Huấn luyện nhân viên nhìn từ bóng đá Việt Nam

Lê Trọng Thêm/ Báo TBKTSG
Vai trò của người huấn luyện trong việc đạt thành tích là vô cùng quan trọng. Ảnh: chinhphu.vn
—–
Giới chuyên môn đánh giá rất cao vị huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo trong kết quả vô địch AFF Cup của bóng đá Việt Nam, từ đó để thấy vai trò của người huấn luyện trong việc đạt thành tích là vô cùng quan trọng. Chủ doanh nghiệp biết rõ yếu tố nhân sự quyết định thành bại trong kết quả kinh doanh của mình, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu được rằng thành công trong việc huấn luyện, dẫn dắt từng nhân viên sẽ tạo ra thành công lớn hơn cho tổ chức.

Theo tác giả người Mỹ Timothy Gallwey về các phương pháp huấn luyện, ông đã đưa ra khái niệm “huấn luyện là nghệ thuật tạo dựng một môi trường, thông qua đối thoại và một cách tương tác, mà làm cho một người thực hiện các hành động để đạt được mục tiêu mà người đó mong muốn”.

Thành quả của bóng đá Việt Nam hiện nay là do Việt Nam có HLV Park Hang Seo giỏi hay là do chúng ta có thế hệ cầu thủ giỏi? Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ vai trò của HLV lên thành quả đạt được của một cá nhân và tập thể. Hiểu được vai trò của HLV, từ đó mới có thể đưa ra lời khuyên về công tác huấn luyện, kèm cặp nhân viên của một tổ chức đối với từng cá nhân nhằm phát huy được năng lực và đạt mục tiêu của cá nhân và sau đó là mục tiêu của tổ chức.

Tác động của người huấn luyện lên thành tích của tổ chức

Dấu ấn cá nhân của huấn luyện viên mà ông Park Hang Seo đạt được trong thành tích của các cấp độ đội tuyển Việt Nam như vị trí á quân U23 châu Á, top 4 đội mạnh nhất Asiad hay vừa qua là vô địch Đông Nam Á ở cấp độ đội tuyển quốc gia là không phải bàn cãi. Việc góp mặt của ông Park đã thổi một làn gió mới đầy năng lượng cho nền bóng đá Việt Nam cũng được người hâm mộ và giới chuyên môn thừa nhận rộng rãi.

Những năm gần đây, công tác đào tạo phát triển nhân sự đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bởi lẽ so với chi phí lương và phúc lợi thì phần ngân sách dành cho nhân viên đi học hoặc thuê dịch vụ đào tạo bên ngoài là không đáng kể. Trong khi đó, nếu có nhân sự giỏi hiệu suất lao động tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, phần lớn các công ty mới dừng lại ở khâu đào tạo, rất ít doanh nghiệp đưa vấn đề huấn luyện, kèm cặp nhân viên đồng hành với đạt mục tiêu của doanh nghiệp.

So với đào tạo thì huấn luyện có một điểm khác biệt quan trọng là gắn với mục tiêu của nhân viên và xem nhân viên là trung tâm trong công tác huấn luyện. Đồng thời, thông qua việc đạt mục tiêu của từng cá nhân để bảo đảm mục tiêu của tổ chức.

Theo một kết quả khảo sát trên 19.000 nhân viên và cấp quản lý của rất nhiều công ty về thành quả của nhân viên, cho thấy nếu nhân viên được huấn luyện chính thức thì hiệu suất làm việc tăng lên 36% so với không được huấn luyện. Như vậy, nếu các doanh nghiệp chú trọng việc xây dựng đội ngũ HLV và thực hiện thường xuyên công tác huấn luyện, kết quả có thể mong đợi rằng hiệu suất làm việc của người lao động sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Mô hình huấn luyện G.R.O.W

Chúng ta thử đánh giá thành công của ông Park cho thành tích mà các cấp độ đội tuyển Việt Nam đạt được thông qua mô hình huấn luyện G.R.O.W của Sir John Whitmore, người tiên phong trong ngành công nghiệp huấn luyện điều hành, đã diễn ra như thế nào.

G – Goal – thiết lập mục tiêu. Trước khi vào bất kỳ giải đấu nào, các HLV thường đặt mục tiêu của đội, từ việc phải vượt qua vòng bảng cho đến việc phải vào tứ kết, bán kết, thậm chí là chung kết. Tương tự, đối với từng cá nhân trong tổ chức, hàng năm ngoài việc giao chỉ tiêu KPI (đo lường hiệu quả công việc), những người làm công tác huấn luyện phải cùng nhân viên được huấn luyện thiết lập mục tiêu cho riêng họ. Lưu ý rằng, đây là mục tiêu của nhân viên, cái mà nhân viên cần thực hiện để đạt được chứ không phải mục tiêu của HLV phải đạt được.

R – Reality – khảo sát hiện trạng. Một tháng sau khi tiếp nhận quyền HLV các đội tuyển Việt Nam, ông Park nhận xét: “Tôi đã từng là cầu thủ ở Hàn Quốc. Cầu thủ Việt Nam về kỹ thuật và chuyền bóng khá tốt nhưng tôi hơi tiếc vấn đề của họ là thể lực. Chúng ta cần có kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề này”.

Từ việc khảo sát thực tế, ông đưa ra nhiều phương pháp huấn luyện thể lực cho các cầu thủ và kết quả là trong ba giải đấu ở các cấp độ, các cầu thủ Việt Nam có đủ sức khỏe để thi đấu 90 phút căng thẳng với mật độ thi đấu dày đặc. Đây là một trong khác biệt lớn mà người huấn luyện mới làm được so với những vị HLV tiền nhiệm.

Đối với doanh nghiệp cũng vậy, việc đánh giá khả năng hiện tại của một nhân viên có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mục tiêu nào là phù hợp với người đó. Ngoài ra, HLV còn giúp nhân viên tổng kết lại một quá trình phát triển năng lực và thành quả trước nay họ đã đạt được.

O – viết tắt của từ Obstacles và Options – khai thác các phương án, các trở ngại. Ngoài vấn đề về thể lực, ông Park còn xác định thêm các trở ngại khác mà các đội tuyển Việt Nam gặp phải như vấn đề tâm lý thi đấu, việc triển khai chiến thuật hợp lý trong từng trận. Ông đã đưa ra các giải pháp để các cầu thủ đi đúng hướng, nhưng không phải là người trực tiếp giải quyết thay các cầu thủ. Điển hình như việc cải thiện vấn đề tâm lý thi đấu bằng việc luôn giúp các học trò của mình giữ được bình tĩnh để thi đấu với cái đầu lạnh; việc thi đấu đúng các đấu pháp mà ban huấn luyện đề ra. Trong công tác huấn luyện nhân viên cũng vậy, thông thường nhân viên không hoàn thành mục tiêu là có lý do nào đó, và nhiệm vụ của người huấn luyện là giúp họ tự nhận ra trở ngại thực sự, cũng như giải pháp phù hợp với bản thân họ để đạt được mục tiêu.

W- Way Forward – xây dựng ý chí, cam kết. Trước mỗi trận đấu HLV giỏi luôn biết cách làm cho từng cầu thủ cam kết thực hiện đúng ý đồ chiến thuật để đạt mục tiêu đề ra; chỉ dẫn từng bước, từng hành động và xác định thời gian cụ thể cho từng cầu thủ cần phải làm gì. Ngoài ra, lúc có thời gian chết khi trọng tài cho trận đấu tạm dừng, đội trưởng hoặc các cầu thủ ở vị trí thi triển chiến thuật thường chạy lại khu vực của ban huấn luyện để tiếp nhận các lời khuyên nhằm hỗ trợ đội bóng giành chiến thắng. Trong doanh nghiệp, người huấn luyện cũng cần xây dựng ý chí cho nhân viên, giúp họ cam kết hoàn thành mục tiêu của mình. Tránh tình trạng khi gặp khó khăn, nhân viên sẽ đẩy phần hoàn thành mục tiêu cho người huấn luyện.

Một đội bóng có HLV đưa ra phương pháp huấn luyện đúng đắn thì vấn đề thành tích không phải chuyện xa vời. Trong kinh doanh cũng vậy, nếu những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có phương pháp huấn luyện nhân viên tốt cùng với các chính sách nhân sự phù hợp, việc đạt mục tiêu cá nhân và thành tích của tập thể là điều có thể đạt được.

Để công tác huấn luyện nhân viên đạt kết quả, người huấn luyện cần trang bị một số kỹ năng chính: (i) kỹ năng đặt câu hỏi để làm rõ mục tiêu, xác định đúng thực trạng và các trở ngại; (ii) kỹ năng lắng nghe chủ động để đưa người được huấn luyện vào việc tìm giải pháp để đạt mục tiêu của chính họ; (iii) kỹ năng truyền đạt để giúp người được huấn luyện nhận ra năng lực của bản thân, tự tin thực hiện mục tiêu của mình. Cuối cùng, một người chỉ thực sự làm chủ được năng lực huấn luyện nhân viên khi họ thường xuyên được thực hành công tác huấn luyện.

Ai làm công tác huấn luyện trong doanh nghiệp?

Việc huấn luyện nâng cao được hiệu suất công việc là kết luận không còn bàn cãi. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp không biết lấy ai làm người thực hiện công tác huấn luyện. Nhìn từ bóng đá, ngoài HLV trưởng, đội bóng còn nhiều vị trợ lý HLV lo những mảng chuyên môn như HLV thể lực, HLV thủ môn, HLV về kỹ chiến thuật…

Theo các chuyên gia phát triển con người, bất kỳ ai, hễ có người do mình quản lý, thì đều cần trang bị kỹ năng huấn luyện, kèm cặp nhân viên cấp dưới của mình để đạt mục tiêu. Khi đó những vị trí quản lý luôn phải song hành, đội trên đầu mình hai chiếc mũ, người quản lý và người huấn luyện. Họ cần linh hoạt, khi nào sử dụng chiếc mũ người quản lý để chỉ dẫn cho nhân viên làm việc, và khi nào sử dụng chiếc mũ huấn luyện để giúp nhân viên của mình đạt mục tiêu. Để làm được công việc này đòi hỏi cần có thời gian và kiên trì rèn luyện kỹ năng thông qua công việc.

Từ cách bố trí người huấn luyện như trên, trong doanh nghiệp sẽ hình thành cơ chế hình tháp trong công tác huấn luyện. Cụ thể, lãnh đạo cấp cao đóng vai trò là người huấn luyện của lãnh đạo cấp trung và người lãnh đạo cấp trung sẽ là người huấn luyện của cấp nhân viên. Việc hình thành trong tổ chức song song hai hệ thống để đạt mục tiêu, doanh nghiệp sẽ đạt kết quả đề ra.

Thay cho lời kết, ông cha ta trước kia từng dạy “không thầy đố mày làm nên”, trong nền kinh tế tri thức lời dạy này càng có giá trị. Nhưng để đạt mục tiêu, các doanh nghiệp không nên dừng lại việc tìm kiếm những người thầy để trang bị kiến thức và kỹ năng cho nhân viên, mà nên xây dựng và phát triển đội ngũ những người huấn luyện bằng việc xác định mỗi lãnh đạo dù ở cấp nào đều phải thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cho nhân viên cấp dưới của mình.

NGUỒN:  Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Link bài: Huấn luyện nhân viên nhìn từ…
(https://www.thesaigontimes.vn/283081/Huan-luyen-nhan-vien-nhin-tu-bong-da-Viet-Nam.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *