Giảm lương hưu của lao động nữ: Quá bất công!

Bích Trâm/ Báo Người Lao Động

Lao động nữ nghỉ hưu từ 1-1-2018 mất quá nhiều quyền lợi

……….

Đây là chia sẻ của một nữ viên chức: “Mất 10% lương hưu chỉ sau 1 đêm, quá bất công với những lao động nữ đã phải vừa làm việc nước, việc nhà, vừa phải đảm đương thiên chức làm mẹ như chúng tôi.” Tui nghĩ chia sẻ này rất đáng quan tâm. Phụ nữ đang khi làm việc thường lương thấp hơn nam giới, tới khi về hưu lương hưu lại bị bớt đi 10% thì thật quá đáng. Rất mong Nhà nước xem xét lại chế độ lương hưu vừa mới ban hành.

Trần Quí Thanh

………………

Tôi sinh ngày 1-1-1963, tính theo năm dương lịch, năm nay tôi 54 tuổi. 6 tháng trước khi nghỉ hưu, cơ quan đã gửi thông báo về việc nghỉ hưởng chế độ hưu trí cho tôi. Cầm thông báo trên tay, tôi bần thần hồi lâu rồi không cầm được nước mắt. Giá như tôi sinh ra trước 1 ngày, tức ngày 31-12-1962 thì đã không thiệt thòi quyền lợi nhiều như thế.

Tính đến thời điểm này, tôi đã đóng BHXH được gần 25 năm. Nếu nghỉ hưu vào ngày 31-12-2017, tôi sẽ được lãnh lương hưu với mức tối đa là 75%. Thế nhưng chỉ vì sinh sau thời điểm ấy mấy tiếng đồng hồ mà lương hưu của tôi chỉ còn 65%. Mất 10% lương hưu chỉ sau 1 đêm, quá bất công với những lao động nữ đã phải vừa làm việc nước, việc nhà, vừa phải đảm đương thiên chức làm mẹ như chúng tôi.

Lao động nữ phải vừa làm việc nước, việc nhà, vừa phải đảm đương thiên chức làm mẹ

Nhiều chị em ở cơ quan tôi nghỉ hưu sau thời điểm 1-1-2018 cũng chung cảnh thiệt thòi như thế. So với nam giới được tăng dần số năm hưởng mức lương hưu tối thiểu (45%) từ 15 năm lên 16 năm, 17 năm, 18 năm… thì việc đột ngột giảm tỉ lệ lương hưu kể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi từ 3% xuống 2% của lao động nữ là quá bất công, thiệt thòi. Tại sao Bộ Luật Lao động chưa tăng tuổi hưu mà Luật BHXH lại quy định mang tính chất chèn ép, bóp chẹt quyền lợi của lao động nữ như vậy? Điều này phần nào giải thích cho tình trạng số người nhận trợ cấp BHXH một lần ngày càng tăng, thậm chí còn cao hơn số người tham gia BHXH.

Số người nhận trợ cấp BHXH một lần ngày càng tăng, thậm chí còn cao hơn số người tham gia BHXH

Qua báo chí, chúng tôi biết TP HCM đã có kiến nghị gửi Chính phủ, Quốc hội xem xét việc này. Nghĩa là cần có lộ trình tăng dần từng năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối thiểu như nam giới nhưng vẫn giữ nguyên tỉ lệ hưởng lương hưu là 3% cho mỗi năm đóng BHXH tăng thêm của lao động nữ. Chính lãnh đạo cơ quan BHXH TP HCM cũng đồng thuận với ý kiến này trong cuộc tiếp xúc với báo chí nhân ngày 21-6 vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là một người phụ nữ, một người vợ, người mẹ trong gia đình. Hẳn bà cũng hiểu những vất vả nhọc nhằn mà người phụ nữ phải gánh chịu khi phải vừa làm việc nước, vừa phải quán xuyến việc nhà để mỗi tế bào của xã hội- tức là gia đình – được vun đắp vững bền. Vậy nên tôi tha thiết mong bà hãy có việc làm thiết thực để giảm bớt thiệt thòi cho lao động nữ trong chính sách BHXH, bà hãy cùng Quốc hội sửa ngay quy định chưa phù hợp này để chúng tôi yên tâm làm việc, cống hiến.

Đó cũng chính là thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho hàng chục triệu lao động nữ cả nước.

 

Theo báo Người Lao Động

Link bài: Giảm lương hưu của lao động nữ: Quá bất công!

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *