồ, sông rạch, lập nên 40 làng mạc trù phú.

Ngoài tòa thành Gia Định đồ sộ được xây năm 1790, Sài Gòn còn có một khu phố chợ đông đúc của người Hoa, dân Việt gọi là Chợ Lớn. Tuy nhiên, Sài Gòn lúc ấy vẫn còn ở mức độ nửa thành, nửa thôn, chưa phải là một thành phố hoàn chỉnh của công nghiệp và thị dân. Khi người Pháp quản trị Sài Gòn,  họ đã biến đổi nơi đây thành một đô thị lớn, kết hợp văn minh Âu – Á.

Trong đó, một trong những điểm son mới mẻ là các đường phố không những được xây dựng thẳng tắp mà còn viền xanh bởi những hàng cây được trồng chọn lọc.

Thêm vào đấy, thành phố còn có nhiều vườn hoa, công viên và ngay cả một vườn Bách Thảo 12ha chuyên ươm cây để trồng ở các con đường (ra đời từ 1864, dân Việt quen gọi là Sở Bông, Sở Thú).

Trên bức tranh phác họa quy hoạch Sài Gòn 1880 còn lưu giữ ở Thư viện quốc gia Pháp, ta có thể nhận ra hai điểm nhấn độc đáo là công trường Rigault de Genouilly (nay là công trường Mê Linh) và bồn phun nước ở giao lộ Bonard-Charner (Lê Lợi – Nguyễn Huệ).

Trong khi ấy, bờ sông Sài Gòn từ nhà máy Ba Son đến Cột Cờ Thủ Ngữ trở thành mặt tiền chính của thành phố được điểm trang bởi những tòa nhà đẹp, hàng cây cao, kè đá, cầu tàu, công viên nhỏ.

Thực sự, các kiến trúc sư Pháp đã thiết kế Sài Gòn là một Thành phố Vườn, một Paris nhiệt đới chưa từng có.

Thành phố vườn ở từng con đường, từng góc phố. Tranh phác họa quy hoạch Sài Gòn 1880 (trắng đen, bản gốc hiện lưu giữ tại Thư viện Quốc Gia Pháp – Paris) và tranh phác họa quy hoạch Sài Gòn 1900 (màu, đang lưu giữ tại trụ sở UBND TP.HCM). Ảnh tư liệu Hiếu Minh, Phúc Tiến sưu tầm.

Năm 1925, nhà văn Anh Horace Bleackley, trong du ký Viễn Đông đã gọi Sài Gòn là “Paris trong rừng” (Paris in the jungle), vừa mang ý nghĩa khám phá bất ngờ, vừa nhấn mạnh vẻ đẹp gần gũi thiên nhiên hiếm thấy. Theo ông, người Anh và người Hà Lan phải đến Sài Gòn để học kinh nghiệm người Pháp trồng cây trong thành phố.

Chính những “hàng cây thắp nến”, như cách Trịnh Công Sơn gọi sau này, đã được vun trồng, lớn lên và đứng vững qua nhiều năm tháng, kể cả trong hai cuộc chiến tranh khốc liệt. Cây Sài Gòn là ánh sáng, là hơi thở, là nhạc và thơ của không chỉ người Sài Gòn, không chỉ một thế hệ. Phá bỏ cây, xóa sổ công viên, thu hẹp thảm xanh của thành phố này là tắt đi không những ánh sáng của văn minh mà còn xóa đi căn cước, bản sắc của Sài Gòn.  

Hãy dừng tay, hãy bỏ đi những kế hoạch xây dựng rừng nhà, rừng cao ốc lô xô, ô trọc. Hãy thôi chiếm dụng những không gian công cộng ít ỏi của đô thị. Hãy cư xử ngược lại, hãy thêm vào những mảng xanh, thêm vào những bình ô xy thiên nhiên và nhân văn trên cả đất Sài Gòn xưa và Sài Gòn mới.

Vẫn còn cơ hội để cùng nhau trả lại Sài Gòn vẻ đẹp của một thành phố vườn mà đất lành này từng có!

Hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng từ lâu là hình ảnh quen thuộc đối với người dân Sài Gòn, nay chỉ còn là kỷ niệm khi TP.HCM chủ trương đốn hạ, di dời để xây cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Zing.

 

Một số địa danh mang tên Cây Cỏ Hoa Lá ở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn

Tên vùng đất

• Chợ Cây Da Còm (Thư viện Tổng hợp, Quận 1), Chợ Cây Da Thằng Mọi (Cống Quỳnh, Quận 1), Chợ Rẫy (Quận 5) Chợ Cây Vông (Quận 6), Chợ Đệm (Bình Chánh; Đệm làm từ Cỏ Bàng),  Chợ Cây Điệp (Bình Thạnh)

• Cây Da Xà (giáp ranh Quận 6 và Bình Tân), cây Da, làng Cây Gõ, cầu Cây Gõ (quận 6),

• Gò Vấp: từ tiếng Khmer Kompắp (một loại gỗ cứng như gỗ lim), Gò Cây Mai (Quận 11 ), Gò Dưa ( Thủ Đức), Gò Sao (Quận 12),  Gò Cây Quéo (Quận 2), đường Cây Mai (Quận 1 – Quận 5) ngày nay là đường Nguyễn Trãi, hẻm Cây Điệp (hẻm 90 đường Nguyễn Đình Chiểu, khu vực Đa Kao, Quận 1)

• Hàng Xanh (Bình Thạnh): cây Xanh, Cầu Sơn (Bình Thạn ): cây Sơn.

• Ấp Bầu Lách (Củ Chi): cây Lách,  cánh đồng Láng Thé (Củ Chi): nhiều Cỏ Thế.

• Đám Xoài (khu vực Cầu Công Lý, Phú Nhuận),  Vườn Trầu (Hóc Môn), Vườn Chuối (Quận 3), Cái Đước (Cần Giờ): Cây Đước, Cầu Bần Ổi (Nhà Bè): Cây Bần có hoa.

• Củ Chi: tên nôm của cây Mã Tiền.

Tên sông rạch, ao hồ

• Sông Dần Xây (Cần Giờ): từ tên cây Giằng Xây, Sông Đồng Tranh (Cần Giờ), Sông Cần Giuộc (Bình Chánh): biến âm từ tên cây Chùm Ruột, Vàm Sác (Cần Giờ): cây Sác.

• Rạch Cây Cui (An Thới Đông, Cần Giờ), Rạch Lá Buông (Cần Giờ), Rạch Gùi (Cần Giờ): biến âm cây Gùi, Rạch Lá (Cần Giờ), Rạch Thiềng Liềng (Cần Giờ): cây Thiềng Liêng, một loại cây ngải.

• Rạch Bàng (Quận 7), Rạch Cây Bướm (Nhà Bè), Rạch Giồng Bầu (Bình Chánh), Rạch Su (Bình Chánh): cây Su, Rạch Cây Cám (Thủ Đức), Rạch Bần (Thủ Đức): cây Bần, Rạch Chiếc (Thủ Đức): cây Chiếc, Rạch Bầu Nhum (Củ Chi) : cây Nhum, Rạch Bến Mốp (Củ Chi): cây Xốp…

• Hóc Môn: Rạch nước nhỏ có Cây Môn nước.

• Kênh Cây Cám (Phường Bến Nghé, Quận 1), Kênh Hàng Bàng (Quận 5, Quận 6): cây Bàng.

• Đầm Sen (Quận 11), Bàu Sen (Quận 5), Suối Lồ Ô (Thủ Đức)

(Theo sách Sổ tay địa danh TP.HCM của Lê trung Hòa và Nguyễn Đình Tư NXB. Văn hóa – Văn nghệ 2012 và tư liệu riêng của người viết)

Nguồn: Theo Báo Người Đô Thị

Link bài: Đừng xóa đi căn cước Sài Gòn
(http://nguoidothi.net.vn/dung-xoa-di-can-cuoc-sai-gon-12519.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *