Hãy để doanh nghiệp thành “người khổng lồ” một cách… tự nhiên

Đinh Tuấn Minh/ Báo TBKTSG
Việc nuông chiều các doanh nghiệp tư nhân lớn thậm chí còn nguy hiểm hơn sự nuông chiều các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh minh họa Thành Hoa.
 

Xem khu vực kinh tế tư nhân là nguồn lực quan rọng, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tư nhân phát triển là chủ trương đúng đắn, dù muộn nhưng cũng dã bắt đầu. Nếu biết cách thì sẽ đi nhanh, bù đắp được thời gian bị lãng phí nguồn lực này.

Hỗ trợ không có nghĩa là can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng không phải đỡ đần theo kiểu ưu ái các tập đoàn lớn, mà chỉ thiết kế chính sách thông minh để các doanh nghiệp cùng khai thác, ai thông minh thì sẽ tồn tại, ai yếu kém thì bị loại trừ. Đó chính là sự lành mạnh của chính sách và cũng là quy luật khách quan của thương trường, của thị trường.

Nếu như nhà nước đưa ra những quy định hỗ trợ đặc biệt cho các tập đoàn hay một bộ phận nào đó trong khu vực kinh tế tư nhân, thì sẽ biến bộ phận đó trở thành bao cấp, một sự biến dạng rất nguy hiểm, chẳng mấy chốc sẽ trở thành tư bản thân hữu.

Hãy để sân chơi thông thoáng, pháp luật minh bạch, chính sách công khai và cạnh tranh lành mạnh, cuộc chạy đua này sẽ thúc đẩy sáng tạo, sức ép của cạnh tranh sẽ bắt buộc doanh nghiệp bóp trán suy nghĩ, đầu tư máy móc công nghệ, nền kinh tế sẽ phát triển một cách tự nhiên, bởi vì doanh nghiệp trưởng thành một cách tự nhiên.

Không có khái niệm “ưu ái” trong quản lý, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, chỉ có khái niệm “minh bạch”. Minh bạch trong xây dựng chính sách và minh bạch trong thực hiện  chính sách.

Trần Quí Thanh

—–
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã tạo dựng được một lực lượng doanh nghiệp tư nhân khá đông đảo trong gần như tất cả các ngành nghề. Tuy vậy, quy mô đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân (trong đó hơn 97% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa) hiện nay mới chỉ khoảng 8,5% GDP.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn của Việt Nam vẫn còn rất ít.

Nhưng điều này không có nghĩa rằng Việt Nam phải cố gắng hình thành bằng được các tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn thông qua sự can thiệp của Nhà nước vào cơ chế thị trường. Việc cố gắng hình thành các tập đoàn doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn theo cách này sẽ tạo ra những hệ lụy rất khó lường. Tại sao lại như vậy?

Bản chất của sự hình thành các tập đoàn quy mô lớn

Cơ chế thị trường, với bản chất là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho khách hàng, sẽ quyết định doanh nghiệp nào thành công, doanh nghiệp nào thất bại. Để thành công, các doanh nghiệp buộc phải liên tục tiến hành các hoạt động đổi mới sáng tạo để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Trong nền kinh tế luôn tồn tại những ngành có tính kinh tế nhờ quy mô, chẳng hạn phân phối bán lẻ hàng hóa, viễn thông, hàng không, điện, xăng dầu… Qua quá trình cạnh tranh, một số doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt, có khả năng đổi mới sáng tạo, sẽ chiếm lĩnh thị trường hoặc thâu tóm các doanh nghiệp khác trong ngành và trở thành các doanh nghiệp quy mô lớn.

Quá trình hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn trong một ngành nào đó còn đến từ việc gia nhập ngành của các doanh nghiệp quy mô lớn đang kinh doanh trong các ngành khác nhưng muốn dịch chuyển ngành nghề kinh doanh của mình.

Vingroup là một ví dụ. Từ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã dịch chuyển sang kinh doanh lĩnh vực phân phối bán lẻ. Sau một quá trình thâu tóm các doanh nghiệp khác trong ngành, nay đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực này.

Đây là quá trình phát triển, lớn mạnh tự nhiên của doanh nghiệp. Quy mô của doanh nghiệp phụ thuộc vào tầm nhìn và năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Những hệ quả không mong muốn của việc Nhà nước can thiệp vào quá trình phát triển của doanh nghiệp

Nếu một số doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể tăng quy mô nhờ sự can thiệp của Nhà nước, chẳng hạn qua các chính sách ưu đãi thuế, đất đai, vốn hay mua sắm công của Chính phủ, thì những doanh nghiệp đó rất có thể sẽ mất đi động lực đổi mới sáng tạo. Họ sẽ tiếp tục tìm mọi cách níu kéo đặc quyền đặc lợi mà Nhà nước đã trao cho họ để phát triển.

Không chỉ bản thân các doanh nghiệp tư nhân được hưởng hỗ trợ của Nhà nước trở nên mất động lực đổi mới sáng tạo mà ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng mất đi động lực này. Doanh nghiệp nào đầu tư cho đổi mới sáng tạo cũng đều kỳ vọng một ngày nào đó mình sẽ trở thành những doanh nghiệp quy mô lớn. Nhưng nếu như họ thấy rằng không có cách nào để mình có thể cạnh tranh được với những doanh nghiệp tư nhân được hỗ trợ thì chẳng có lý do gì khiến họ mạo hiểm để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Việc nuông chiều các doanh nghiệp tư nhân lớn thậm chí còn nguy hiểm hơn sự nuông chiều các doanh nghiệp nhà nước. Sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước ở một lĩnh vực nào đó chỉ làm chậm tốc độ phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước thiếu động cơ tìm kiếm lợi nhuận cần thiết để phát triển nên sớm hay muộn cũng sẽ bị doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc nước ngoài chiếm mất thị phần.

Nhưng doanh nghiệp tư nhân được Nhà nước nuông chiều thì sẽ tìm cách triệt hạ hoặc cản trở sự phát triển của các đối thủ cạnh tranh, khiến cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa khác không còn động lực để vươn lên trong lĩnh vực bị chiếm lĩnh bởi những doanh nghiệp tư nhân được Nhà nước hỗ trợ.

Nhà nước cần làm gì để giúp khu vực tư nhân lớn mạnh?

Để giúp đỡ khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, trước hết Nhà nước cần tập trung vào bảo vệ người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh công bằng để phục vụ người tiêu dùng. Cần phải để cho tất cả doanh nghiệp hiểu được rằng nếu họ, dù quy mô có lớn đến đâu, nhưng không phục vụ người tiêu dùng tốt thì sớm hay muộn họ cũng sẽ bị doanh nghiệp khác đánh bại.

Tiếp đến, nếu phải hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân thì Nhà nước nên ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách thuế, phát triển nguồn nhân lực, bảo lãnh vốn, cung cấp thông tin… Đa phần các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều khao khát phát triển.

Chính sự phát triển và lớn mạnh của doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tạo ra sức ép buộc các doanh nghiệp lớn phải liên tục đổi mới sáng tạo nhằm duy trì vị thế của mình. Chính sách này vì thế sẽ gián tiếp thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước.

Một chính sách khác có thể giúp các doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn nhanh mà Việt Nam vẫn có thể làm được là tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Cần phải mạnh dạn dùng cụm từ “tư nhân hóa” thay cho “cổ phần hóa” vì tư nhân hóa hàm ý thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp nhà nước bằng hệ thống quản trị của khu vực tư nhân.

Còn cổ phần hóa thì chỉ dừng ở mức độ chuyển một phần vốn nhà nước sang cho khu vực tư nhân còn Nhà nước vẫn nắm quyền điều hành doanh nghiệp. Nếu như một loạt tập đoàn và tổng công ty nhà nước được tư nhân hóa thì chúng ta sẽ nhanh chóng có được những tập đoàn tư nhân lớn, chiếm lĩnh những ngành công nghiệp, dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế.

Cuối cùng, nếu Nhà nước vẫn muốn hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn thì chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân mở rộng thị trường kinh doanh ở nước ngoài, hoặc thông qua xuất khẩu như cách Hàn Quốc, Đài Loan làm trước đây, hoặc thông qua các chính sách ưu đãi vốn từ các ngân hàng phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả Trung Quốc hiện nay. Tuyệt đối không hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước chỉ thuần túy duy trì và mở rộng thị trường trong nước.

 
Nguồn:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Hãy để doanh nghiệp…
(https://www.thesaigontimes.vn/289714/hay-de-doanh-nghiep-thanh-nguoi-khong-lo-mot-cach-tu-nhien-.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *