Khi gặp hoạn nạn càng cần niềm tin vào nhau hơn

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Đợt dịch bùng phát lần hai tại Việt Nam là một đòn bồi chí mạng vào cơ thể của cộng đồng doanh nghiệp vừa cố gắng gượng dậy sau cơn bạo bệnh. Để vượt qua với đại dịch đợt trước, doanh nghiệp đã khai thác hết mọi nguồn lực đến mức kiệt sức, cho nên khi cơn dịch mới tràn tới, đa số không còn sức để chống chọi.

Lúc này cộng đồng doanh nghiệp cần gì để làm động lực cho sự sinh tồn của mình, đó là câu hỏi mà nhiều bạn gửi thư trao đổi với tui.

Thực lòng, tui không phải là lý thuyết gia để đưa ra các lý luận về kinh doanh hay lý thuyết kinh tế trong thời buổi dịch bệnh, nhưng khi các bạn có điều cần trao đổi, tui cũng xin thưa lại bằng sự suy nghĩ cá nhân.

Trước hết, tất cả chúng ta đều biết đây là một cơn khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu. Mỗi doanh nghiệp đều hết sức nhỏ nhoi trong cơn “đại hồng thủy”, cho nên chúng ta bị nhấn chìm trong cơn sóng thần là điều không thể tránh khỏi. Khẳng định một điều như vậy để không còn việc gì phải than thở.

Trả lời trên vnexpress hôm 12.8, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khẳng định “không thể vừa chống dịch vừa thúc đẩy kinh tế”. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phân tích thêm: “Nếu chống dịch không thành công, nền kinh tế chắc chắn thất bại. Kiểm soát được dịch, kinh tế sẽ có khả năng phục hồi. Nếu không, khủng hoảng y tế chắc chắn dẫn đến khủng hoảng kinh tế”.

Trong bối cảnh nền kinh tế như vậy, thì doanh nghiệp cũng không thể khác hơn, chống bị sập tiệm, khó có thể nói đến tăng doanh số. Hay nói đúng hơn là cố gắng sống sót, duy trì sinh kế cho người lao động tối đa có thể.

Những biện pháp để sống sót tui đã chia sẻ trong nhiều bài viết trước như cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi tiêu, kỹ thuật ngủ đông, áp dụng công nghệ thay cho thủ công trong quản lý điều hành, tìm ngách thị trường mới. Nay chúng ta tiếp tục duy trì các biện pháp đó và thực hiện ở mức cao hơn, khai thác tối đa sáng kiến để duy trì doanh nghiệp.

Ngoài các biện pháp đó, lúc này điều chúng ta cần nhất là niềm tin vào nhau, giữ chữ tín trong kinh doanh. Doanh nghiệp tin vào nhau thì mới lan tỏa niềm tin ra cộng đồng xã hội.

Có niềm tin vào nhau để hợp tác, chia sẻ giúp đỡ nhau để tồn tại. Giữ chữ tín trong kinh doanh từ mọi hoạt động hợp tác, bằng chất lượng sản phẩm dịch vụ, hàng hóa. Cùng nhau làm ăn, cùng nhau gặt hái thành quả. Nếu mạnh ai nấy sống hay đạp lên nhau để sống bằng các thủ đoạn cạnh tranh bẩn, bằng mưu chước lừa lọc gian dối thì chắc chắn ai cũng chết.

Niềm tin lan tỏa đến người tiêu dùng khi họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng. Lúc khó khăn này, lại cần phải chăm sóc người tiêu dùng cẩn thận nhất, kỹ lưỡng nhất. Khi đồng tiền càng eo hẹp thì mọi lựa chọn mua sắm sẽ rất cân nhắc. Cho nên, doanh nghiệp nào mang đến cho người tiêu dùng sự hài lòng thì sẽ giữ chân họ lâu dài.

Chúng ta có niềm tin dịch bệnh sẽ được kiểm soát, hãy bình tĩnh cùng nhau vượt qua.

 

Sài Gòn 13/08/2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *