‘Gót chân Achilles’ của khả năng phục hồi du lịch Việt

Viễn Thông/ VnExpress

Số doanh nghiệp trong ngành đã tăng trở lại nhưng du lịch khó tạo cú hích lớn ở nửa cuối năm vì điểm yếu thiếu người và thiếu “khách ruột”.

Sau khi mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3, ngành du lịch dần hồi sinh, với lượng khách nước ngoài tháng sau liên tục tăng ba con số so với tháng trước. Tính chung nửa năm, Việt Nam đón 602.000 lượt, tăng 582,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong nước, 60,8 triệu lượt người đi du lịch trong nửa đầu năm. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265.000 tỷ đồng. Càng vào hè, chi tiêu cho du lịch càng cải thiện.

Phục vụ dòng người lên đường nghỉ mát sau thời gian chôn chân vì dịch, hơn 2.300 doanh nghiệp lưu trú và ăn uống đã hoạt động lại trong 6 tháng, tăng 63,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp lập mới cũng tăng 27,7%, với hơn 3.000 đơn vị, theo Tổng cục Thống kê.

Tuy nhiên, đà hồi sinh của ngành này cũng đang bị giới hạn bởi hai yếu tố then chốt, đều liên quan đến con người. Đó là nhân lực để phục vụ và nguồn khách từ các thị trường trọng điểm.

Đầu tiên là thiếu nhân lực. Tổng cục Thống kê cho hay, số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7% so với cùng kỳ 2021. Nhưng nhìn chung, hầu hết đơn vị từ lưu trú đến lữ hành đều cho biết “không thể tuyển đủ người”.

“Tuyển nhân sự là khó khăn chung cả ngành. Tại hệ thống chúng tôi, hiện một người phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau”, bà Võ Thị Thiên Hương, Giám đốc kinh doanh & tiếp thị chuỗi khách sạn Fleur De Lys Hospitality, cho hay.

“Khát” người hàng đầu là các bộ phận Front Office (khối tiền sảnh), House Keeping (khối buồng phòng), F&B (khối ẩm thực). “Rất nhiều công ty phải trải qua một giai đoạn đại khủng hoảng với trào lưu nghỉ việc hàng loạt, và chúng tôi cũng không ngoại lệ”, ông Jakob Helgen, Phó chủ tịch Marriott International Khu vực Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar, cho biết. Tại Việt Nam, thương hiệu này có 11 khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

Lý giải việc thiếu người, bà Lê Thị Ngọc Cương, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của khách sạn The Secret Côn Đảo cho hay, đại dịch kéo dài hơn 2 năm nên hầu hết bị chảy máu nhân sự sang ngành khác. “Họ cũng đã ổn định nên rất khó quay trở lại”, bà nói.

Phan Trọng (33 tuổi, TP HCM) là một ví dụ. Phụ trách đặt dịch vụ cho một công ty lữ hành inbound chuyên khách châu Âu được 5 năm, anh rời ngành năm ngoái khi công ty “chết lâm sàng”. Giờ Trọng nhận lương 12-13 triệu mỗi tháng cho vị trí trưởng nhóm tại một công ty dịch vụ tổng đài. “Lương tương đương việc cũ, việc hơi cực hơn nhưng cũng đã ổn nên tôi không muốn đổi nữa”, Trọng nói.

Bồi dưỡng bổ sung nghiệp vụ tại khách sạn thuộc chuỗi Fleur De Lys Hospitality. Ảnh công ty cung cấp
Bồi dưỡng bổ sung nghiệp vụ tại khách sạn thuộc chuỗi Fleur De Lys Hospitality. Ảnh công ty cung cấp

Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Quốc gia hãng tuyển dụng và tính lương AdeccoViệt Nam, cho biết nhu cầu lao động ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn bắt đầu tăng từ quý I và tăng cao hơn từ đầu quý II. Đây là tin vui nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể vận hành 100% do thiếu hụt lao động lành nghề.

“Nhân sự nhóm ngành này hiện không chỉ thiếu về số lượng, mà chất lượng và cả kỹ năng chuyên môn”, bà Thanh nói. Trong 2 năm hoạt động cầm chừng, lao động có kinh nghiệm không nhiều cơ hội rèn giũa kỹ năng, trong khi các nhân sự trẻ hoặc sinh viên mới ra trường thiếu cơ hội bổ sung kinh nghiệm.

Vì vậy, doanh nghiệp khó tìm được nhân sự vừa có năng lực đạt tiêu chuẩn quốc tế, khả năng ngoại ngữ, đam mê. Với nhóm đã chuyển về quê do dịch, chi phí sinh hoạt cao cùng với mức lương chưa tương xứng cũng khiến họ ngần ngại và chưa quay trở lại các vùng đô thị.

ản lực thứ hai là du lịch Việt vẫn thiếu khách ngoại. Lượng khách nửa đầu năm nay nếu so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra đại dịch – vẫn giảm đến 92,9%. Năm 2019, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm khoảng 66% trong gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế. Trung Quốc dẫn đầu với 5,8 triệu lượt. Nhưng trong 5 tháng đầu 2022, thị trường này chỉ có chưa đầy 35.000 lượt, do chính sách nước này chưa cho người dân xuất ngoại du lịch.

Trong khi đó, Nhật Bản và Ðài Loan vẫn cách ly người quay về từ một số nơi nên ít khuyến khích người dân mạnh dạn đi nước ngoài. Khách Nga từng đông đảo ở Nha Trang, Mũi Né nay vắng bóng do ảnh hưởng từ xung đột Ukraine.

“Căng thẳng ở Nga và chiến lược ‘zero Covid’ của Trung Quốc, hai thị trường cung cấp nguồn khách du lịch lớn của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng sự phục hồi ngành du lịch Việt Nam”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam đánh giá.

HSBC vì thế dự báo du lịch Việt Nam năm nay “phục hồi vẫn còn chậm”. Ngoài vắng “khách ruột” Trung Quốc và Nga, Covid-19 vẫn khiến du khách quốc tế hình thành tâm lý e ngại đi nước ngoài. Bất lợi càng tăng khi tình hình vật giá leo thang ảnh hưởng đến chi tiêu cho du lịch của người dân nhiều nước trên thế giới.

Khách quốc tế tại Hội An, Quảng Nam ngày 24/7. Ảnh: Đắc Thành
Khách quốc tế tại Hội An, Quảng Nam ngày 24/7. Ảnh: Đắc Thành

Giải pháp lúc này, theo Tổng cục trưởng Du lịch là khai thác tốt các thị trường đã kết nối hàng không lại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, ASEAN. Cùng với đó, khai thác những thị trường mới như Ấn Ðộ, Mỹ, Trung Ðông. Trong nguy vẫn có cơ, trong lúc khách ngoại chưa quá đông, ngành này được dịp tranh thủ để tuyển và đào tạo đủ người, cả lượng lẫn chất.

Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh cho hay giải pháp trước mắt tại nhiều nơi là tuyển lại nhân sự cũ, đồng thời tuyển sinh viên mới tốt nghiệp, hoặc đưa ra các vị trí bán thời gian và thời vụ, sau đó đào tạo thêm về chuyên môn. Một số áp dụng chính sách tiền thưởng khi giới thiệu người, hợp tác với cơ sở đào tạo.

“Về lâu dài, doanh nghiệp nên tìm hiểu về mong muốn của người lao động, từ đó sửa đổi chính sách làm việc và đãi ngộ. Nếu nhận được nhiều phản hồi về chính sách phúc lợi chưa tương xứng, có thể tìm hiểu và khảo sát về mặt bằng chung trên thị trường để thay đổi phù hợp”, bà Thanh khuyến nghị.

Một số đơn vị vẫn tích cực săn người. Bà Võ Thị Thiên Hương của chuỗi khách sạn Fleur De Lys Hospitality cho biết một mặt đưa chính sách hấp dẫn để tuyển các vị trí cốt lõi; mặt khác tuyển người mới vào nghề để nhóm có kinh nghiệm dẫn dắt. The Secret Côn Đảo thì sắn àng tìm nhân sự “tươi mới”, tư duy tốt bên cạnh lao động có kinh nghiệm.

Ông Jakob Helgen – lãnh đạo Marriott International – quan tâm đến tài năng bản địa, với chính sách không có bất kỳ giới hạn nào về thành tựu một nhân viên có thể đạt được. Theo kinh nghiệm của ông, đây là lúc cần cấu trúc lại cách làm việc vì nhu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sức khỏe tinh thần giờ rất được người lao động xem trọng.

Về phần mình, Phan Trọng không hẳn “đoạn tuyệt” với nghề cũ nhưng với anh giờ chưa phải lúc trở lại.

“Thế giới còn quá bất ổn với chiến sự, bệnh tật, thiên tai. Quay về mà có biến lần nữa thì bi kịch. Bản thân chỗ cũ của tôi vẫn đóng băng vì khách quốc tế trở lại chủ yếu là đi lẻ hay đoàn nhỏ. Công ty chuyên phục vụ đoàn lớn nên vẫn nằm đó chờ thời”, Trọng nói.

Nguồn: https://vnexpress.net/got-chan-achilles-cua-kha-nang-phuc-hoi-du-lich-viet-4491956.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *