Đường “nhuệ”, Dũng “trọc”, Ngọc “rambo” và mối nguy giang hồ mạng

Lê Thanh Phong/ Báo Lao Động

Ngọc “rambo”, một giang hồ mạng vừa bị bắt.

Năm 2020, những cái tên nổi lên trong giới giang hồ mạng là Đường “nhuệ”, Phú Lê, Dũng “trọc”, Ngọc “rambo”. Và một số đã theo chân của Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”, Quang “rambo” vào nhà đá.

Những ai có hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Giang hồ xưa nay đều có, nhưng trước đây, các vụ án liên quan đến giới giang hồ cùng lắm là báo đăng, ai đọc thì biết.

Cũng có những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh “ca ngợi” các tay anh chị trong giới giang hồ từng làm say mê người đọc trước năm 1975 ở Sài Gòn như “Luật hè phố”, “Dzũng Đa Kao”, “Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang”, và đặc biệt là “Điệu ru nước mắt” với nhân vật Trần Đại, một đại ca lãng tử.

Những cuốn tiểu thuyết viết về “du đãng” cũng làm cho nhiều thanh thiếu niên muốn bước chân vào chốn giang hồ để làm một đại ca như những tay anh chị trong tiểu thuyết của Duyên Anh.

Nhưng thời đại ngày nay đã khác, câu chuyện không chỉ dừng lại ở một trang báo hay một cuốn tiểu thuyết, mà hằng giờ, hằng phút trên Internet.

Các đại ca giang hồ tự show mình trên mạng xã hội, Facebook, Youtube. Những video clip, thậm chí là tự sản xuất “phim” về giới giang hồ và mình là diễn viên. Trẻ con, học sinh, tuổi chưa trưởng thành, xem những tin tức, hình ảnh, clip về các tay anh chị, rất dễ bị tác động tiêu cực.

Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, có nhiều vụ học sinh bị bạn học đánh chết. Có những học sinh, kể cả nữ sinh cấp 2, cấp 3 đã muốn làm đại ca, cầm đầu băng nhóm gây mất trật tự trường học, xóm làng.

Có nhiều cô cậu mới tí tuổi, ra đường va quệt xe là lao vào đánh đấm, bất chấp người già, trẻ em hay phụ nữ. Các cô cậu này muốn thể hiện mình là một giang hồ hảo hán.

Tất cả những trường hợp trên đều có căn nguyên từ giang hồ mạng, thông tin, hình ảnh của các đại ca xăm trổ đã làm cho không ít người bị lôi kéo. Hãy xem, ngày Khá “bảnh” hầu tòa, rất đông fan hâm mộ kéo đến theo dõi, đủ thấy mạng xã hội có cả một kho thuốc độc.

Và hãy thử xem, gõ tên của những học sinh đoạt huy chương vàng Olympic các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh học thì được mấy dòng, nhưng gõ tên một giang hồ mạng thì nhiều vô kể, trong đó có nhiều video, clip đầy bạo lực.

Vậy thì phải tính đến việc lành mạnh hóa mạng xã hội, căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý những thông tin độc hại.

Trong khi chờ đợi pháp luật làm sạch bớt môi trường mạng trong chừng mực có thể, thì các bậc phụ huynh phải tự bảo vệ con mình trước, giáo dục gia đình vẫn là số 1, nhà trường hay các tổ chức xã hội chỉ là số 2, số 3 mà thôi.

 

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động

Link bài: Đường “Nhuệ”….

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/duong-nhue-dung-troc-ngoc-rambo-va-moi-nguy-giang-ho-mang-865462.ldo

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *