Kỹ sư kiếm hàng trăm triệu từ nước nhuộm màu cho hoa

Dù đã xuất hiện từ lâu, trào lưu dùng hoa nhuộm gần đây mới nở rộ ở Việt Nam. Ban đầu, giá của dòng hoa nhuộm này khá đắt vì chỉ có hàng ngoại nhập. Song gần đây, thị trường này phát triển đại chúng hơn nhờ khả năng nội địa hóa từ hoa đến thuốc nhuộm. Người đứng sau giải pháp nhuộm màu hoa này là một kỹ sư điện tử đến từ một công ty về xử lý nước.

Anh là Lê Trung Hiếu, nhà sáng chế và sáng lập Công ty thiết bị xử lý nước công nghệ cao EWater, doanh nghiệp khoa học công nghệ thứ 41 của TP HCM.

Tốt nghiệp kỹ sư điện tử trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, năm 2016, Hiếu khởi sự kinh doanh sau 20 năm đi làm. Bắt đầu bằng việc phát triển thiết bị xử lý nước cáu cặn điện tử, 6 năm qua, anh làm thêm các thiết bị mới xử lý nước bằng trường điện tử, điện phân ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp và các tòa nhà, trung tâm thương mại.

Nhiều công trình lớn như Landmark 81, Sân bay Vân Đồn, nhà máy của Masan, VinFast có sử dụng các giải pháp xử lý nước của anh. “Tôi cũng bán được hơn 1.500 thiết bị dùng xử lý nước nấu cơm, tắm giặt cho quân đội, nhất là ở vùng biên phòng hải đảo để không cần dùng hoá chất nữa”, anh kể.

z3251932688070-6502d66896e71d3-2567-9129
Anh Lê Trung Hiếu bên các mẫu hoa nhuộm. Ảnh nhân vật cung cấp

Kỹ sư xử lý nước đến với ngành hoa một cách rất tình cờ. Năm 2019, anh đi nghỉ mát tại Đà Lạt và thấy nhiều hoa bị bỏ đi vì mau tàn, Anh nghĩ đến việc phát triển dòng nước dinh dưỡng giúp hoa tươi lâu.

Cộng tác nghiên cứu với hai sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TP HCM và đối tác Nhật Bản, qua gần 1.000 thí nghiệm, anh phát triển được loại nước giúp hoa tươi đến 20 ngày dựa vào công nghệ nước từ trường cùng ion đồng và gia công sản phẩm này cho một thương hiệu nội địa.

Cơ duyên thứ hai xuất phát từ một bài tập thí nghiệm môn sinh học lớp sáu của con. Tụi nhỏ được giao nhuộm màu cho hoa bằng màu thực phẩm, nhưng không đạt kết quả. “Một số em học sinh khác giải bài tập này bằng cách dùng màu mực của bút lông nhưng cũng không thành công”, anh kể.

Năm ngoái, trong cao điểm phong tỏa vì dịch Covid, công việc xử lý nước cho các toà nhà, trung tâm thương mại của anh bị ảnh hưởng. Nhân lúc “thất nghiệp”, anh quyết định bắt tay thực hiện ý tưởng để hoàn thành “bài tập” lớp 6.

Tìm hiểu kỹ hơn về thị trường này, anh nhận thấy cơ hội khi chưa có nhà cung cấp nội địa nào về dung dịch nhuộm màu hoa. Thị trường chỉ có thuốc nhập từ Mỹ và Israel với giá cao, khiến hoa nhuộm ra cũng là hàng đắt đỏ.

“Không chuyên ngành sinh, hóa nên tôi phải tìm hiểu rất nhiều, thử đi thử lại liên tục. Cứ không biết thì đi hỏi các kỹ sư hóa và thầy cô, từ giảng viên đại học đến cấp 3”, anh kể lại.

Đến khi có một chút thành quả, nhóm của anh mang thuốc ra chợ đầu mối Bình Điền nhuộm thử cho tiểu thương xem nhưng họ cũng không mặn mà. “Lần khác đi chào giải pháp ở một shop hoa thì ra màu không đều, ông chủ nhăn mặt”, anh nhớ lại.

Cuối cùng, đội ngũ anh cũng thí nghiệm nhuộm thành công trên cúc mẫu đơn cho Langbiang Farm. Cơ hội kinh doanh từ đó mở ra. “Giờ tôi bán cho công ty này khoảng 1.000 lít mỗi tháng”, anh nói.

Chính thức sản xuất và kinh doanh mới từ đầu năm 2022, anh gặp thuận lợi đúng lúc trào lưu hoa nhuộm thịnh hành. “Thị trường hoa nhuộm màu đã có từ lâu nhưng không đáng kể. Đến khi dịch nổ ra thì mới thịnh hành”, anh nói. Theo anh Hiếu, lý do có thể từ việc hoa cúc trắng bị ế khi xuất khẩu mùa dịch nên nhà kinh doanh nhuộm chúng để mở rộng phân khúc tiêu thụ trong nước. Cúc và các loại hoa thân xốp khác như hồng, đồng tiền lại vốn là những loại dễ nhuộm.

Nhờ nhu cầu cao và là doanh nghiệp nội địa duy nhất cung cấp dung dịch nhuộm màu hoa với giá rẻ hơn hàng nhập, công ty anh Hiếu nhanh chóng chinh phục được thị trường. Mỗi tháng, doanh số sản phẩm này của công ty anh từ 200-300 triệu đồng. Theo một đại lý lớn về hoa ở TP HCM, dùng hàng nội chi phí nhuộm một bó 10 hoa chỉ tốn 1.000 đồng so với 3.000 đồng nếu dùng thuốc nhập.

Ông Trần Công Nghĩa, Giám đốc công ty Hương Farm cho biết việc nhuộm màu hoa vốn đã được các nghệ nhân cắm hoa làm đã lâu nhưng chất lượng không cao, nhuộm hoa không đẹp, và thời gian nhuộm rất lâu với 12 giờ trở lên, nên không thể thương mại hóa.

Nước nhuộm màu hoa là thị trường ngách chủ yếu phục vụ bộ phận khách hàng cụ thể, chủ yếu nhuộm hoa trắng nên không đủ hấp dẫn cho các công ty lớn nhảy vào. Còn các công ty nhỏ cũng không đủ khả năng vừa tự nghiên cứu và sản xuất. “Phía anh Hiếu có lợi thế là sẵn công nghệ nước từ trường và đã thành công với nước cắm hoa rồi”, ông Nghĩa nhận định.

Còn theo chị Trần Ngọc Thanh Trúc, Trưởng phòng kinh doanh Phụ kiện Hoa Tâm Đỉnh, nước nhuộm màu hoa chưa được nghiên cứu sản xuất ở Việt Nam trước đây do là ngành đặc thù cần kết hợp nhiều kiến thức khác nhau, chi phí đầu tư và nghiên cứu lớn khiến nhiều người từng thất bại. Trong khi đó, kỹ thuật nhuộm là bí quyết kinh doanh, nên các công ty hoa lớn không chuyển giao cho Việt Nam.

“Để nghiên cứu thành công nước nhuộm màu hoa cần một người nhìn nhận được nhu cầu thị trường, có kiến thức kết hợp về nước, sinh học, hóa học, vật lý, và anh Nghiên cứu thử nghiệm cũng mất nhiều thời gian do hoa lên màu rất lâu. Sản phẩm này được nghiên cứu trong giai TP HCM giãn cách xem như một điều kiện thuận lợi cho anh Hiếu”, chị Trúc cho hay.

Hiện tại, công ty anh vừa gia công cho một thương hiệu màu nhuộm hoa và tự lập riêng thương hiệu mới, với hai phân khúc khách hàng. Sản phẩm gia công chuyên bán cho những shop hoa nhỏ lẻ, là dung dịch ngâm hoa nhuộm ngay.

Trong khi, thương hiệu của anh là dòng sản phẩm đậm đặc, cần pha nước, dùng cho các cửa hàng, nhà cung cấp hoa lớn. “Từ các nguồn thông tin trong ngành, tôi ước tính mình có thể đã chiếm được khoảng 50% thị phần. Thị trường này rất nhỏ, chỉ có khoảng 10 công ty lớn thì 4 công ty đã dùng sản phẩm của tôi “, anh nói.

Ông Võ Xuân Phước, một chuyên gia về hoa tại Đà Lạt, đánh giá thị trường hoa nhuộm tại Việt Nam phát triển trong 5 năm trở lại đây với con số tăng trưởng trên 30% mỗi năm. Đây là cơ hội lớn cho sản phẩm nước nhuộm hoa trong nước.

“Trong những năm gần đây, nhiều giống hoa cúc trắng mới đã được trồng tại Đà Lạt. Ngoài xuất khẩu, hoa trắng còn là nguyên liệu đầu vào để nhuộm màu, tăng giá trị cho cây hoa thêm 15-30%”, ông Phước nhận định.

Thời gian tới, Lê Trung Hiếu còn nhắm đến thị trường xuất khẩu, trước mắt là Malaysia và Singapore vì ở châu Á ít có nhà cung cấp sản phẩm, trừ Nhật Bản với Israel có giá cao. Malaysia lại đang trồng cúc mẫu đơn, nhập màu Mỹ về nhuộm và bán cho Việt Nam rất nhiều.

Ngoài ra, anh còn đang phát triển bộ dụng cụ thí nghiệm nhuộm màu hoa cho học sinh. Anh đang đi tặng những bộ mẫu cho các trường để phát triển thị trường trước khi thương mại hóa chính thức.

“Những bộ dụng cụ tương tự này của Mỹ thì bán ở Việt Nam là màu và hoa giả bằng giấy trong khi mình sẽ cho học sinh thí nghiệm với hoa thật”, anh nói.

Hiếu cho rằng sẽ khó có đối thủ mới nội địa để cạnh tranh. Theo anh, dù ai cũng biết là dùng màu thực phẩm và nước từ trường nhưng vẫn chẳng dễ làm được. Họ cũng mất hai năm hoàn thiện công thức và thứ hai là có lợi thế giá thành vì chính công ty sản xuất ra cả thiết bị để làm nước từ trường.

“Tôi đã chọn con đường khó và không ai đi để làm, vì đường dễ dàng là con đường đi xuống dốc”, anh nói.

Nguồn: https://ndh.vn/lam-giau/ky-su-kiem-hang-tram-trieu-tu-nuoc-nhuom-mau-cho-hoa-1311995.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *