Gia đình và thương trường

Trần Quí Thanh

Gia đình Dr Thanh

 —–

Chào anh Trần Quí Thanh,

Trước hết xin chúc mừng năm mới anh và đại gia đình THP với sự khâm phục và mến mộ của một doanh nhân gần nửa thể kỉ lăn lộn trên thương trường. Sau nữa xin gởi tới anh câu hỏi hỏi này: Làm sao có thể xây dựng được một hội đồng quản trị có tính chuyên nghiệp cao trong một doanh nghiệp gia đình?

 Sở dĩ tôi đặt câu hỏi đó vì tôi đã và đang gặp nhiều khó khăn khi đang cố xây dựng doanh nghiệp cho con cháu gia đình tôi. Chúng tôi không thiếu vốn, chỉ thiếu sự đồng lòng.

Rất mong nhận được hồi đáp của anh.

 Kính anh

Lê Huy Hoan (Thanh Hoá): hoan_thanh_hoa@gmail.com

Chào anh Lê Huy Hoan,

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới phát triển doanh nghiệp gia đình, cho nên khoa học quản trị doanh nghiệp cũng nghiên cứu sâu về mô hình này. Các trường đại học lớn của Mỹ thường mở những khóa đào tạo về quản lý doanh nghiệp gia đình, tôi cũng cho con gái Uyên Phương học tại Harvard về chương trình này.

Trước hết, doanh nghiệp gia đình không như cách hiểu của chúng ta, vợ chồng cha con làm một cơ sở sản xuất hay kinh doanh. Ai thuận chi làm nấy, ai rảnh thì làm thay người kia, cha đi chơi, mẹ làm thay, mẹ đi chơi con gánh vác, lời hay lỗ cũng là chuyện chung. Đây là mô hình làng xã, không chuyên nghiệp.

Trong khoa học quản trị kinh doanh, doanh nghiệp gia đình đương nhiên là vốn của gia đình, nhưng tổ chức bộ máy không theo kiểu gia đình mà tuân thủ các tiêu chí doanh nghiệp, dựa trên cơ sở luật pháp và nguyên tắc kinh doanh.

Đầu tiên là Hội đồng quản trị chuyên nghiệp, thiết lập chiến lược kinh doanh, giao cho ban điều hành thực hiện.

Một doanh nghiệp hoạt động đương nhiên là phải cạnh tranh, không chỉ thương trường trong nước mà là thương trường quốc tế, không chuyên nghiệp chỉ có sập tiệm. Trong nội bộ thì là gia đình, nhưng bước ra thương trường thì chỉ có thắng – thua, thiên hạ đâu quan tâm doanh nghiệp đó là gia đình hay đại chúng, mà cũng chỉ có thắng – thua. Do đó, muốn chiến thắng thì phải nhanh, mạnh, tinh nhuệ. Đây chính là cơ sở lý luận cho việc bắt buộc hội đồng quản trị phải chuyên nghiệp.

Thông thường, các thành viên hội đồng quản trị của doanh nghiệp gia đình là sở hữu vốn, và cho rằng vì sở hữu vốn nên tham gia hội đồng để kiểm soát vốn và theo dõi hoạt động của ban điều hành. Nhưng đó mới chỉ là một nửa, nửa còn lại là phải có trình độ chuyên môn và kiến thức quản trị doanh nghiệp. Các tiêu chí này phải được nâng cao theo đòi hỏi của thực tiễn, nếu không thì sẽ không hỗ trợ được ban điều hành trong hoạch định chiến lược và phát triển công ty.

Chuyên nghiệp trong kinh doanh là phải học và nghiên cứu sâu về quản trị kinh doanh, nắm vững kiến thức pháp luật và chính sách liên quan, nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế…Khi có đủ các kỹ năng và kiến thức thì mới đưa ra được dự báo chính xác, dẫn dắt doanh nghiệp đi đúng hướng.

Doanh nghiệp gia đình có thế mạnh là cùng một ý chí, cùng một quyết tâm, dễ dàng thông cảm và chia sẻ, nhưng nhược điểm là cả nể, ỷ lại, không chỉ ra được trách nhiệm cá nhân.

Chuyên nghiệp hóa sẽ chữa được các nhược điểm trên.

Chúc anh thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi:  tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *