Hơn ai hết nhà lãnh đạo phải biết mình là ai

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

 Kính gửi anh Trần Quí Thanh 

Thưa anh, em ở SG. Cũng có một doanh nghiệp nho nhỏ. Ngưỡng mộ anh lắm, đôi lần có thấy anh trong cuộc họp nhưng không dám tới bắt tay. 

Em đọc blog anh nhiều lắm, đọc để học hỏi kinh nghiệm làm ăn từ những bậc đàn anh. Em học được nhiều từ những bài viết của anh. Cảm ơn anh. Nay em gởi tới anh một câu hỏi. Em vẫn nghe nói lãnh đạo doanh nghiệp cần quản lý bản thân, thấu hiểu nội tâm cúa chính mình. Nhưng phải làm sao để quản lý mấy thứ vô hình đó thì thật là khó. Vậy em mong anh kiến giải giùm. 

Chúc anh vui vẻ, sức khoẻ và mới mẻ. 

Kính anh, 

Phạm Thị Lý (Tp HCM): ly_phamthi63@gmail.com

—–

Phạm Thị Lý mến!

Làm một nhà lãnh đạo có nghĩa là nhà quản lý cao nhất của một tổ chức, một doanh nghiệp. Muốn quản lý một tổ chức, thì trước hết phải quản lý tốt chính bản thân mình. Có một điều chắc chắn, những người mà bản thân mình cũng không thể quản lý được thì không bao giờ quản lý được người khác.

Em đừng cho rằng quản lý bản thân là điều gì đó quá cao siêu như các lý thuyết gia đặt ra, mà hãy hiểu một cách đơn giản, sát sườn với cuộc sống, với con người.

Một giám đốc doanh nghiệp đưa ra quy định phải đi làm đúng giờ, đi họp đúng giờ, nhưng bản thân ông luôn đi làm trễ, tự cho mình là sếp, nên có quyền ngủ nướng, đến công ty lúc nào cũng được, thì nói ai nghe. Có nhiều vị hô hào họp hành đúng giờ, nhưng họ để nhân viên ngồi đủ cả phòng họp, chờ giám đốc vài chục phút, giám đốc như vậy sẽ không ai phục. Và mọi đổ vỡ cũng từ những chuyện này mà ra.

Quản lý bản thân còn là biết tổ chức thời gian biểu cho mình trong một ngày. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thể dục thể thao, đọc sách, chăm sóc bữa cơm gia đình. Một nhà lãnh đạo cân bằng được những giá trị khác nhau, có trạng thái tâm lý ổn định, có thể chất khỏe mạnh, có tinh thần phấn chấn, là phải dựa vào năng lực quản lý bản thân. Nếu sống bê tha, rượu chè, lười biếng, thì không bao giờ lãnh đạo được ai.

Thấu hiểu nội tâm của chính mình không phải là khái niệm mới mẻ, nói một cách đơn giản là phải “biết mình là ai”.

Đừng tưởng ai cũng có thể hiểu được bản thân, và nên nhớ rằng, hiểu mình là điều rất khó. Binh pháp có câu “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Biết địch thì rõ rồi, nhưng biết ta thì chưa chắc.

Một nhà lãnh đạo, càng đứng trên cao thì càng dễ tự cao tự đại. Họ luôn được tung hô, được nghe nhiều lời nịnh mà không có lời trung bởi vì “trung ngôn nghịch nhĩ”, nên họ dần đàn trở thành hoang tưởng. Hoang tưởng về bản thân là hiểu sai về mình, là thiếu sự thấu cảm về chính mình, vô cùng nguy hiểm.

Nguy hiểm vì không còn biết lắng nghe, không còn thấy ai hơn mình, “mục hạ vô nhân”. Dần dần đi vào trong sự tăm tối, có mắt mà không thấy trời đất, dễ đưa ra những quyết định sai lầm.

Cho nên, phải luôn tìm cách  nhìn sâu vào bản thân, biết mình đang ở đâu, thấy mình đang khiếm khuyết những gì, mạnh yếu chỗ nào. Khi nhìn sâu vào bản thân, thấy được những điều đó, thì nhà lãnh đạo sẽ biết học hỏi, bổ sung, khắc phục những hạn chế và đặc biệt là biết lắng nghe mọi người để học hỏi, sửa chữa, điều chỉnh.

Quản lý bản thân tốt và thấu hiểu được mình thì sẽ tạo ra nguồn năng lượng, ảnh hưởng tích cực đến những người chung quanh.

Vậy em nhé, có gì cứ gửi thư cho anh.

Trần Quí Thanh

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *