Không mất bình tĩnh chạy theo phong trào “bốn chấm không”

Trần Quí Thanh

Nguồn hình:  Trang Net News

—–

Chào anh Trần Quí Thanh,

Thưa anh. Tôi dân Cà Mau bằng tuổi anh, làm CEO doanh nghiệp Nhà nước 30 năm chẳng có thành tích gì, không làm đổ bể thất thoát tiền của của Nhà nước là may rồi anh ạ.

Nay con cháu theo nghiệp cha ông, chúng hỏi tôi hoài về kinh doanh, biết được chút nào tôi trao cho chúng nó hết. Riêng vụ chuyển đổi số thì tôi mù tịt. (Thời của chúng tôi là 0.4 mà anh). Chuyển đổi số có khó không, có nguy hiểm không, trước mắt nên làm cái gì, đừng nên làm cái gì? Tôi muốn anh trao đổi giùm để tôi bảo bọn trẻ vào blog anh mà đọc, anh nha!

Rất mong được anh trả lời.

Chúc anh mạnh giỏi thiệt nhiều

Ngô Tất Thành (Cà Mau): mietrungcamau@gmail.com

—–

Anh Ngô Tất Thành mến!

Dân mình hay có những việc chạy theo xu hướng, phong trào, và cái vụ “bốn chấm không”, số hóa cũng vậy. Nhưng anh cứ yên tâm, nói nhiều ồn ào thôi, trên thực tế không như vậy đâu.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có khoảng 22% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến họ; 32,7% cho rằng chưa tác động nhưng sẽ bị tác động. Như vậy, có khoảng một nửa doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đang hoặc sẽ tác động đến họ.

Đối với những doanh nghiệp quan tâm và thực sự bắt tay hành động, cũng cần quan sát đến tình hình chung để triển khai các kế hoạch chuyển đổi của mình phù hợp và hiệu quả.

Chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động trong đơn vị, giảm bớt nhân sự và chi phí hành chính là điều cần làm, nhưng phải xem xét tương thích với bên ngoài. Nếu như đầu tư chuyển đổi đến mức “thừa năng lượng” không biết xài ở đâu thì cũng lãng phí. Doanh nghiệp tương tác chủ yếu với các cơ quan nhà nước, nhưng câu hỏi đặt ra là hệ thống chính quyền đã số hóa hay chưa?

Hiện nay, nhiều địa phương thực hiện chương trình chính quyền điện tử, nhưng chưa hoàn chỉnh, ngay cả TPHCM cũng chỉ “đang triển khai”. Đối với các địa phương khác, doanh nghiệp số hóa nhưng khi tương tác với chính quyền thì cũng “thủ công”, vậy thì phải tính đến “hệ sinh thái” trong môi trường mà mình đang hoạt động.

Tuy nhiên, cũng phải rạch ròi, đối với những chuyển đổi nội bộ có lợi cho sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả thực sự thì cứ mạnh dạn. Không mất bình tĩnh chạy theo phong trào, chạy theo xu hướng “bốn chấm không” nhưng thiếu thực chất và tốn kém vô ích chỉ để đổi lấy cái hư danh về công nghệ.

Chúc anh vui khỏe nhé.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *