Hành động để không phải chứng kiến những hình ảnh nhói lòng mùa dịch

An An/ Báo VOV News

Hôm nay, xem trên báo hình ảnh Trung sĩ Phùng Minh Phục làm nhiệm vụ tại Khu cách ly ở Trung đoàn 738 tỉnh Long An bái vọng tiễn biệt mẹ khi hay tin mẹ ruột đột ngột qua đời, tui quá  xúc động. Anh Phục là con trai duy nhất trong gia đình nhưng vì phải cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19 nên không thể về nhìn mặt mẹ lần cuối, cũng như chịu tang mẹ, còn  buồn đau nào hơn.

Và còn nhiều hình ảnh khác, như y bác sĩ vật lộn với dịch COVID-19, cứu chưa bệnh nhân trong hoàn cảnh quá khó khăn. hãy thử mặc áo mưa khi trời không mưa thì sẽ hiểu những y bác sĩ mặt bộ áo quần bảo hộ suốt ngày phải chịu đựng sự khổ sở như thế nào.

Rồi biết bao chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần ra dọc biên giới, xa gia đình, cha mẹ, vợ con, không thể nghĩ đến chuyện riêng tư vì nhiệm vụ canh phòng lúc này quá quan trọng.

Trong lúc có nhiều người hy sinh như vậy, thì có người khai báo biết mình đi từ vùng dịch về mà khai báo gian dối, cẩu thả trong tiếp xúc, để lây lan dịch bệnh cho nhiều người, phải cách ly nhiều cơ sở, khu vực.

Trong khi có nhiều người hy sinh như vậy, thì có không ít người đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Vì kiếm tiền mà gây họa cho xã hội, gây nguy hiểm cho đất nước.

Chính những người này đã làm nặng gánh cho y bác sĩ, cho những người đang ngày đêm bật lộn với đại dịch, những người đã hy sinh phải hy sinh nhiều thêm. 

Mới đây, tôi có đọc đâu đó bài viết, ý rằng để chiến thắng đại dịch COVID-19, cần có một cộng đồng kỷ luật và một xã hội hy sinh. Tui thấy quá đúng, lúc này rất cần mỗi chúng ta biết chấp hành kỷ luật và hy sinh thói quen thường ngày của mình.

Trần Quí Thanh

—–

Chứng kiến hình ảnh chiến sỹ không thể về chịu tang mẹ hay những em bé 2-3 tuổi mặc những bộ đồ bảo hộ người lớn trong thời tiết ngột ngạt, liệu chúng ta đã tự hỏi sẽ làm gì để giảm thiểu những hình ảnh nhói lòng như thế này?
Những ngày qua, những câu chuyện, hình ảnh về lực lượng tuyến đầu, hình ảnh trong khu cách ly khiến nhiều người xúc động. Đó là chuyện hai vợ chồng bác sỹ đang bị cách ly khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 bị phong tỏa vì có nhiều ca mắc Covid-19. Nhà ở Bà Triệu (Hà Nội) chỉ cách bệnh viện có vài chục phút chạy xe nhưng hai vợ chồng họ không thể về chịu tang mẹ. Hay hình ảnh Trung sĩ Phùng Minh Phục, công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Long An quỳ lạy di ảnh mẹ mình, được đặt trên chiếc bàn gỗ 4 chân làm bàn thờ, khiến nhiều người rơi nước mắt. Rồi hình ảnh những cháu bé 2-3 tuổi trong bộ đồ bảo hộ của người lớn rộng thùng thình, mặt mũi che kín khẩu trang và các đồ bảo hộ trong thời tiết nóng bức, khó ai có thể không chạnh lòng…
Với mỗi con người, không có sự mất mát nào đau đớn hơn là mất cha, mất mẹ. Và cũng không còn nỗi đau nào lớn hơn khi không được gặp mặt cha mẹ lần cuối, tiễn đưa đấng sinh thành về nơi an nghỉ cuối cùng. Vậy mà, nhiều chiến sỹ, bác sỹ tuyến đầu đang phải chịu đựng nỗi đau đó. Đó là sự hy sinh cao cả vì cộng đồng không gì có thể sánh được.

Những ngày làm việc liên tục, các bác sĩ phải tranh thủ gục xuống nơi bậc thềm để lấy sức (ảnh: Sở Y tế TPHCM)

Điều dưỡng Đỗ Thị Thủy (cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở xã Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh) kiệt sức, ngất xỉu
Và còn rất nhiều sự hy sinh thầm lặng mà những chiến sỹ, bác sỹ, lực lượng tuyến đầu đang phải đối mặt từng ngày, từng giờ. Đa số họ phải làm việc đến kiệt sức, một ngày chỉ có 30 phút nghỉ trưa, miếng cơm ăn vội, giấc ngủ cũng vội vàng trên những tấm bìa cát tông, thậm chí tranh thủ ngủ gục trên đường di chuyển đến nơi lấy mẫu xét nghiệm… Có những người nhiều ngày phải làm việc trong cường độ cao đã không còn sức lực để chống chọi.
Hay chỉ đơn giản là trong sinh hoạt cá nhân, họ cũng không còn được thực hiện một cách bình thường. Cả ngày mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu xuống chân trong thời tiết nóng bức để điều trị, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cả cơ thể chẳng khác nào đang trong lò lửa, mồ hôi ướt đẫm, ngột ngạt… nhưng họ không dám uống nước vì không thể đi vệ sinh. Họ cố gắng cần mẫn làm tốt công việc của mình, kể cả khi có nhiều bệnh nhân không hợp tác, khó chịu, thậm chí hành hung như trường hợp nữ điều dưỡng tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) đã bị một nam bệnh nhân điều trị  Covid-19 tại đây to tiếng và tấn công…
Những khó khăn, vất vả đó, các chiến sỹ, bác sỹ, lực lượng tuyến đầu đều có thể chịu đựng và vượt qua, nhưng điều họ lo lắng hơn cả là những người thân, gia đình, nhất là những đứa con nhỏ của mình khi không có bàn tay chăm sóc của người mẹ, người cha.
Đó là những gia đình, năm nay có con thi vượt cấp vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT.  Với đa số gia đình khác, trong những ngày này, bố mẹ luôn gần bên chăm sóc, lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ để con có sức khỏe và tâm lý ổn định, chuẩn bị tốt cho kỳ thi, nhưng những đứa con của các chiến sỹ, bác sỹ, lực lượng tuyến đầu lại đang phải thay cha mẹ lo toan công việc gia đình và chăm sóc các em. Có nữ bác sỹ tâm sự rằng, mỗi lần gọi điện về động viên con, chị thương con đứt ruột nhưng phải cố nén không bật khóc, để con yên tâm, vững vàng trong kỳ thi sắp tới.
Hình ảnh này được ghi lại ở khu cách ly Trường Mầm non Nội Hoàng, thôn Nội, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Các em bé theo bố mẹ vào khu cách ly vì có liên quan ca mắc Covid-19.

Đó là những gia đình bác sỹ khi cả hai cùng tham gia lực lượng tuyến đầu, bị cách ly cùng người bệnh, họ gửi con nhỏ nhờ bà chăm sóc. Nhưng chuyện không may xảy ra, bà mất khiến những đứa trẻ trở nên bơ vơ, không biết xoay xở thế nào khi thiếu vắng bàn tay người lớn. Thương và lo cho con, nhưng lúc này việc họ chỉ có thể làm là gọi điện thăm hỏi, hướng dẫn con làm thay công việc của cha mẹ.

Và còn rất nhiều những câu chuyện, hình ảnh trong mùa dịch khiến nhiều người day dứt, ám ảnh như hình ảnh những đứa trẻ một hai tuổi trong khu cách ly. Đáng lẽ ra, các em đang ở tuổi được vui chơi, chạy nhảy, được chăm sóc cưng nựng, nhưng vì sự bất cẩn của người lớn để dịch lây lan, các em phải vào cách ly tập trung, phải mặc những bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, khó chịu trong không gian chật chội.

Tất cả chúng ta, không ai muốn nhìn thấy những hình ảnh như vậy, Nhưng thử hỏi, tất cả mọi người đều đã nghĩ mình phải làm gì để không phải chứng kiến những cảnh nhói lòng?

Những việc tưởng chừng như đơn giản, ai cũng có thể làm nhưng nhiều người lại “quên” hoặc cố tình không thực hiện. Dù đã có khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng, không nói chuyện trong thang máy, không tụ tập đông người, thậm chí đã có quy định xử phạt rõ ràng… nhưng ở đâu đó vẫn có người coi thường dịch,  tụ tập, không đeo khẩu trang và vô tư nói chuyện, kể cả trong thang máy… Chỉ tính riêng ở Hà Nội, theo thống kê chỉ từ 1/5 đến nay, số tiền phạt người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng lên tới hơn 3 tỉ đồng, trung bình mỗi ngày 200 trường hợp vi phạm.

Những chiến sỹ, bác sỹ, lực lượng tuyến đầu, họ sẵn sàng hy sinh tính mạng với mong muốn dịch được đẩy lùi và dập tắt. Họ không cần sự thương xót của chúng ta nhưng lại rất cần sự cảm thông, chia sẻ. Chia sẻ trong công cuộc chống giặc Covid-19 bằng những hành động cụ thể và thiết thực của mỗi người, từ những việc rất đơn giản mà ai cũng có thể làm được là đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế tiếp xúc đông người hay giữ khoảng cách theo quy định…

Hành động nhỏ nhưng lại góp phần thiết thực trong công cuộc phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. Hành động nhỏ nhưng là cơ hội lớn cho những chiến sỹ, bác sỹ tuyến đầu sớm được trở về với gia đình và những đứa con.

Và những hành động nhỏ của mỗi người cũng chính là bảo vệ bản thân, gia đình của chính mình.

NGUỒN:  Theo Báo VOV News

Link bài: Hành động….

https://vov.vn/xa-hoi/hanh-dong-de-khong-phai-chung-kien-nhung-hinh-anh-nhoi-long-mua-dich-858312.vov

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *