‘Hiệu ứng cửa sổ vỡ’ trong tình yêu

Thùy Linh theo Aboluowang/ Báo VnExpress

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Cặp đôi từng chia tay nhưng sau đó lại tái hợp, liệu có mối quan hệ lâu bền hơn không? Câu trả lời là rất hiếm.

Nguyên nhân của hầu hết các cuộc chia tay là vì mâu thuẫn quan điểm sống, cái tôi quá lớn… Sau đó, nhiều người tiếc nuối quãng thời gian bên nhau, thậm chí cảm thấy không thể nào dễ dàng buông bỏ mối quan hệ nên “gương vỡ lại lành”.

Dưới góc độ tâm lý, các chuyên gia sử dụng “Hiệu ứng cửa sổ vỡ”: Nếu ai đó làm vỡ kính cửa sổ của một tòa nhà và không sửa chữa kịp thời, số cửa sổ bị vỡ kính sẽ ngày càng nhiều hơn. Nguyên nhân là khi nhìn thấy cửa sổ vỡ, người ta có xu hướng coi nhẹ việc phá vỡ các ô cửa sổ khác. Ví dụ, có một hành lang vốn dĩ rất sạch sẽ, nhưng nếu ai đó ném túi rác vào góc tường. Nếu túi rác không được dọn dẹp kịp thời, những túi rác khác cũng sẽ được ném vào đó, dần dần trở thành một bãi rác lớn.

Theo giải thích của các nhà tâm lý học, trong tình yêu – hôn nhân, “ô cửa vỡ” đầu tiên là khởi đầu của một sự việc xấu đi, ví dụ, một người lần đầu tiên phản bội hay đối xử không tốt với nửa kia. Tuy nhiên, đối phương chọn cách tha thứ. Trong lòng người phạm sai lầm nảy sinh tâm lý “dù gì người kia không dám bỏ mình”, vì thế, khả năng của sự tái diễn sai lầm đó là rất cao. Do đó, sự tan vỡ của một mối quan hệ không phải là một sự kiện đột ngột, mà là sự tích lũy của nhiều “ô cửa sổ vỡ”, vì gốc rễ vấn đề chưa được giải quyết, nó sẽ không tự nhiên mà biến mất. Vì vậy, đa phần sự hàn gắn của những người đã từng yêu thương sâu đậm sẽ chỉ lặp lại những sai lầm cũ.

Sở dĩ người ta chia tay dù từng yêu sâu đậm, chắc chắn vì những mâu thuẫn không thể khắc phục được. Do đó, việc hàn gắn lại sẽ chỉ khiến cả hai thất vọng thêm, thậm chí mất đi sự kỳ vọng đáng lẽ phải có trong tình yêu.

Trong bộ phim Oan gia tình ái của Hàn Quốc, chiếu năm 2013, nhà làm phim chỉ ra một thực tế: Xác suất tái hợp của các cặp đôi sau khi chia tay là 82%, nhưng chỉ 3% trong số họ có thể đi đến cuối con đường cùng nhau. 97% chia tay lần thứ hai, với lý do giống hệt lần chia tay đầu tiên.

Nhà văn Trương Tiểu Nhàn trong cuốn “Cảm ơn người đã rời xa tôi” đã kết luận: “Một số thứ đã mất đi sẽ không thể chuộc lại được. Có những người một khi đã qua cuộc đời bạn, bạn sẽ không thể nào níu giữ người đó ở lại được. Thời gian xóa nhòa đi ký ức và chỉ lưu giữ lại bản sao ký ức với những điều tốt đẹp mà thôi”.

“Hiệu ứng cửa sổ vỡ” không đưa ra kết luận rằng đã chia tay thì không nên quay lại hàn gắn. Nó chỉ chỉ ra thực tế: Nếu ô cửa đầu tiên không được sửa kịp thời, sự đổ vỡ sẽ diễn ra trên diện rộng, dần dần khiến mọi người mất kiểm soát.

Triết học cũng chỉ ra rằng sự phát triển của mọi thứ là một chuỗi mắt xích những sự liên quan. Vì vậy, trong tình yêu hay hôn nhân, mỗi người đều cần chú ý đến những lỗi lầm dường như xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày, dù là ngẫu nhiên, nhỏ nhặt và kịp thời sửa chữa nó. Nếu thái độ của chúng ta là thờ ơ thì những rạn nứt sẽ ngày càng lan rộng.

NGUỒN:  Theo Báo VnExpress

Link bài:’Hiệu ứng…’..

https://vnexpress.net/hieu-ung-cua-so-vo-trong-tinh-yeu-4288816.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *