Làm marketing phải luôn giữ gìn ngọn lửa đam mê và sáng tạo không ngừng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Thekyso.net

Kính gửi chú Dr Thanh,

Trước hết kính chúc chú và cô Nụ muôn vàn vui khoẻ. Cả nhà cháu vẫn đọc blog chú đều đều vì nhà cháu cũng na ná như nhà chú: Ba mẹ lập công ty, vị trí phó giao cho hai đứa con gái. Cháu phụ trách marketing. Làm CMO 10 năm rồi mà vẫn bị ba mắng hoài chú à. Vì vậy  cháu gởi thơ nay xin chú giúp cháu một câu thôi: Chìa khoá căn bản để một CMO giỏi?

Giúp cháu với chú nha!

Kính chú

Lê Minh Hoài (Sài Gòn): hoaihamtido@gmail.com

—–

Lê Minh Hoài mến!

Chú nhận được nhiều thư hỏi về nội dung giống như của cháu, làm CMO (Chief Marketing Officer) nhưng thiếu tự tin, nhất là trong một thị trường quá nhiều biến động như hiện nay.

CMO giữ vị trí rất quan trọng trong doanh nghiệp, thực hiện quản trị các hoạt động quảng bá doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh và các hoạt động thương mại. Đặc biệt, CMO là chiến lược gia vạch ra và thực hiện các chiến dịch marketing, đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp.

Chú không phải là một chuyên gia marketing, nhưng với kinh nghiệm làm chủ doanh nghiệp mấy chục năm qua, chú rút ra những điều căn bản, cháu tham khảo nhé.

Trước hết là tập hợp được một đội ngũ chuyên viên có nghề. Một dây chuyền sản xuất bao nhiêu sản phẩm/giờ, có thể đong đếm được. Còn sản phẩm marketing trừu tượng, thước đo hiệu quả cũng không bằng con số cụ thể. Cho nên, nhân viên marketing phải có chuyên môn, hay chính xác hơn là chuyên nghiệp mới “cụ thể hóa” một công việc trừu tượng.

Thứ hai là giữ gìn ngọn lửa đam mê và sáng tạo không ngừng. Thế giới thay đổi nhanh bởi tác động của nhiều thứ, trong đó chủ yếu là thành tựu của công nghệ. Tận dụng, khai thác tối đa công nghệ để thực hiện các sản phẩm marketing hiệu quả. Làm marketing phải có sự đam mê, luôn nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo. Đưa ra một nhãn hiệu mới, một sản phẩm mới là tìm thấy được niềm hạnh phúc như sinh nở một đứa con tinh thần. Trên thực tế, có nhiều CMO không đi theo lối mòn cũ, mà đưa ra các chiến dịch quảng bá thương hiệu độc đáo, gây ấn tượng. Chú xin lấy ví dụ của Tân Hiệp Phát, cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” của Trần Uyên Phương, con gái chú, ngoài ý nghĩa của một tác phẩm phân tích về kinh tế, còn là một sản phẩm marketing đột phá, đầy sáng tạo.

Thứ ba là năng lực phối hợp hoạt động. Trong một doanh nghiệp có nhiều bộ phận, như sản xuất, truyền thông, thương mại, tài chính, công nghệ…CMO phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các phòng ban khác trong công ty, nắm vững thông tin, phân tích khoa học để đưa ra các kế hoạch, chương trình, sản phẩm marketing hiệu quả. Một CMO không tương tác được với CEO, CFO, CTO, CCO, CPO…thì sẽ thất bại, trước sau cũng ra đi.

Chúc cháu thành công trong vai trò của một CMO nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *