Khi các Doanh nhân tiếp sức cho nghệ thuật

Thuỳ Dương/ PLVNO

Khai mạc vở diễn Hamlet của Nhà hát kịch Việt Nam, do THP tài trợ. Ông Nguyễn Thế Vinh – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và ông Trần Quí Thanh – đại diện nhà tài trợ – trả lời phỏng vấn báo chí.

Từ trước tới nay, không ít chương trình nghệ thuật nhất là ca nhạc, tạp kỹ có “đại gia” đứng đằng sau. Và có không ít chương trình nghệ thuật bị “bóp méo” theo sự chỉ đạo của nhà tài trợ. Đây rất dễ chạm vào tự trọng của nghệ sĩ và khiến khán giả bất bình. Rất may, những cuộc bắt tay giữa các “đại gia” và Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ đều… vị nghệ thuật.

Ảnh minh họa.

Hàng trăm nghìn người xem kịch miễn phí nhờ… “đại gia”

Năm 2015, có 5 đơn vị nghệ thuật thuộc quản lý của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch được chọn thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý từ bao cấp hoàn toàn sang quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán thu, chi. Trong đó, có 2 đơn vị tự chủ 100%; các đơn vị còn lại cắt giảm 30% ngân sách trong năm 2015-2016 và các năm tới, các đơn vị phải đảm bảo tự chủ 100%. 

Bao nhiêu năm, các nhà hát được sống trong “bầu sữa mẹ” với mức bao cấp mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng/ nhà hát, nay lại phải ra “ở riêng”, tự biên tự diễn chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu. Chất lượng nghệ thuật phải đảm bảo nhưng tiền đầu tư lại bị cắt giảm. Rất nhiều nhà hát, các nghệ sĩ khủng hoảng rơi vào nỗi lo cơm áo nhất là những môn nghệ thuật khá kén khán giả như: kịch, cải lương, tuồng, chèo. Khán giả ít, các nhà hát lại không có nguồn thu từ việc cho thuê rạp và kinh doanh các dịch vụ khác, để chèo lái con tàu nghệ thuật chẳng dễ dàng gì đối với các lãnh đạo nhà hát. 

Không thể để anh em nghệ sĩ sống ngoắc ngoải, chương trình nghệ thuật bị teo tóp, một số nhà hát đã kết nối với mạnh thường quân. Có lẽ, thành công nhất trong việc kết nối này là Nhà hát Tuổi Trẻ. 

“Bay lên những ước mơ” gồm những vở diễn ca – múa – nhạc – kịch đặc sắc, những trò chơi vui nhộn cùng các tiết mục giao lưu hấp dẫn, bổ ích do các nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng và biểu diễn miễn phí dành cho các em nhỏ dịp 1/6 và các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật trong suốt mùa hè 2018. Đây là cầu nối chuyển tải những giá trị nhân văn, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những hoài bão, là động lực vượt qua khó khăn để vươn tới ước mơ của trẻ nhỏ.

Với sự tham gia của các tác giả: Đinh Tiến Dũng (Cù Trọng Xoay), nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn Bùi Như Lai, NSƯT Cao Ngọc Ánh, NSƯT Doãn Bằng, NSƯT Thu Hương, NSƯT Hải Yến, nhạc sỹ Tường Văn, Chí Huy… chương trình được triển khai rộng rãi, dành tặng cho hơn 12.000 trẻ em, học sinh tại các trường học, địa phương trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, đồng thời tặng các phần quà thiết thực hỗ trợ cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm nghị lực, vững tin vào tương lai…

Điều đặc biệt, “Bay lên những ước mơ” có sự đồng hành của Vietjet để để lại niềm vui cho các em đặc biệt là các em hoàn cảnh khó khăn trong mùa hè 2018. Đại diện Vietjet cho hay: “Đầu tư cho nghệ thuật là đầu tư phi lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng tôi coi đó là cách để được chia sẻ với xã hội. Chúng tôi muốn có thật nhiều khán giả đặc biệt là trẻ em khó khăn được thưởng thức những món ăn tinh thần có giá trị nghệ thuật và tính giáo dục cao”.

Trước đó năm 2014, Nhà hát Tuổi Trẻ cùng Ngân hàng SHB thực hiện dự án “Chắp cánh niềm tin”. Sau 3 năm, triển khai, tới nay, “Chắp cánh niềm tin” đã thực hiện 400-500 suất diễn với hàng trăm nghìn tấm vé xem kịch miễn phí: “Mùa hạ cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”, hài kịch “Quan Thanh tra” và “Ai sợ ai”, kịch thiếu nhi “Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình” và “Dế mèn phiêu lưu ký”… dành tặng cho không chỉ khán giả tại Hà Nội mà còn mở rộng tới khán giả các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Đối tượng khán giả là các học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên, nông dân…

NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ  hồ hởi: “Sự hợp tác của các doanh nghiệp như SHB, Vietjet trong công tác xã hội hoá sân khấu tài trợ biểu diễn miễn phí cho lớp khán giả trẻ đã giúp họ hiểu và gần gũi hơn với nghệ thuật sân khấu. Để thực hiện hàng trăm suất diễn miễn phí, mang lại tiếng cười, sự sảng khoái tới trăm ngàn lượt khán giả là chuyện không đơn giản đối với một đơn vị nghệ thuật.  Hơn thế lại đáp ứng đúng tiêu chí phục vụ khán giả trẻ của Nhà hát Tuổi Trẻ lại càng có ý nghĩa rất lớn. Đây sẽ là hướng đi mà Nhà hát Tuổi Trẻ hướng tới nhằm đánh thức nghệ thuật sân khấu”.

Cũng không nằm ngoài cuộc vui, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng kết hợp với  Tập đoàn Hoa Sen thực hiện 10 suất miễn phí vở hài kịch “Bệnh sĩ” của tại 7 tỉnh, thành phía Bắc. Thương hiệu Nhà hát Kịch Việt Nam được lan tỏa với bạn bè quốc tế nhờ sự khéo léo kêu gọi sự tài trợ xã hội của các “đại gia” và các tổ chức xã hội.

Lần đầu tiên, Nhà hát Kịch Việt Nam đưa một vở diễn ra nước ngoài nhờ sự tài trợ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Đó là vở Hamlet sang Singapore biểu diễn. NSND Anh Tú, quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho hay, trong xu thế xã hội hoá nghệ thuật hiện nay, sự đóng góp quý báu của những nhà tài trợ có tâm, có tầm, những người đồng hành đáng trân trọng của các doanh nghiệp là rất cần thiết. Sự đồng hành như thế này sẽ là những “cú hích” để kích thích niềm đam mê sáng tạo và lòng khát khao chinh phục đỉnh cao nghệ thuật của các nghệ sỹ, biến giấc mơ của họ trở thành hiện thực. 

Các “đại gia” vị nghệ thuật

Có thể nhận thấy, trước sự “chống lưng” của các “đại gia”, sân khấu phía Bắc dần chuyển mình với nhiều tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao, diễn viên đất diễn năng động và có điều kiện thỏa sức sáng tạo hơn. Hàng trăm nghìn cán bộ, công nhân, viên chức, nông dân, học sinh, sinh viên được thưởng thức miễn phí những vở kịch, chương trình nghệ thuật đạt chất lượng cao qua sự thể hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng. Thông qua nghệ thuật, các thương hiệu cũng đến tới đông đảo khán giả một cách tinh tế.

Từ trước tới nay, không ít  chương trình nghệ thuật nhất là ca nhạc có “đại gia” đứng đằng sau. Và có không ít chương trình nghệ thuật bị “bóp méo” theo sự chỉ đạo của nhà tài trợ. Đây rất dễ chạm vào tự trọng của nghệ sĩ và khiến khán giả bất bình. Rất may, những cuộc bắt tay của các “đại gia” đối với Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ đều… vị nghệ thuật. Có nghĩa, các “đại gia” chỉ lo về kinh tế như tạo điều kiện tốt nhất ăn ở, đi lại, catxe, tiền chi phí cho âm thanh, ánh sáng, đạo cụ… để đạo diễn, các nghệ sĩ yên tâm “phiêu” trong vở diễn, còn lại tất cả nội dung, chất lượng vở kịch, bối cảnh sân khấu họ đều không can thiệp. 

Các nhà hát khác đang và sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tự chủ là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam… Có lẽ, hơn ai hết, họ cũng mong tìm được những “mạnh thường quân” có phông văn hóa tốt và tình yêu nghệ thuật sâu sắc để tiếp sức cho những loại hình nghệ thuật Việt Nam ngày càng thăng hoa.

Nguồn: Theo báo Pháp luật Việt Nam online

Link bài: Khi các Doanh nhân tiếp sức cho nghệ thuật

(http://baophapluat.vn/kham-pha/khi-cac-dai-gia-tiep-suc-cho-nghe-thuat-395260.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *