“Hồi đầu thị ngạn”- kế sách cho khủng hoảng Cai Lậy

Trần Quí Thanh

Khủng hoảng tại BOT Cai Lậy, ảnh Thanh Tú – Báo Tuổi trẻ.

—–

Khủng hoảng tại trạm thu phí Cai Lậy đến thời điểm này phải xem là nguy hiểm. Nếu như cứ để cho cánh bác tài (thực ra là người dân), và ông chủ trạm thu phí xử lý theo kiểu dàn quân trên mặt trận như vậy thì trước sau cũng gây họa.

Cách sử dụng tiền lẻ, tiền 500.000 đồng và mới nhất là sáng kiến thối 100 đồng chính là phản ứng từ dân chúng đối với trạm BOT Cai Lậy, không phải là chuyện của cánh tài xế, ai cũng có thể thấy rõ điều này.

Tháo ngòi nổ vụ căng thẳng này không cách gì khác hơn là đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người dân, đúng pháp luật. Tui là một chủ doanh nghiệp, xin có cái nhìn công bằng lơi ích như vậy.

Về phía doanh nghiệp, khi bắt tay vào triển khai thực hiện dự án BOT Cai Lậy, chắc chắn phải qua rất nhiều thủ tục, giấy tờ, được các cơ quan từ địa phương đến Trung ương chấp thuận. Địa điểm đặt trạm không phải do doanh nghiệp tự ý, mà là sự thống nhất giữa các bên.

Việc cho thực hiện dự án, đặt trạm gây ra tranh chấp như hiện nay là lỗi của các cơ quan phê chuẩn, không phải của doanh nghiệp. Phải xác định cho rõ như vậy trước đã nhé.

Hiện tại, khi khủng hoảng xảy ra, muốn giải quyết dứt điểm thì chỉ có cách duy nhất là dời trạm về phía đầu đường tránh, không đặt trên quốc lộ 1. Và khi thực hiện dời trạm, phải thực hiện bồi thường cho doanh nghiệp, nếu không thỏa thuận được thì ra tòa, đó mới là tuân thủ pháp luật. Doanh nghiệp có quyền đòi hỏi lợi ích hợp pháp của mình.

Nhà nước cũng đòi hỏi lợi ích của nhà nước, đó là thuê kiểm toán độc lập, xác định giá trị đoạn đường quốc lộ được sửa với tổng kinh phí 300 tỉ đồng, đúng giá thực là bao nhiêu, không đền bù theo cách khai khống.

Khi đã dời trạm về phía đường tránh, những xe nào đi đường này thì mua vé, không ai có lý do gì để phản ứng. Nhà nước có thể quy định các loại xe tải trọng lớn phải đi đường tránh để đảm bảo an toàn cho khu đông dân cư, người dân cũng cần sự an toàn, đó là hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Lợi ích của người dân còn được thấy ở khía cạnh khác, đó là phải đảm bảo tuyến đường quốc lộ thông suốt không bị ách tắc. Nếu cứ để tình trạng giằng co ở trạm BOT Cai Lậy kéo dài, thì nhiều người dân, doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng, công việc đi lại, làm ăn bị “tắc nghẽn” tại trạm thu phí này.

Triết lý nhà Phật có câu “hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ). Áp dụng “đạo” vào trường  hợp rất “đời” này quả thực rất đúng. Sai thì điều chỉnh, đừng cố cưỡng cầu mà đi quá xa, “hồi đầu thị ngạn” là dời trạm thu phí về đúng chỗ của nó.

Sài Gòn, Ngày 4/12/2017

TQT

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *