Huỳnh Kim Tôn (*)/ Báo TBKTSG
—–
Đại dịch Covid-19 đã làm nhiều công ty phải thu hẹp quy mô, khiến một số lượng lớn người lao động, kể cả những nhà quản lý có kinh nghiệm rơi vào tình trạng thất nghiệp. Đây có thể là lúc các lãnh đạo doanh nghiệp săn tìm nhân tài.
Trong quá khứ, đã có một số công ty tận dụng thành công các cơ hội trong khủng hoảng để vươn lên, nhờ tuyển dụng được đội ngũ nhân tài ngay lúc những người này đang gặp khó khăn.
Chẳng hạn, vào cuối những năm 1940, trong khi nhiều tổ chức đang vật lộn để tồn tại thì Công ty HP (Hewlett-Packard), nhà sản xuất thiết bị điện tử non trẻ có tốc độ tăng trưởng chậm chạp và tài chính hạn hẹp, đã mạnh dạn tuyển mộ một nhóm kỹ sư tài năng sắp thất nghiệp vì kế hoạch đóng cửa các phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ. Chính nhờ việc bổ sung đội ngũ kỹ sư quan trọng này đã giúp cho công ty có nguồn nhân lực mạnh để vươn lên trở thành công ty công nghệ nổi tiếng nhất của Mỹ chỉ trong vài năm sau đó. Hai nhà sáng lập của HP, Bill Hewlett và Dave Packard, đã không để cho cơ hội tuyển dụng tuyệt vời như vậy trôi qua. Ngay cả nhiều năm về sau, khi được hỏi về yếu tố đóng góp lớn nhất cho thành công của HP, họ thường nhấn mạnh đến sự sẵn sàng đầu tư vào đội ngũ nhân tài bất kể môi trường kinh tế bên ngoài có ra sao.
Trong thực tế, không phải công ty nào cũng nhận ra được cơ hội đó. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, BCG và Hiệp hội Quản lý nhân dân châu Âu(1) đã khảo sát 3.400 giám đốc điều hành, bao gồm 90 nhà lãnh đạo nhân sự cấp cao ở hơn 30 quốc gia, để xem họ phản ứng như thế nào. Hành động của họ là thu hẹp quy mô tuyển dụng. Nhưng đồng thời, những người tham gia khảo sát đã đánh giá việc tuyển chọn nhân viên có hiệu suất cao từ các đối thủ cạnh tranh là một trong ba phản ứng hiệu quả nhất và có tác động tốt nhất đến cam kết của nhân viên. Sự bất hợp lý này được giải thích là do chỉ những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa mới có thể nhận ra và tận dụng nó.
Qua thực tiễn trong quá khứ, có thể tham khảo một vài cách thức mà các lãnh đạo doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội tuyển dụng được các nhân tài cho tổ chức của mình trong giai đoạn khủng hoảng:
Thứ nhất, liệt kê danh sách các nhân tài mà doanh nghiệp mong muốn có được trong những năm gần đây và thử tiếp cận họ để trao đổi cơ hội việc làm và những lợi ích mà họ sẽ nhận được khi về làm việc cho tổ chức của mình.
Có thể những nhân tài rất khó để “săn lùng” trong điều kiện kinh doanh bình thường, nhưng trong giai đoạn khủng hoảng, mọi thứ có thể thay đổi, nhiều doanh nghiệp thua lỗ đã phải sa thải hàng loạt nhân viên hoặc không trả lương ở một số thời điểm, hoặc không có đảm bảo sự ổn định về công việc cho các nhân viên trong tương lai. Chính vì vây, bạn có thể có được những nhân sự tài năng nếu tiếp cận họ đúng thời điểm và đưa ra những lời đề nghị phù hợp.
Thứ hai, nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên thiết lập một nhóm “đặc nhiệm” chuyên tìm nguồn ứng viên tiềm năng từ các ngành và công ty mục tiêu đang gặp khó khăn hoặc muốn cắt giảm nhân sự. Jeff Bezos, người sáng lập và CEO của Amazon, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chính sự hiệu quả của đội “đặc nhiệm” này là một yếu tố quan trọng trong thành công của công ty. Các công ty nên tăng cường mức độ tập trung để tìm các nguồn ứng viên tiềm năng, đặc biệt là trong giai đoạn “vàng” này.
Thứ ba, thuyết phục và truyền cảm hứng cho ứng viên tiềm năng thông qua những cách làm khác biệt. Một khi bộ phận tuyển dụng tin chắc rằng đó là nhân tài mà doanh nghiệp thực sự cần, hãy sắp xếp để ứng viên đó nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp, những người có thể chia sẻ tình yêu và niềm đam mê của ứng viên cũng như giá trị và triển vọng phát triển mà ứng viên hy vọng sẽ đóng góp cho công ty mới. Tiền lương có thể là yếu tố quan trọng nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng điều thực sự thúc đẩy người lao động tri thức làm việc với hiệu suất cao là những yếu tố khác ngoài lương như mức độ tự chủ trong công việc, cơ hội học hỏi, phát triển và ý nghĩa của công việc.
Mặc dù tác động của dịch Covid-19 vẫn còn đang gây ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế trên toàn thế giới, nhưng ở một số nơi con người đang dần kiểm soát tốt được dịch bệnh, như Việt Nam là một điển hình, nền kinh tế rồi sẽ dần hồi phục nhanh chóng và thời cơ “vàng” này sẽ trôi qua. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp đang có tầm nhìn phát triển dài hạn và cần xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh để biến điều đó thành hiện thực thì đây là giai đoạn mà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tìm kiếm và tuyển chọn nguồn nhân tài thuận lợi nhất với chi phí thấp nhất.
(*) Giảng viên quản trị chiến lược và đổi mới sáng tạo, Đại học Mở TPHCM
(1) https://www.bcg.com/documents/file15224.pdf
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài: Giai đoạn khủng hoảng…
(https://www.thesaigontimes.vn/