Hãy băng bó những vết thương của thiên nhiên do con người gây ra

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Mấy hôm nay đọc tin tức trên báo thấy toàn chuyện buồn về môi trường. Quốc lộ 91 ở Đồng bằng sông Cửu Long sạc lở một đoạn dài, đất ở vùng này bị lún dần, bị mất dần, nguy cơ miền Tây ngập trong nước biển đã hiển hiện. Nước biển dâng, biến đổi khí hậu, không còn là chuyện trên giấy mực.

Ngoài Bắc, một vùng nông thôn ở Vĩnh Phúc, người ta chất rác thải công nghiệp thành núi, nhiều quá thì đốt bớt. Sống trong rác, hít thở không khí ô nhiễm do chất độc hại từ rác thải công nghiệp, con người bị đe dọa sức khỏe từng ngày. Vậy thì câu hỏi tiền để làm gì quả đáng để suy ngẫm.

Hôm qua báo đưa tin, Sài Gòn bị ngập nặng vì các cống rãnh bị ứ rác. Hóa ra lâu nay, con người không xử lý rác tốt, cứ đổ thẳng xuống cống hoặc đổ ra đường, nước mưa trôi rác xuống cống, và cái giá để trả là nước không có lối thoát.

Ở khắp nơi rừng bị tàn phá, những cánh rừng đại ngàn mất dần, lộ ra những dãy núi trọc. Mưa rừng, lũ quét tấn công hạ lưu, con người phải trả giá cho sự hư hỏng của mình. Mất rừng, nắng nóng lại gây cháy những mảnh rừng còn sót lại, thế là trắng tay, thế là “rừng xưa đã khép”.

Con người còn tiếp tay cho những dự án phá hoại môi trường biển như Formosa, hối cũng không kịp nữa vì cái giá phải trả không phải chỉ hôm nay. Bài học cay đắng này được đúc kết thành một câu “không phát triển kinh tế bằng đánh đổi môi trường”.

Than vãn thì quá dễ, việc còn lại là cứu lấy môi trường của chúng ta, cho chính cuộc sống ngày hôm nay và cho con cháu mai sau.

Đừng to tát gì hết, hãy làm từ những việc nhỏ nhất, hằng ngày, hằng giờ và ai cũng làm được.

Đó là đừng xả rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần, nếu có sử dụng thì bỏ đúng nơi để thu gom tái chế.

Mỗi địa phương tận dụng tối đa từng góc nhỏ để trồng cây, bớt dự án bê tông hóa, tăng diện tích công viên. Các đoàn thể, cơ quan, trường học nên tổ chức các đợt trồng rừng, đi dọn rác trên rừng dưới biển. Hãy đi băng bó lại những vết thương của thiên nhiên do con người gây ra.

Đừng bắn chim, bẫy chim trời. Đừng tận diệt nguồn lợi thủy sản bằng giã cào, bằng chất nổ.

Không chấp nhận các dự án gây tổn hại đến môi trường.

Kiên nhẫn, kiên quyết làm những điều này trong vài chục năm, may chăng vết thương của thiên nhiên có thể lành miệng.

Sài Gòn ngày 29/05/2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *