Thưa anh Trần Quí Thanh.
Nguồn: TBKTSG
Bữa nay lướt mạng tình cờ thấy blog của anh, thấy vui. Giá chủ các doanh nghiệp lớn cũng có blog để chia sẻ với mọi người như anh thì hay quá.
Thấy anh hay trao đổi các vấn đề kinh tế văn hoá xã hội… em cũng mạo muội góp chút anh nha.
Thưa anh, mấy bữa nay đang um sùm chuyện đào tạo của ngành giáo dục Việt Nam. Một thực tế là sinh viên ta tốt nghiệp ra trường phải 3 năm đun nước pha trà mới có thể được làm việc. Theo em bên cạnh lý do ma cũ bắt nạt ma mới, một lý do cực quan trọng, là sinh viên mới ra trường không thể làm việc ngay được, phải vài ba năm học hỏi, tức phải đào tạo lại mới làm việc được. Vì sao vậy? Vì ngành ĐT& GD Việt chỉ mải miết cung cấp văn hoá cơ bản, văn hoá chung cho sinh viên mà quên mất cung cấp cho họ một cái nghề. Tức đào tạo Việt là đào tạo để biết chứ không phải đào tạo để làm việc.
Em nói thế đúng không anh?
Lê Nữ Mai Hoa ( Huế): mai_hoa1968@gmai.com
—–
Bạn Lê Nữ Mai Hoa thân mến,
Vấn đề mà bạn nêu ra không phải là chuyện khổ sở của sinh viên mới ra trường đi xin việc, mà là chuyện đau đầu của các nhà tuyển dụng. Bao nhiêu năm làm chủ doanh nghiệp, tui có nhiều kinh nghiệm trong tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực, nên hiểu rõ điều này.
Nói thiệt luôn, đa số sinh viên đào tạo các trường đại học Việt Nam ra trường không làm việc ngay được. Nhà trường trang bị cho một mớ lý thuyết, nhưng không có những môn thực hành. Tui đọc hồ sơ xin việc của sinh viên, trong đó có bảng điểm các môn học, tui thấy có nhiều môn chiếm nhiều giờ học của sinh viên, nhưng không biết học những môn đó để áp dụng được gì vào thực tế, trong lúc có những môn rất cần để trang bị kỹ năng làm việc cho sinh viên thì thiếu.
Tui nghĩ đó là một sự lãng phí cho xã hội, và không công bằng đối với sinh viên và phụ huynh. Bởi vì, họ bỏ tiền ra đóng học phí, là mong muốn được nhà trường cung cấp kiến thức đầy đủ và phù hợp để khi ra trường họ có thể làm việc được. Một khi nhà trường không đáp ứng được điều đó, có nghĩa như một doanh nghiệp nhận tiền nhưng cung cấp dịch vụ kém chất lượng.
Trường đại học dạy những thứ cao siêu, sinh viên nói chuyện triết học trên trời, có vẻ như cái gì cũng biết, nhưng không biết cách gì để làm. Học lý thuyết trên trời làm sao mần việc dưới đất.
Chính vì vậy nên hầu hết doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới ra trường đều phải tổ chức đào tạo lại các kỹ năng thực hành. Các doanh nghiệp nước ngoài như Intel, tuyển sinh viên giỏi của Trường Đại học Bách khoa, rồi gửi qua Mỹ đào tạo bổ sung, sau đó mới làm việc được.
Tui nghĩ, có nhiều người biết rằng cần phải bỏ bớt một số môn lý thuyết cao siêu, để dành thời lượng đó đào tạo những môn học kỹ năng thực hành tuỳ theo ngành nghề được học, ra trường biết cách tìm việc làm phù hợp với chuyên môn của mình. Nhưng cho đến nay chưa ai dám lên tiếng chính thức, có sức thuyết phục, có tính khách quan để ngành giáo dục đại học thay đổi, cơ cấu môn học hợp lý, khoa học để tránh sự lãng phí.
Hiện nay Việt Nam có gần 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, đó là bằng chứng cho thấy rõ nhất về chất lượng đào tạo và sự lãng phí trong đào tạo đại học và sau đại học. Rõ ràng không ai có thể ép buộc thị trường phải tiếp nhận nguồn nhân lục dư thừa này bởi vì thị trường có quy luật của nó, mà phải thay đổi chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, của doanh nghiệp, của xã hội hiện đại.
Ví dụ, đã có mô hình tự chủ đại học cho một vài trường triển khai. hãy để cho các trường tự chủ tài chính, tự chủ học thuật, có nghĩa là chủ động xây dựng chương trình đào tạo, không phụ thuộc vào quy định bắt buộc của Bộ Giáo dục Đào tạo. Bỏ đi những ràng buộc đó, đại học Việt Nam mới tiến bộ, mới có khả năng cạnh tranh với các trường quốc tế ngay trong nước mình, chưa nói đâu xa.
Và khi đó, mới có thế hệ sinh viên học để làm, không phải học để biết.
Vậy nha bạn Mai Hoa.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)