Hãy bớt đi những dự án dở dang

Quang Khải/ Báo Tuổi Trẻ

Theo kế hoạch, cầu An Phú Đông nối quận 12 và quận Gò Vấp, TP.HCM sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9-2020, tuy nhiên chủ đầu tư dự án cho biết sẽ phải lùi lại ngày thông xe.
—–
Có quá nhiều công trình hạ tầng giao thông bị ngưng trệ vì vướng mặt bằng, đây là một thực trạng trong xây dựng các dự án đầu tư công hiện nay.
Mới đây, thông tin về cầu Thủ Thiêm 2 không thể tiếp tục thi công vì vướng mặt bằng làm cho người dân thành phố thất vọng. Mơ ước về một cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, giảm bớt ùn ắc giao thông vẫn chưa thành hiện thực.
Chuyện bị vướng mặt bằng không giải tỏa được khiến cho công trình không thể thực hiện theo tiến độ xảy ra trong Nam ngoài Bắc, gây thiệt hại lớn cho các đơn vị thi công. Đối với nhà thầu trong nước có lẽ như đã quen chịu đựng, nhưng nhà thầu nước ngoài luôn minh bạch rõ ràng, chậm giao mặt bằng thì phải bồi thường. Ví dụ, dự án cầu Nhật Tân phải đền cho nhà thầu Nhật gần 156 tỉ đồng cũng vì lý do này.
Bồi thường là đúng, nhà thầu chịu trách nhiệm xây dựng công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ, còn giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của chủ đầu tư. Bị kéo dài thời gian, doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại.Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp, người dân cũng phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực từ các công trình dở dang. Lô cốt dựng lên khắp thành phố, đi lại khó khăn, nguy hiểm, đã có trường hợp người đi đường bị vật liệu xây dựng rơi trúng tử vong.

Công trình dở dang, thành phố bị bụi bặm, mất mỹ quan đô thị.Khi thực hiện một dự án hạ tầng giao thông, cần tính toán thật kỹ lưỡng, trong đó công tác giải phóng mặt bằng phải đặt lên ưu tiên. Đây là bài học được trả giá từ nhiều công trình đang bị ngưng trệ khắp cả nước.

Trần Quí Thanh

—–

Vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng, hàng trăm cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng phải đốn hạ, dây văng đã được nhập về… nhưng cầu Thủ Thiêm 2 lại đang ‘đứng hình’…

Người dân bao năm qua phải đi phà đã thở phào khi cây cầu thép An Phú Đông bắc qua sông Vàm Thuật nối giữa quận 12 và Gò Vấp (TP.HCM) sắp hoàn thành. Con sông không quá lớn, nằm ngay nội ô thành phố, vậy mà bao lâu nay người dân vẫn phải lụy phà. Chuyện khó tin, nhưng là sự thật.

Nhiều người tự hỏi, xây cầu An Phú Đông là chuyện nhỏ với thành phố. Sao lại kéo dài…?

Và rồi, cây cầu, dù chỉ là cầu tạm bằng sắt, dài hơn 200m, rộng 12m, xây hết 80 tỉ đồng đã chấm dứt những ngày mòn mỏi ước mơ được qua sông Vàm Thuật bằng cầu. 

Chỉ ít ngày nữa thôi, học sinh giữa hai địa phương không còn phải dậy sớm để tránh kẹt phà. Người lỡ việc về muộn không phải đi vòng mười mấy cây số vì phà ngưng chạy (sau 23h30). Đi lại, giao thương giữa người dân hai địa phương sẽ thuận lợi, khoảng cách giữa nội – ngoại thành đã gần.

Vui với cầu An Phú Đông nhưng lại chạnh lòng với cầu Thủ Thiêm 2. Nếu cầu An Phú Đông chủ yếu giảm bớt phiền toái cho người dân khi đi lại thì cầu Thủ Thiêm 2 được gửi gắm nhiều kỳ vọng, đó là sự phát triển, là tương lai của thành phố. 

Là cây cầu dây văng lớn thứ hai ở thành phố với vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng, để xây cầu, hàng trăm cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng phải đốn hạ với bao ý kiến tranh cãi. Nhiều hộ dân, đơn vị có đất… phải nhường chỗ để xây cầu.

Hàng cây không còn nữa, đôi lúc gây cảm giác trống vắng cho mọi người qua lại lẽ ra phải sớm khỏa lấp bằng hình hài cầu Thủ Thiêm 2 với nhịp cầu từ phía quận 2 nối dài về phía bờ quận 1. Nhưng rồi, dây văng đã được nhập về nhưng chưa thể “vắt vẻo” vì vướng mặt bằng. 

Nhiều người không hiểu vì sao một công trình trọng điểm, được kỳ vọng lại “đứng hình”. Chẳng lẽ công trình giao thông trọng điểm cũng lận đận như nhiều công trình hạ tầng khác? Lẽ ra, là công trình trọng điểm phải khác, đúng tiến độ, thậm chí về đích trước hạn với chất lượng, mỹ thuật cao…!

Danh sách những cây cầu kiểu “dần xây” này còn dài. Gần nhất là cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp qua Rạch Chiếc với vốn đầu tư 857 tỉ đồng chưa thể hoàn thiện cũng vì vướng mặt bằng. Những khối bêtông đồ sộ phơi nắng mưa với những thanh sắt hoen gỉ như thách thức người dân hằng ngày vất vả vì kẹt xe. Rồi cầu Tăng Long, cầu Long Đại cũng ở quận 9 mãi vẫn chưa ra khỏi danh sách cầu “dần xây”…

Để chấm dứt tình trạng chậm giải ngân vốn, công trình dở dang vì vướng mặt bằng diễn ra ở nhiều nơi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đòi hỏi lãnh đạo các địa phương phải xắn tay vào giải quyết vấn nạn chậm giải phóng mặt bằng, công trình dở dang, xem đó là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của những người có trách nhiệm.

Thật vậy, khó có con số đẹp, báo cáo hay khi lấp ló sau đó là những công trình dở dang. Dù bất kỳ lý do gì, nó cũng là bằng chứng cho thấy hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong triển khai dự án có vấn đề.

Muốn bớt đi những dự án dở dang, chỉ có cách duy nhất là làm gì cũng phải chu đáo đến từng chi tiết, để mọi thứ triển khai suôn sẻ. Đó là điều mọi người dân đều mong mỏi!

NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Hãy bớt đi…
https://tuoitre.vn/hay-bot-di-nhung-du-an-do-dang-20200927234406596.htm
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *