Giá trị truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngày càng mai một


Nguồn: Internet

 
Anh Thanh mến,
 
Lại viết thư cho anh, không biết có cảm phiền anh không?  Tại bởi tôi bức xúc trước thực trạng nhiều ngành đào tạo đưa ra điểm chuẩn cao chót vót, còn ngành sư phạm nhiều trường phải hạ tận đáy để tuyển sinh. Ngày xưa tụi mình đi học vẫn có câu “ chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” nhưng đâu đến nỗi tệ như bây giờ. Chênh lệch giữa các trường chỉ đôi ba điểm. Bây giờ là cả một vực thẳm. Lý do chính theo anh là vì sao?
 
Lê Hân Hoan (Singapore): lehanhoan_1953@gmail.com
 
—–

Chào anh Lê Hân Hoan
 
Anh đang ưu tư về nền giáo dục nước nhà và đặt ra một vấn đề rất trọng đại. Trong lúc xã hội đang mất bình tĩnh trước những đòi hỏi cơm áo, thì việc bĩnh tĩnh để suy xét về tương lai giáo dục thông qua một kỳ thi đại học như anh quả là rất hiếm.
 
Ai cũng nói “giáo dục là quốc sách”, ai cũng khẳng định “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng trên thực tế làm được hay không lại là chuyện khác. Sản phẩm giáo dục của Việt Nam đứng ở đâu so với các nước đã quá rõ, tui không dám nói nhiều hơn.
 
Sản phẩm giáo dục là con người, và đối tượng “sản xuất” ra sản phẩm đó cũng là con người, không phải là những cổ máy. Cho nên ngày xưa người ta còn gọi giáo viên là “kỹ sư tâm hồn”. Chỉ có người thầy giỏi mới đào tạo học trò giỏi, cho nên ưu tiên những người xuất sắc vào ngành sư phạm là nhìn xa trông rộng vào một sự tươi sáng của đất nước, một sự trường tồn cho quốc gia, dân tộc.
 
Nói chuyện ngày xưa với anh Lê Hân Hoan nhé, trước năm 1975 ở miền Nam, sinh viên đại học sư phạm là những học sinh xuất sắc từ các trường trung học. Ra trường đi dạy được gọi là giáo sư, được xã hội tôn trọng, được phụ huynh và học sinh kính trọng, được hưởng lương cao đủ để nuôi sống gia đình một cách sung túc.
 
Theo tôi được biết, miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh, vẫn rất chú trọng xây dựng ngành sư phạm, vì vậy đã có nhiều thế hệ thầy cô lỗi lạc về trí tuệ và nhân cách. Nhắc đến những tên tuổi ấy, ai cũng phải ngưỡng mộ.
 
Nhưng hôm nay, điều đáng buồn là giá trị của người thầy trong xã hội không còn như trước nữa. Cha mẹ bắt con cái vào học các ngành như công nghệ thông tin, tài chính kế toán, luật, công an, quân đội, bởi vì các ngành đó kiếm ra tiền nhiều hơn, được trọng vọng hơn, đơn giản thế thôi.
 
Trên thực tế, một người làm công an có quyền có thế,  còn giáo viên “thấp cổ bé họng” trong xã hội, thế thì buộc người ta phải lựa chọn sự quyền thế. Kỹ sư công nghệ thông tin hay các ngành khác có cơ hội để kiếm tiền, còn giáo viên thì ba đồng ba cọc, nuôi thân còn không đủ, đó là một lý do ai cũng có thể nhìn thấy.
 
Nhưng có một lý do sâu xa hơn, thầy cô giáo không còn được tôn trọng như trước đây. Giá trị truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngày càng mai một. Nói ra quả thật đau lòng, ngày xưa dù nghèo đói, lạc hậu, nhưng có bao giờ chúng ta thấy có trường hợp nào trò đánh thầy, phụ huynh cũng xông vào trường tát cô giáo đâu. Có thể có vài trường hợp cái sai thuộc về người thầy, nhưng đánh thầy không chỉ làm tổn thương một cá nhân, mà cho cả cộng đồng.
 
Thế là rơi vào cái vòng lẩn quẩn, nghề giáo bị xã hội đánh giá thấp, người giỏi không muốn vào sư phạm. Không có người giỏi làm thầy cô giáo thì giáo dục lại tiếp tục xuống cấp, rồi người thầy lại bị quay lưng.
 
Những lời hứa lo cuộc sống của người thầy tử tế vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng nói thiệt nghe, trong vòng chục năm có thể cố gắng để tăng thu nhập cho giáo viên đủ sống dàng hoàng, nhưng thay đổi được nhận thức xã hội về nghề giáo, để cộng đồng hôm nay biết “tôn sự trọng đạo” như ngày xưa là điều vô cùng khó.
 
Tui nghĩ như vậy đó.
 
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *