Không phải bình đẳng là đàn bà hùng hổ như đàn ông

ThS Tâm lý Tô Nhi A/ Hồng Minh ghi/ Báo Pháp luật Tp.HCM

ThS Tâm lý Tô Nhi A cho rằng ông bà mình dạy một câu rất đúng và trúng là “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đó là sự phân công trách nhiệm dựa trên đặc tính giới.

Chị em nên đọc bài này. Tui thấy tới thế kỉ 21 rồi mà nhiều chị em vẫn nhầm lẫn bình đẳng với đồng đẳng, nhầm lẫn bình đẳng nam nữ tới mức coi bình đẳng như cuộc đấu tranh đòi nữ quyền thì thật là… tai hại. Rất nhiều khi gia đình lục đục, vợ chồng đánh lộn nhau cũng vì những nhầm lẫn tai hại nói trên.

Trần Quí Thanh 

———

“Nhiều cô gái cũng ra quán nhậu, nhậu nhẹt y như đàn ông tới nửa đêm và xem như chuyện bình thường. Điều này không những rất vô ích cho cuộc vận động bình quyền mà còn làm xấu đi hình ảnh nữ tính” – ThS tâm lý Tô Nhi A. 

Tôi cho rằng thời gian qua, công tác truyền thông bình đẳng giới đã góp phần rất tích cực đẩy lùi những bất công và định kiến giới. Tuy nhiên, trong nhận thức của người dân vẫn có những nhầm lẫn khá phổ biến.

Nhầm lẫn giữa bình đẳng và đồng đẳng

Bình đẳng là sự tạo điều kiện để cả hai giới thực hiện những nguyện vọng chính đáng trong cuộc sống của mình, để cả hai giới có cơ hội phát triển như nhau dựa trên những sự khác biệt giữa hai giới.

Nhưng nhiều người lại tưởng rằng bình đẳng là đồng đẳng, nghĩa là nam làm gì nữ cũng có thể và ngược lại. Vậy nên nhiều cô gái cũng ra quán, nhậu nhẹt y như đàn ông tới nửa đêm và xem như chuyện bình thường. Điều này không những rất vô ích cho cuộc vận động bình quyền mà còn làm xấu đi hình ảnh nữ tính, duyên dáng của các nàng.

Ngược lại, nhiều ông vì thấy vợ đòi “bình đẳng” cũng đã chia đôi việc cho vợ, để phụ nữ tự làm những việc như mang vác vật nặng, dắt xe lên xuống bậc thềm cao đòi hỏi sức mạnh cơ bắp của nam giới. Điều này không những bất công cho phụ nữ mà còn làm sứt mẻ hình ảnh mạnh mẽ trượng phu của các chàng.

Ông bà mình dạy một câu rất đúng và trúng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đó là sự phân công trách nhiệm dựa trên đặc tính giới. Đàn ông với sức vóc khỏe mạnh hơn thì đảm đương việc nặng nhọc hơn, phụ nữ khéo léo nữ tính hơn thì đảm trách việc sắp đặt cuộc sống ngăn nắp cho gia đình. Sự phân công hợp lý chính là sự bình đẳng giới.

Coi bình đẳng là cuộc đấu tranh “đòi nữ quyền” 

Đây có lẽ là nhầm lẫn phổ biến nhất. Có lẽ vì phụ nữ trong xã hội chúng ta còn bị nhiều định kiến giới nên khái niệm “bình đẳng giới” dễ bị biến thành cuộc đòi chuyển giao từ nam quyền sang nữ quyền.

Vì vậy, phụ nữ dễ so sánh cách cư xử giữa trai Tây và trai Việt, rồi đòi các anh phải tôn trọng phụ nữ, ga lăng với phụ nữ theo chuẩn trai Tây. Điều này mới chỉ đúng một nửa. Bởi nhiều chị chỉ đòi đàn ông thay đổi chứ bản thân các chị không chịu thay đổi. Nghĩa là các chị vẫn nằm lòng câu “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” chứ không tự tin vào giá trị của chính bản thân. Nếu vì lý do gì đó, các chị phải cáng đáng làm đầu tàu kinh tế trong gia đình, nhiều người rất dễ quay ra coi thường chồng, phủ nhận giá trị của chồng.

Cũng vì cả hai giới đều lúng túng trước cuộc đấu tranh đòi nữ quyền, mà nhiều giá trị từ phương Tây được vay mượn và áp dụng lung tung. Đàn ông vẫn ít động viên vợ phấn đấu thăng tiến ngoài xã hội, thậm chí cản trở. Phụ nữ dễ coi thường chồng khi anh mất vai trò trụ cột kinh tế gia đình.

Thực ra, người nào làm việc gì giỏi hơn thì người kia hết lòng hỗ trợ và cả hai tôn trọng nhau, đó mới là bình đẳng. 

 

Theo Báo Pháp luật Tp HCM

Link bài: Không phải bình đẳng là đàn bà hùng hổ như đàn ông

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *