Không nên tạo gánh nặng chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong dịch Covid-19

Hoàng Thắng/ Báo TBKTSG

Tại diễn đàn Quốc hội ngày 25.6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu rằng, trong thời gian gần đây, việc áp dụng chính sách giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong khâu tổ chức, lưu thông hàng hóa.

Điều này thì quá rõ, doanh nghiệp thấm đòn quá nhiều. Ngay cả chuyện bắt buộc xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng đủ ảnh hưởng đến lưu thông, nhưng kéo dài lâu nay, kêu mãi chẳng ai nghe, mà mỗi địa phương làm mỗi cách.

Chuyện ông phó phường ở Nha Trang nói bánh mì không phải lương thực đã đành, nhiều địa phương không cho chở sữa, đồ uống vì cho rằng không phải thực phẩm. Kêu trời không thấu.

Về chuyện này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phản ánh có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu vì mỗi tỉnh mỗi quy định.

Ngoài quy định của địa phương, một số bộ cũng ra thêm quy định riêng, tất cả chồng chất lên vai doanh nghiệp, đã khổ vì dịch bệnh, lại thêm nặng nhọc vì những quy định không phù hợp.

May quá, cũng trong ngày 25.7, Thủ tướng phát văn bản số 1015/TTg-CN chỉ đạo, không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận  diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Đó là mới gỡ được một gánh nặng trong rất nhiều gánh nặng mà doanh nghiệp phải gánh vác trong đại dịch này.

Mà doanh nghiệp là ai, cũng chính là người dân mà thôi.

Trần Quí Thanh

—–

Để việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất diễn ra thuận lợi trong bối cảnh nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, lãnh đạo địa phương và các bộ, ngành cần có những trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế để đưa ra nguyên tắc ứng xử phù hợp với mỗi tình huống phát sinh trong thực tế.

Lao động tự do là một trong số những đối tượng chịu tác động nhiều tác động tiêu cực nhất từ dịch Covid-19. Ảnh: Trọng Hiếu.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam – cho rằng các chính sách của Chính phủ và chính quyền địa phương cần xây dựng theo hướng giảm thiểu các thủ tục và chi phí không cần thiết với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

KTSG OnlineTình trạng ách tắc hàng hoá đã xuất hiện tại nhiều nơi do vướng các yêu cầu về phòng chống dịch của chính quyền địa phương. Ông có đề xuất gì để giải quyết tình trạng này?

 Ông Lê Duy Bình: Hiện mỗi bộ, ngành, địa phương vẫn phải bám sát mục tiêu phòng chống dịch bệnh của mình, nhưng các quy định phòng chống dịch được ban hành phải đáp ứng được tính hợp lý về mặt khoa học và phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương. Bên cạnh đó, nó cần phải đảm bảo được tính thống nhất, thông suốt giữa các địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa. 

Lưu thông hàng hóa là huyết mạch của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp trong việc đưa ra và thực thi quy định. Tình trạng ách tắc kéo dài ở nhiều cửa ngõ ra vào các thành phố trong những tuần vừa qua vẫn đang là nỗi ám ảnh rất lớn với tất cả doanh nghiệp trên toàn quốc.

Theo đó, sự thiếu phối hợp và không nhất quán trong thực hiện các quy định và chính sách có nguy cơ khiến chúng ta tự làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới hình ảnh và vị thế của Việt Nam là một mắt xích đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh này, mỗi quyết định đưa ra bởi một tỉnh, thành phố hay bộ, ngành ngoài đảm bảo được nguyên tắc số một là phòng chống dịch cho địa phương mình thì phải tính đến các tác động khác về kinh tế, xã hội, lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp, thương nhân trong tỉnh, thành phố và từ các tỉnh, thành khác.

Các quyết định nhằm thực hiện nghiêm việc giãn cách và phòng chống dịch và có tính tới lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích chung của toàn nền kinh tế trong thời điểm này sẽ thực sự tạo dựng được hình ảnh riêng biệt của những chính quyền địa phương luôn cân nhắc tới lợi ích của doanh nghiệp, ngay trong những thời điểm muôn vàn khó khăn này. Những cách ứng xử như vậy sẽ có ý nghĩa hơn vạn lời nói hay nhiều chương trình quảng bá, thu hút đầu tư vào địa phương đó được thực hiện sau này khi dịch bệnh qua đi.

Chắc hẳn những sự khác nhau về phương thức điều hành của các chính quyền địa phương trong bối cảnh hiện tại sẽ được khắc sâu trong cảm nhận lâu dài của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về chất lượng điều hành, về môi trường đầu tư, kinh doanh của các địa phương và thành phố đó. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng nhận biết đâu là những tỉnh, thành phố thực sự hành động và luôn tìm giải pháp tốt nhất vì doanh nghiệp và nhà đầu tư, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất.

Vì vậy, các biện pháp nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội hiện nay cần được thiết kế trên cơ sở có tính toán tới tác động tiêu cực của các biện pháp đó tới doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, đi kèm với các biện pháp để giảm thiểu những rủi ro đó cho doanh nghiệp.

Các bộ, ngành – với vai trò quản lý vĩ mô đối với một ngành – cần có các giải pháp tạo sự liên thông, thống nhất giữa các địa phương khi triển khai hoặc thực hiện các quy định liên quan tới lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách, hoặc có biện pháp nhằm thông tin kịp thời, giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Tình trạng hàng trong container của doanh nghiệp sau khi vượt qua hàng chục trạm kiểm soát, vượt qua hàng nghìn cây số và phải quay đầu khi tới tại trạm gần cuối cùng không chỉ là sự lãng phí ghê gớm và gây tốn kém cho doanh nghiệp mà còn là biểu hiện của tính thiếu hiệu quả, thiếu thống nhất trong việc thiết kế, thực thi các biện pháp phòng chống dịch giữa các địa phương và thiếu sự phối hợp, giám sát và tham vấn của các bộ, ngành.

“Đây là thời điểm các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng nhận biết đâu là những tỉnh, thành phố thực sự hành động và luôn tìm giải pháp tốt nhất vì doanh nghiệp và nhà đầu tư, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất”, ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.

KTSG Online: Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã được ban hành như Nghị quyết 68 của Chính phủ hay việc 16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay. Nhưng cần làm gì để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, thưa ông?

– Những hỗ trợ trong bối cảnh cấp bách phải được thiết kế và thực thi theo các nguyên tắc không giống trong điều kiện thông thường. Trong điều kiện cấp bách, không nên lồng ghép các quy định hoặc thủ tục với mục đích đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người xây dựng và thực thi quy định.

Ngoài ra, các quy định về hỗ trợ cần sát thực tiễn, không đẩy khó cho các bộ, ngành khác, các địa phương và cho người thực thi hay người nhận hỗ trợ. Nó cần được thiết kế theo hướng đảm bảo tính minh bạch, tính giải trình trách nhiệm, chống lạm dụng, nhưng cũng phải đảm bảo tính linh hoạt, tính sáng tạo và tính dám chịu rủi ro của người và đơn vị thực thi.

Do tính chất khẩn cấp và nhu cầu cấp bách của người dân, đặc biệt là những đối tượng như người lao động tự do, những người bị mất việc hay tạm thời mất việc, gói hỗ trợ phải xác định được rõ nguồn tiền và khả năng tiếp cận nhanh nguồn tiền để thực hiện hỗ trợ. Các thủ tục hành chính cần được tối giản.

Ngoài cách thức truyền thống, các biện pháp sáng tạo để xác định đối tượng thụ hưởng và chi trả như sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, thực hiện hỗ trợ qua thẻ ATM, mobile banking cũng có thể được thử nghiệm.

Bên cạnh đó, cần gắn trách nhiệm giải ngân gói hỗ trợ với việc đánh giá kết quả thực hiện công việc hàng năm của các bộ ngành, địa phương và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị này. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế để các tổ chức xã hội và người dân được tham gia giám sát quá trình triển khai gói hỗ trợ, đảm bảo gói hỗ trợ đến tay được đối tượng một cách nhanh nhất và đúng đối tượng nhất.

Với động thái đồng thuận giảm lãi suất của 16 ngân hàng thương mại, điều này thể hiện thiện chí của một số tổ chức tín dụng nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhưng hiện mới chỉ một số ít trong số 16 ngân hàng thực sự có hành động giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

Như vậy, đồng thuận là một việc nhưng giảm lãi suất hay không còn phụ thuộc vào thiện chí thực sự của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đây cũng là một vấn đề của thị trường và các cơ quan quản lý không thể can thiệp.

Tuy nhiên, thị trường tuy khắc nghiệt nhưng cũng rất công bằng trong nhiều trường hợp. Những doanh nghiệp luôn chỉ chăm lo lợi ích của mình, không quan tâm chia sẻ với những khó khăn, vật lộn của khách hàng, đối tác và doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái mà chính mình đang cùng hoạt động và đang hưởng lợi từ chính hệ sinh thái đó, trong tương lai sẽ bị thị trường đòi hỏi lại để đảm bảo sự công bằng.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam. Ảnh: NVCC.

KTSG Online: Chính phủ có nên đề xuất với Quốc hội giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) với một số hàng hoá, dịch vụ trong bối cảnh dư địa tài khóa của Việt Nam ở mức thấp nhất trong khối các nước ASEAN-5?

– Tâm lực, trí lực và nguồn lực của chúng ta trong những tuần tới cần ưu tiên cho việc khống chế tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Làm tốt việc này sẽ tạo nền tảng và dư địa vô cùng lớn cho tăng trưởng vì thực tế kết quả khống chế dịch vừa qua tại Bắc Giang, Bắc Ninh chứng mình một điều rất rõ ràng, đó là dịch bệnh được khống chế đến đâu, dư địa tăng trưởng kinh tế được mở rộng đến đó.  

Trong bối cảnh hiện nay và ít nhất 1-2 quý tới, chúng ta nên sử dụng hết các dư địa tài khóa hiện có thay vì thiết kế những chính sách và đòi hỏi những dư địa mới.

Với đề xuất giảm thuế GTGT, việc này đòi hỏi phải sửa đổi một số nội dung tại Luật Thuế giá trị gia tăng, nhưng việc sửa đổi luật này trong bối cảnh hiện tại là khó khả thi.

Ngoài ra, cần xác định rõ việc giảm thuế có thể có tác động kích thích tiêu dùng, vì đây là sắc thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Nó không tạo ra tác động ngay lập tức và trực tiếp với doanh nghiệp – chủ thể có vai trò kê khai và nộp thuế thay. 

Vì vậy, việc thay đổi thuế suất thuế GTGT với một số hàng hoá, dịch vụ cần được xem xét từ góc độ điều hành kinh tế và phát triển doanh nghiệp trong trung hạn hơn là hỗ trợ ngay lập tức cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tôi cho rằng giải pháp tiếp tục gia hạn nộp thuế GTGT và thực hiện nhanh, hiệu quả công tác hoàn thuế GTGT sẽ tạo ra nhiều tác động trực tiếp với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.  

KTSG Online: Về phía các doanh nghiệp nên có sự thay đổi ra sao để thích ứng với bối cảnh mới?

– Số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể lớn và số lượng doanh nghiệp đăng ký mới cũng rất lớn cho thấy một sự tái cấu trúc mạnh mẽ đang diễn ra trong khu vực doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần thực hiện một số công việc để thích ứng với điều kiện thị trường đã thay đổi.

Thứ nhất, lãnh đạo doanh nghiệp phải tìm ra điểm yếu của doanh nghiệp mình và xây dựng mô hình kinh doanh, cách thức vận hành mới nhằm thích ứng với điều kiện mới.

Thứ hai, doanh nghiệp cần thay đổi thích nghi với bối cảnh mới, khi từ thị trường trong và ngoài nước đã thay đổi. Theo đó, các ứng dụng, công nghệ số được áp dụng nhiều hơn vào hoạt động quản trị, vận hành, sản xuất – kinh doanh nên hoạt động chuyển đổi số cần được đẩy mạnh.  

Thứ ba, phải có chiến lược ứng phó với rủi ro hiện hữu và dự phòng nguồn lực trước các rủi ro tiềm tàng trong tương lai. Đồng thời, tự nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và nhân sự.

Xin cảm ơn ông!

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Không nên…

https://www.thesaigontimes.vn/td/318759/khong-nen-tao-ganh-nang-chi-phi-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-trong-dich-covid-19.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *