Hãy tha cho con cái chúng ta, đừng bắt tội chúng nó nữa

Trần Quí Thanh

Thạc sĩ Đặng Danh Hướng cho rằng muốn khắc phục căn bệnh thành tích trong giáo dục thì cần hạn chế đưa tiêu chí tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi là tiêu chí chính trong đánh giá thi đua để tránh tình trạng giáo viên chạy theo thành tích, tạo ra áp lực cho giáo viên. (Ảnh minh họa: Báo VOV, lời bình: Báo GDVN)

—–

Cụm từ “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” được nhắc đến suốt mấy năm nay, một số đề án cải cách ra đời phục vụ cho công cuộc đổi mới này, nhưng chưa có những chuyển biến tích cực.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng công cuộc đổi mới này là trận đánh lớn. Còn đương kim Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì không đồng quan điểm như vậy. Ông cho rằng: “không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm”.

Tui đồng ý quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đối tượng giáo dục là con người và phải đầu tư để có được sản phẩm giáo dục đạt chất lượng. Có điều, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chưa thấy ông Phùng Xuân Nhạ thể hiện quan điểm đó bằng hành động, bằng sản phẩm chính sách cụ thể và có sức thuyết phục.

Có nhiều ý kiến cho rằng, muốn cho nền giáo dục đất nước đi đúng hướng, không xáo trộn như lâu nay, phải có triết lý giáo dục. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có nhóm nghiên cứu về triết lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động giáo dục tới đây.

Hãy chờ công trình triết lý giáo dục của các nhà nghiên cứu, nhưng trong khi chờ đợi, hãy làm ngay một việc, đó là dẹp ngay các loại chỉ tiêu thi đua thành tích, đừng đem con cái chúng ta ra để làm cuộc chạy đua thành tích cho ngành giáo dục.

Nếu chữa được bệnh thành tích, cha mẹ khi đón con ở trường về, thay vì hỏi “hôm nay con được mấy điểm”, thì sẽ hỏi “hôm nay con đi học có vui không?”.

Để thay đổi được câu hỏi rất ngắn đó, chúng ta đã mất nhiều năm dài vẫn không làm được.

Hãy tha cho con cái chúng ta, đừng bắt tội chúng nó nữa, chúng ta hành hạ con cái mình đủ rồi. Tất cả là vì thành tích, ngành giáo dục chuộng thành tích, nhà trường thích thành tích, phụ huynh cũng sính thành tích. Cả xã hội mất bình tĩnh chạy theo thành tích.

Thật là vô lý khi đưa ra các chỉ tiêu thi đua, bao nhiêu học sinh xuất sắc, bao nhiêu học sinh giỏi. Đúng như một người thầy tâm huyết lên tiếng : “Có bao nhiêu học sinh Khá, Giỏi là do sức học, sao lại đặt chỉ tiêu?”.

Sản phẩm giáo dục là con người, đâu phải bộ áo quần mà có thể yêu cầu như nhau, giống nhau, đưa ra định mức năng suất cho cỗ máy.

Con người có bộ não, đồng phục áo quần được, nhưng không thể đồng phục tư duy.

 

Sài Gòn ngày 27/12/2018

TQT

 

Bài đọc thêm, Link: Có bao nhiêu học sinh Khá, Giỏi là do sức học, sao lại đặt chỉ tiêu?

(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Co-bao-nhieu-hoc-sinh-Kha-Gioi-la-do-suc-hoc-sao-lai-dat-chi-tieu-post194081.gd?fbclid=IwAR19Ow0DKZmoOhIesYcpxkCTUEO7X-vTHbAt6TMnF-V4dD2HkSL5N24Wxug)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *