Làm gì nếu phát hiện trẻ ăn cắp vặt?

Trương Thúc Nguyện  Nhà tâm lý học Trung Quốc/ Báo VnExpress

Khi phát hiện con mình ăn cắp, nhiều cha mẹ đã hoảng hốt và lúng túng…

Cách đây vài ngày khi đi siêu thị, tôi thấy một cặp vợ chồng đang quát mắng con trai 5 tuổi của họ trước đám đông. “Mới tý tuổi đầu mà đã trộm cắp. Khóc cái gì mà khóc?”, người mẹ giận dữ, mắt long lên.

Hóa ra cậu bé lén lấy một thỏi socola trên kệ và bịt miệng ăn trong lúc người lớn không để ý. Người mẹ phát hiện ra, giật “tang vật” trên tay con trai rồi mắng té tát. Tôi hiểu rõ tâm tư của người mẹ, cô cho rằng hành vi ăn trộm của con trẻ khi nhỏ rất dễ dẫn đến hành vi phạm pháp khi chúng lớn lên. Nhưng tôi không đồng ý cách làm của người mẹ này.

Việc con cái ăn trộm tiền ở nhà hay những thứ bên ngoài có thể khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu. Nhưng lý do nào khiến trẻ lại ăn cắp đồ? Với trẻ nhỏ, thứ nhất có thể chúng không biết “ăn cắp” là gì, huống hồ hiểu “ăn cắp” là chuyện xấu. Thứ hai mặc dù biết đây là hành vi sai trái, nhưng vì chúng quá mong muốn sở hữu một thứ gì đó và không thể kiềm chế được ham muốn của bản thân.

Trẻ bước vào giai đoạn nhận thức về quyền sở hữu vào năm 2 tuổi. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở giai đoạn này là chúng thường xuyên nói “của tôi”, bởi trong mắt trẻ, chỉ cần thích đồ vật nào thì tất cả đều là “của tôi”. Vì vậy, nếu một đứa trẻ 2-3 tuổi trở về nhà với một thứ gì đó bên ngoài thực sự là điều bình thường. Lúc này không thích hợp để đánh giá đạo đức của một đứa trẻ khi chúng lấy đồ của ai đó.

Một lần tôi đọc được mẩu tin: Trong siêu thị ở Quảng Đông, một đứa trẻ 2 tuổi lấy thạch ra khỏi kệ trong siêu thị và ăn. Ông nội thấy vậy đã mắng mỏ và đạp đứa trẻ xuống đất. Có thể ý định của người ông là muốn điều chỉnh hành vi của đứa cháu, nhưng với một đứa trẻ chưa hình thành khái niệm về quyền tài sản, việc nói từ “ăn cắp” cũng khó như bắt chúng không được chạy nhảy.

Nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Jean Piaget chỉ ra rằng sự phát triển đạo đức của trẻ em trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu là “giai đoạn tiền đạo đức” cho trẻ 1-2 tuổi. Trẻ ở giai đoạn này chưa có bất kỳ nhận thức nào về các quy tắc, các hành vi của chúng hầu hết liên quan đến sự thỏa mãn bản năng sinh lý. Giai đoạn thứ hai là “giai đoạn tuân theo đạo đức” dành cho trẻ từ 2-8 tuổi. Trẻ em thời kỳ này phân xử đúng sai tùy theo hậu quả khách quan của hành vi mình gây ra. Giai đoạn thứ ba là “giai đoạn tự giác đạo đức” dành cho trẻ từ 8-12 tuổi. Trẻ ở giai đoạn này dần chuyển từ bắt buộc tuân theo sang tự giác tuân theo. Giai đoạn thứ 4 là “giai đoạn kỷ luật” sau 12 tuổi. Giai đoạn này đứa trẻ mới thực sự trở nên có kỷ luật. Có thể thấy, với những trẻ trước 8 tuổi, chúng khó có thể tuân theo quy tắc một cách có ý thức, đặc biệt là khi ở một mình, vẫn hành động theo bản năng nhiều hơn.

Bạo lực và sỉ nhục không thể giải quyết vấn đề

Đối với trẻ em, nhục hình không phải là giáo dục mà là sỉ nhục. Tuổi này là giai đoạn trẻ hình thành nhận thức về các quy tắc và đạo đức, nếu cha mẹ chỉ trừng phạt một cách thô bạo, hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn chính việc ăn cắp vặt. Roi vọt không dạy được trẻ đúng sai, nó chỉ làm cho chúng sợ hãi mà không thiết lập tính tự giác về mặt đạo đức. Một đứa trẻ không biết đúng sai sẽ lại mắc lỗi tương tự ở lần sau.

Trên trang Zhihu có một câu hỏi: “Bạn làm gì nếu phát hiện trẻ 7 tuổi ăn trộm?” Một người đã kể câu chuyện của chính mình. Khi còn nhỏ, anh bị bạn rủ rê vào siêu thị lấy trộm đồ ăn nhưng bị bắt tại chỗ. Sau khi về nhà, bố anh đã gọi những người họ hàng tới để cùng sỉ nhục con “Mọi người giáo dục thằng con này giúp tôi. Tôi đã hết cách”, ông nói. Người đàn ông này kể rằng, anh không nhớ những người họ hàng đã nói gì ở thời điểm đó. Chỉ nhớ những tiếng thở dài, lời chì chiết khiến anh chỉ biết cúi mặt xuống đất. “Sau đó tôi sống nội tâm hơn và không còn nói chuyện với cha mẹ cho đến tận bây giờ”, anh nói.

Hãy nhớ lại xem có bao nhiêu người trong chúng ta đã lén lút lấy tiền của gia đình khi còn nhỏ? Như vậy chúng ta đã thực sự trở thành kẻ ăn trộm?

Nữ nhà văn Tam Mao của Đài Loan. Ảnh: kknews.

Nhà văn nổi tiếng Đài Loan Tam Mao kể lại câu chuyện “ăn cắp” hồi nhỏ của mình. Khi học tiểu học, một lần cô bé nhìn thấy tờ 5 tệ mẹ để trên ngăn tủ. “Số tiền này chắc chắn mua được hộp kẹo mình thích”, cô nghĩ rồi giấu tờ tiền vào trong túi. Nhưng cả ngày hôm đó, cô bé luôn bồn chồn và cảm thấy khó chịu trong người. Đến đêm khi không chịu đựng được sự dằn vặt, Tam Mao đã trả lại tờ 5 tệ vào vị trí cũ và cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.

Thực ra người cha đã nhìn thấy sự bất thường của con gái và hiểu rõ mọi việc, nhưng ông không nói điều này với ai. Thay vào đó, ông cho con gái một số tiền tiêu vặt và mua một hộp kẹo mà cô thích. Sau này lớn lên, khi biết chuyện, Tam Mao đã vô cùng ngưỡng mộ bố. “Dù nhìn thấu tâm can tôi nhưng bố đã không vội vàng trách mắng mà cho tôi một cơ hội sửa sai”, nữ nhà văn nói. Điều đáng nói hơn là bố của Tam Mao đã tự soi lại mình sau vụ con gái ăn trộm tiền, biết tôn trọng và thỏa mãn mong muốn nhỏ nhoi của đứa trẻ khiến tuổi thơ của cô thêm đầm ấm và hạnh phúc.

Một người cha chia sẻ trên Zhihu kinh nghiệm của mình. Một ngày nọ ông phát hiện con trai mang các khối Lego từ lớp học về nhà. Không chọn bạo lực để giáo dục con, ông nói với đứa trẻ: “Không phải thứ gì con thích cũng có thể tùy tiện lấy. Lấy đồ của người khác phải được sự đồng ý của người đó, nếu không là ăn trộm. Mà kẻ trộm là người không tốt và sẽ bị trừng phạt”. Câu nói này nhắc nhở trẻ biết điều gì là đúng sai và cho chúng hiểu những gì không được làm. Nghe xong người con cúi đầu im lặng, người cha tiếp tục: “Bây giờ con đã lấy đồ của người khác, con phải tự mình gửi lại và xin lỗi họ”. Câu nói này nhắc nhở trẻ nếu làm sai phải tự mình gánh chịu hậu quả. Khi đến cửa lớp, đứa trẻ miễn cưỡng bước vào, người cha động viên: “Con sai thì con phải tự giải quyết. Trả lại đồ đã lấy và nói lời xin lỗi để đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra nữa. Đừng sợ, đã có bố ở đây, luôn bên cạnh con”.

Cách làm này của người bố đã được nhiều người đón nhận. Khi trẻ ăn trộm một thứ gì đó, điều bố mẹ phải làm không phải đánh đập hay làm nhục con, mà là giúp trẻ xác lập những giá trị đúng đắn, để con tự chịu hậu quả và đưa ra biện pháp khắc phục. “Điều quan trọng nhất là tôi muốn luôn để con hiểu rằng, bố mẹ luôn sát cánh cùng con sửa chữa và mong con sẽ tốt hơn”, người bố nói.

Nhà văn Tam Mao từng nói, cách giáo dục của cha mẹ sẽ quyết định tính cách và thói quen của trẻ. “Khi đối xử với trẻ thô lỗ, trẻ sẽ trả lại bằng sự hung dữ. Đối xử với trẻ bằng sự tinh tế, trẻ sẽ bằng lòng và biết ơn bố mẹ rất nhiều”, nữ nhà văn chia sẻ.

 

NGUỒN:  Theo Báo VnExpress

Link bài: Làm gì…

https://vnexpress.net/lam-gi-neu-phat-hien-tre-an-cap-vat-4212406.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *