Không tạo ra được sản phẩm thì tinh thần khởi nghiệp cao chẳng có ích gì!

Trần Quí Thanh 

Nguồn hình: dangcongsan.vn

—–

Kính gửi anh Quí Thanh, 

Dạ thưa anh, tui rất bất ngờ vì anh đã trả lời rất nhanh câu hỏi của tui. Cảm ơn anh nhiều lắm nhen. 

Phấn khởi nên thừa thắng xông lên hỏi anh thêm câu nữa. Dạ đọc báo thấy nói Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, nhưng khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng.” Thiệt buồn anh Thanh ạ. Theo anh nguyên nhân chính là vì sao?

Chúc anh vạn an

Nguyễn Kim Hoàn (Sài Gòn): kimhoansaigon1953@gmail.com

—–

Chị Nguyễn Kim Hoàn mến!

Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, cái gọi là tinh thần hay ý chí là hết sức trừu tượng. Từ cái trừu tượng đến hành động để hiện thực hóa thành một giá trị cụ thể là chặng đường rất xa.

Cũng giống như trong cuộc chạy marathon, có những vận động viên được đánh giá là có tinh thần hay ý chí chiến thắng cao, nhưng thuộc nhóm cuối về đích thì cái tinh thần cao đó phỏng có ích gì.

Chưa kể, làm sao đo được “tinh thần khởi nghiệp” để  biết là cao hay thấp. Cho nên, xét cho cùng, sự đánh giá về “tinh thần cao” chỉ là cách nói khuyến khích, động viên mà thôi. Quốc gia nào có được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra được những sản phẩm công nghệ đóng góp vào nền kinh tế đất nước, quốc gia đó mới thực sự thành công trong khởi nghiệp, và đó cũng chính là sự minh chứng cho tinh thần khởi nghiệp cao. Không có sản phẩm, nói gì cũng vô ích.

Theo tôi, quốc gia nào cũng có những con người khởi nghiệp, nhưng họ thành công, hiện thực được các ý tưởng sáng tạo là nhờ họ thông minh, chăm chỉ làm việc và xây dựng được hệ sinh thái cho khởi nghiệp có chất lượng cao.

Hệ sinh thái chất lượng cao chính là ở đó có nhiều chủ thể khác nhau, gồm các start up, nhà đầu tư, chính quyền, các cơ quan quản lý, các cơ quan pháp lý, hệ thống pháp lý, ngân hàng, nhà khoa học, trường, viện…Các chủ thể này liên kết, kết nối, phát huy tối đa năng lực để hỗ trợ nhau, thúc đẩy sự phát triển cho cộng đồng khởi nghiệp để tạo ra giá trị, hiện thực hóa các ý tưởng bằng sản phẩm cụ thể.

Tôi đưa ra những sự liên kết hỗ trợ cụ thể để chị hình dung nhé.

Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, có ý tưởng sáng tạo, nhưng không có kinh nghiệm quản lý, cần phải có sự hỗ trợ.

Ý tưởng ban đầu chưa hẳn đã chín muồi, cần đến sự tư vấn, bổ sung từ các nhà khoa học, cơ quan khoa học.

Các bạn trẻ khởi nghiệp đương nhiên thiếu vốn, vậy thì phải vay ngân hàng, hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư tham gia góp vốn.

Khởi nghiệp cần miễn giảm thuế, lệ phí đất, các cơ quan quản lý là chủ thể thực hiện sự hỗ trợ này.

Để thực hiện các hoạt động cho vay, đầu tư vốn đều cần có các quy định pháp luật cụ thể. Các nhà đầu tư yên tâm góp vốn, ngân hàng có căn cứ cho vay, cơ quan nhà nước có căn cứ để miễn giảm thuế hay các loại phí khác.

Và như chị biết đấy, để có được một đạo luật đi vào cuộc sống cần có nhiều thời gian, từ cơ quan soạn thảo cho đến thẩm định, đưa ra Quốc hội thảo luận, thông qua.

Cho đến hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam dù có hình thành cũng không thể có chất lượng cao. Và đó cũng là nguyên nhân chúng ta thuộc nhóm “có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới” nhưng khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thuộc nhóm cuối cùng.

Vậy chị nhé,  chị cứ viết thư thảo luận cùng tôi nhé.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *