Giang sơn gấm vóc, và người đời

Nguyễn Hàng Tình/ Báo TBKTSG

Nguồn hình: Dalat News

Đọc hết những đạo luật của nước nhà, không thấy dòng nào quy định những người được giao quản lý thắng cảnh thiên nhiên có bổn phận miễn trừ mua vé cho cư dân sống quanh các thắng cảnh cả. Luật lệ của chúng ta đã “quên” mất điều này.

Những người Kinh nghèo lưu lạc đến đây từ lớp người ba mươi, bốn mươi, năm mươi và gần bảy mươi năm trước, khi rừng thẳm còn bao phủ, không ai sở hữu riêng nó, không người cấm cản việc dạo chơi, thăm ngắm. Bỗng một ngày, họ không thể lui tới đó, dòng thác này, được nữa.

“Nghe sương đồng nội rơi trên núi

Nghe dáng chiều đi lọt dưới khe”

Thác Bobla ở cao nguyên Di Linh đã được sang bán qua nhiều “chủ đầu tư”.

Tội nghiệp nhất là người bản địa sơn nguyên. Cái bòn Bobla của người K’Ho mang tên con thác Bobla bị tách ra, dạt vào trong chỗ tít xa con thác, không còn sự liên hệ nào nữa, và cũng không ai biết họ từng là chủ nhân. Rồi cái dòng thác bé bỏng Bongour của người Cill ở bên trên nữa, và con thác Dambri hùng vĩ đẹp nhất Tây Nguyên dưới kia cũng vậy. Còn ngọn núi Lơ Mú, Dà Brian, Prah Yang, Dà Rwas (Voi)… kia cũng thế, đường sá giờ bỗng một ngày người lạ đã mở nhằng nhịt lên những ngọn núi thiêng.

Tổ tiên họ đã ở đây thuần tịnh từ nhiều thế kỷ, mà xa hơn thế nữa, lâu đời rồi. Ngay người Kinh di cư đến đây thì cũng đã thấy ấm áp thân thương và tự tại với miền đất lành, hòa quyện vào nền văn minh thảo mộc, không gian sống sơn cước này rồi.

Thác nước, cánh rừng, thung lũng, ao hồ, bàu sình, ngọn núi ấy là một phần máu thịt, không gian sinh tồn và tự tình của họ, chỉ dấu của quê nhà, dù lưu dân hay bản địa. Một phát, “nhà đầu tư” xuất hiện. Chính quyền giao những dòng thác, ngọn núi, con hồ ấy cho họ. Họ thành “chủ nhân”, “sở hữu” nó. Dù đất đai là sở hữu của toàn dân, mọi thắng cảnh là phúc lợi của cộng đồng.

Thác Dambri ở cao nguyên B’lao cũng đã sang bán qua nhiều doanh nghiệp trong những năm qua. Ảnh: PHẠM BÌNH

Chứng kiến những cảnh nhân viên của các “nhà đầu tư” đuổi thẳng cổ những người dân trong vùng muốn vào thăm những chỉ dấu của quê nhà mà lòng nhói, mắt cứ cay cay.

Kinh doanh trên ký ức quê xứ. Kinh doanh trên “trái tim” cư dân. Kinh doanh trên tâm hồn người đời. Một kẻ hân hoan, và bao người mang nỗi buồn vong cõi. Bà con thấy dòng thác, cái thung lũng, cánh rừng lá rộng thiết tha xung quanh đó bỗng trở nên “xa lạ”. Quê quán mình đâu rồi. Chúng sinh, bá tánh đứng nhìn. Mọi thắng cảnh đó xưa đều nằm trong rừng, và rừng, và thiên nhiên có bao giờ có cổng, có khóa. Bà con bản địa thành “du khách” của những gì thân thương ở quê nhà.

Lại nhìn cả những con hồ ở huyện lỵ nọ kia khắp miền thượng Tây Nguyên, khi được nhà đương cục giao, “nhà đầu tư” thả xuống những con vịt đạp nước và bán vé cho ai muốn cưỡi lên nó để du ngoạn, và nhà hàng, quán nhậu, cà phê thượng lưu, nhà nghỉ thủy tạ… thì thấy may mắn không bao giờ được chia đều.

Những con hồ tự nhiên xưa nay có tên theo lịch sử và văn hóa dân gian hình thành vùng đất đó thì bỗng giờ nó được gọi theo tên trần trụi của người sở hữu, ông này, bà kia, doanh nghiệp nọ, hoặc người ta đặt lại tên cho nó. Thiên nhiên còn “mất tên”, huống chi muông thú chẳng mất nhà. Con thác muôn đời do thiên tạo ngàn triệu năm kia, người ta chỉ cần “được giao”, rào lại và bán vé lấy tiền, ở đời sao sướng thế.

* * *

Núi, thác, thung lũng, ao hồ, cù lao, đầm lầy… là đôi chút còn lại cuối cùng sau khi đại ngàn nguyên sinh đã bị cạo sạch trong nửa thế kỷ qua. Những di chỉ của thiên nhiên, những dấu chỉ của niềm tin yêu vào trời đất. Con thác, hồ nước, trũng sình, ngọn núi nào cũng không còn là phúc lợi của toàn dân nữa.

Làn sóng chiếm hữu các thắng cảnh thiên nhiên dưới lớp vỏ “đầu tư” mỗi ngày một nhanh chóng, quyết liệt, lan tràn từ miền cao nguyên đến miền duyên hải, đồng bằng châu thổ mà. Sao người ta cứ nhắm vào con thác, ngọn núi, cánh rừng, mặt hồ thế nhỉ?! Có gì đâu, thắng cảnh thiên nhiên thì hiếm hoi, độc đáo, đặc biệt, và không sinh ra thêm được. Nơi đô thành, người ta làm hòn giả sơn (non bộ) là biểu lộ của cơn thèm thuồng về rừng núi, sinh cảnh hoang dã thật.

Cái lợi lớn nhất là người ta “tư hữu” được không gian châu báu ấy với mục tiêu đầu tiên là hình thành những khu nghỉ dưỡng, dinh cơ, biệt phủ, tịnh thất, biệt thự, nhà vườn, nhà nghỉ, và sau đó là giá trị địa ốc, “hàng hóa thắng cảnh”, chứ không phải tiền bán vé vào cổng tham quan. Sự thật này đang diễn ra khắp nơi. Tình quê, hồn xứ bị mất.

* * *

Tôi sục xạo lại khắp các vùng quê núi thân quen mà mình đi qua mấy chục năm nay, thì nhận ra hiếm nơi nào con thác và cánh rừng, hồ nước và trảng cỏ, ngọn núi và mây trời còn là của cộng đồng nữa. Thiên nhiên bị bắt cóc, nhốt lại, không còn được sống cuộc đời thiên nhiên của nó nữa.

Những ngọn núi trong lòng tỉnh lỵ, những con hồ nội đô thị xã, thị trấn thì “chết” trước, bởi tầm nhìn hạn hẹp của nhà quản lý xã hội và những kẻ nhanh tay. Cứ thế, đến lượt ao hồ, đầm, thác, núi non ở địa bàn xã, làng, thôn, bon buôn vùng sâu vùng xa.

Xem ra nay đã là thời người nghèo thì sống ở phố, xa hoa thì mới được sống trên núi cao, chỗ có rừng, hồ. Giang sơn gấm vóc đã được “gả” gần sạch rồi. Nó “có chủ cụ thể” hết rồi. Đôi ba con hồ, ngọn núi vô danh heo hút còn lại kia chắc cũng khó “thoát”.

Ngay những chỗ người ta chưa dựng cổng lên, hoạt động khai thác và đầu tư chưa diễn ra, nhưng đặt chân vào như một người Việt Nam bình thường được dạo chơi trên sự thanh bình của đất nước mình cũng sẽ xuất hiện ngay người cấm cản. Bóng dáng của những “người chủ” vật vờ đây đó. Dù biết rằng, giang sơn gấm vóc là gấm vóc ở những cánh rừng, con hồ, bàu sình, ngọn núi, thung lũng kia. Sự giao, gả tài sản thiên nhiên cứ như cuộc chạy marathon, tốc độ như thác lũ, và sạch trơn như thế nào khác chi chặt đứt sợi dây của con dân bản xứ ra khỏi nguồn cội họ.

* * *

Đọc hết những đạo luật của nước nhà, không thấy dòng nào quy định những người được giao quản lý thắng cảnh thiên nhiên có bổn phận miễn trừ mua vé cho cư dân sống quanh các thắng cảnh cả. Luật lệ của chúng ta đã “quên” mất điều này. Ở nước nghèo hơn, như Campuchia, các đền điện kiến trúc cổ người ta chỉ kiếm tiền (bán vé) với khách du lịch nước ngoài, còn dân chúng của nước mình thì được vào ra tham quan, dạo chơi tự do, đơn giản vì để họ còn được thụ hưởng và tự hào về những gì tổ tiên để lại. Và nhiều nơi khác trên thế giới cũng ứng xử hiển nhiên như vậy.

Con người ta thương quê xứ là thương cụ thể vào cái cây, dòng thác, con hồ, cái cù lao, ngọn đồi, vách núi… lớn bé gắn bó máu thịt bao đời với họ. Tình yêu nước cũng từ đó. Niềm tự hào về giang sơn cũng từ đó. Tài sản thiên nhiên trên một đất nước là của thiêng, trong trái tim mọi con dân nước Việt, và như đã nói, nó không bao giờ sinh ra thêm thì nó phải được bảo hộ tuyệt đối, bằng tầm nhìn dài lâu và sâu thẳm. Nó là của để dành của quê hương, đất nước, cái neo của tự tình xứ sở.

Ông cha chúng ta từng bảo, Việt Nam mình là đất nước “giang sơn gấm vóc”.

Tôi chợt nhớ trong một tuyệt tác văn chương của người châu Âu, ở đó nói rằng: “Trời đất cố tình phó thác rừng thiêng cho lương tri và trí tuệ của con người”.

Ôi hương ngàn, hồn thác, hồn đầm lầy sao cứ biền biệt bay ngang trời cao quê xứ tha nhân.

 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Giang sơn….

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *