Nguyễn Quốc Vương/ Báo NĐT
Khi học online, sự “bất bình đẳng” về cơ hội giáo dục đã bộc lộ rõ khi có nhiều học sinh không có được phòng học riêng yên tĩnh vì gia đình sống trong nhà trọ chật chội. Giáo viên sẽ khó hướng dẫn học sinh học được gì khác ngoài các tri thức nằm trong sách giáo khoa…
Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn việc học tập của học sinh toàn cầu. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi năm học mới bắt đầu hơn một tháng mà học sinh nhiều địa phương vẫn không thể tới trường. Không được tới trường là một thiệt thòi lớn đối với học sinh vì trường học không chỉ là nơi học sinh tới đó học các kiến thức khoa học. Nói như J. Dewey, trường học còn chính là cuộc sống để học sinh trải nghiệm, xã hội hóa cá nhân.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn phải tiếp tục và việc học của học sinh không thể ngừng lại. Cho nên học online đã trở thành giải pháp vừa là chữa cháy, vừa là giải pháp thay thế khả dĩ nhất. Song, học online trên diện rộng khi chưa có hạ tầng, sự huấn luyện, chuẩn bị kỹ nên cả giáo viên, học sinh, gia đình, nhà trường đều vấp phải nhiều khó khăn và lúng túng. Làm sao để học online hiệu quả là câu hỏi lớn. Xuất phát từ những gì quan sát được ở xung quanh và trải nghiệm của chính gia đình mình, tôi sẽ đưa ra đôi điều suy nghĩ góp phần giải đáp câu hỏi này.
Chọn lựa thời gian học tập thích hợp
Khi học tập ở trường học bình thường, học sinh phải đến trường theo một lịch học cố định và các giờ học thường diễn ra trong giờ hành chính. Điều này tạo ra một thuận lợi là sau khi cha mẹ đưa trẻ tới trường và được nhà trường tiếp nhận thì mọi việc đã được giải quyết xong. Cha mẹ có thể đi làm và chờ đón trẻ khi tan học. Nhưng khi trẻ học online mọi sự sẽ khác.
Đối với học sinh lớp 4, lớp 5 trở lên, có thể trẻ sẽ học online một mình để cha mẹ đi làm hoặc làm việc ở nhà trong phòng khác. Nhưng với trẻ nhỏ, đặc biệt là lớp 1, lớp 2, điều này không thể. Trẻ chưa thể sử dụng thành thạo máy móc như điện thoại, máy tính, iPad cũng như mạng internet. Hơn nữa, tất cả các thiết bị này đều dùng điện vì vậy mối nguy hiểm cũng lớn. Trên thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn đau lòng khi trẻ tự mình thao tác với các thiết bị này. Nói chung trẻ học các lớp nhỏ ở bậc tiểu học sẽ cần người lớn ngồi ở gần để giúp đỡ khi cần.
Nhiều địa phương cho phép cha mẹ đi làm trong khi trẻ chưa được đến trường. Nhiều cha mẹ khác vẫn phải làm việc ở nhà, cho nên việc con học online vào thời gian nào trở thành vấn đề lớn. Nếu nhà có 2, 3 đứa con học online cần trợ giúp mà cha mẹ phải đi làm hay phải làm việc online ở nhà thì sẽ rất bất tiện. Chính vì vậy, khi tổ chức dạy học online nhà trường cần điều tra hoặc có kế hoạch cẩn thận để chọn khung thời gian và thời lượng dạy thích hợp.
Con trai tôi học lớp 1 tại một trường công lập ở Hà Nội. Từ khi khai giảng đến nay toàn bộ hoạt động học tập diễn ra trên mạng. Về mặt thời gian và thời lượng, tôi thấy nhà trường bố trí tương đối hợp lý. Mỗi tuần học sinh lớp 1 học 2 rồi gần đây lên 3 buổi/tuần. Mỗi buổi 1,5 tiếng có giải lao ít phút. Thời gian học diễn ra vào buổi tối trong khung giờ từ 18g30 tới 20g30. Trong khung giờ này, hầu hết phụ huynh đều đã xong việc. Học sinh cũng có thể ăn tối xong. Nhờ vậy cha mẹ có thể hỗ trợ con tối đa, giúp cho trẻ yên tâm và việc học diễn ra an toàn. Giáo viên chủ yếu dạy môn toán và tiếng Việt. Các môn học khác thì cô gửi video và hướng dẫn để cha mẹ có thể giúp trẻ học.
Có được không gian học tập online thuận lợi
Có một điểm bất lợi cho nhiều học sinh khi phải học online là không được tiếp cận một cách công bằng “không gian học tập”. Khi học trực tiếp tại trường, về cơ bản tất cả học sinh, bất chấp hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế đều được hòa mình vào một không gian như nhau. Trường học khi đó đóng vai trò điều hòa và xóa đi các khoảng cách mà hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế tạo ra.
Tuy nhiên khi học online, sự “bất bình đẳng” về cơ hội giáo dục đã bộc lộ rõ khi có nhiều học sinh không có được phòng học riêng yên tĩnh vì gia đình sống trong nhà trọ chật chội. Trong quá trình học cùng con tôi đã trực tiếp thấy điều đó ở một số gia đình học sinh. Khi không gian không bảo đảm, học sinh dễ bị phân tâm bởi tiếng ồn, tiếng tivi, sinh hoạt của người trong gia đình. Những tín hiệu nhiễu đó làm cho trẻ thiếu tập trung, dễ bị phân tâm, nhất là học sinh lớp 1. Để trẻ học tập trung, cần tạo cho trẻ không gian yên tĩnh.
Gia đình tôi cũng sống trong một chung cư không rộng rãi mấy, nhà lại đông con vì vậy mỗi khi con trai học, tôi phải nghĩ cách cho hai đứa trẻ còn lại chơi trò gì đó ở phòng khác để khỏi gây ồn. Chất lượng đường truyền internet và phương tiện được sử dụng để học là máy tính, điện thoại hay iPad, tivi kết nối internet cũng là một vấn đề lớn tạo ra khoảng cách giữa các gia đình học sinh. Khi nhìn vào khoảng cách giữa các gia đình trong khả năng bố trí không gian thích hợp dành cho việc học online của con, ta có thể hình dung khoảng cách xã hội tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục đang lớn lên thế nào trên bình diện quốc gia.
Tối ưu hóa học tại bàn và đa dạng hóa học trong không gian khác
Khi lượng tri thức được tạo ra mỗi ngày một tăng và thay đổi liên tục với gia tốc ngày càng nhanh, một cách tất yếu xã hội học tập sẽ hình thành và đòi hỏi tất cả các cá nhân sống trong xã hội đó phải học tập suốt đời.
Trong xã hội học tập này, nhiều phương thức học tập sẽ song song tồn tại. Học tập từ xa, tự học sẽ ngày một đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đối với học sinh, việc học tập trực tiếp tại trường là rất khó thay thế vì trường học không chỉ thuần túy là nơi giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu tri thức khoa học mà còn là nơi học sinh trải nghiệm đời sống và học hỏi các kỹ năng xã hội cần thiết để xã hội hóa cá nhân thành công dân. Khi dạy học online với điều kiện và mức độ ứng dụng hiện tại của Việt Nam, giáo viên sẽ khó hướng dẫn học sinh học được gì khác ngoài các tri thức nằm trong sách giáo khoa. Những môn học đòi hỏi sự tương tác trực tiếp rất cao như tự nhiên và xã hội, khoa học, đạo đức… rất khó phát huy được vai trò nếu việc học chỉ thuần túy diễn ra online và “tại bàn”.
Điều đó có nghĩa là việc học của học sinh cho dù diễn ra online và tại nhà cũng không nên chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngồi học cùng giáo viên và chỉ thông qua “ngôn ngữ”. Trong thời gian trẻ học cùng giáo viên tại bàn qua mạng, cần tập trung tối đa để tối ưu hóa thời gian này. Tuy nhiên, ngoài thời gian đó thì cần giúp trẻ học tập thông qua trải nghiệm đời sống với các tình huống cụ thể, trong đó có các hoạt động như vui chơi, giải trí. Để học đọc, học các con số, trẻ không nhất thiết phải ngồi vào bàn học và mở sách giáo khoa ra. Cha mẹ có thể vừa vui chơi với con, vừa có thể hướng dẫn con học đọc, học số, học tính toán. Các giáo cụ khi đó có thể chính là các vật dụng dùng để chơi như quân cờ, các tấm thẻ, những miếng lego, các cuốn sách tranh…
Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ thực hành các tri thức học được từ bài giảng của cô và sách giáo khoa khi cho trẻ làm việc nhà, tương tác với các người thân trong gia đình. Chẳng hạn như những bài học về đạo đức, tự nhiên và xã hội ở lớp 1 hầu hết đều có liên quan đến không gian gia đình, vì vậy hoàn toàn có thể thực hành ngay. Tôi và vợ cũng sử dụng cách này để hướng dẫn con thay vì ngồi cùng con đọc sách giáo khoa và giảng giải thuần túy.
Việc hướng dẫn cho trẻ học một cách tự nhiên trong nhiều không gian đa dạng với nhiều tình huống thực tiễn sẽ giúp trẻ dần nhận ra mối quan hệ gắn bó giữa thông tin, tri thức và thực tiễn. Trẻ sẽ cảm nhận được bằng cảm giác thực tế chuyện có hiểu biết sẽ giúp con người hành động hợp lý hơn như thế nào. Thông qua cách học này trẻ cũng sẽ rèn luyện được ý thức và thói quen tự học, tự suy nghĩ, tự phát hiện vấn đề và tìm cách giải quyết nó độc lập trong khi vẫn tận dụng sự giúp đỡ của người khác khi cần thiết.
Về lâu dài, chiến lược cho trẻ học kết hợp giữa online và trực tiếp, trong các không gian thực tế sẽ là một chiến lược hợp lý khi xã hội ngày càng biến đổi nhanh và đòi hỏi người học phải có một nền tảng văn hóa vừa rộng vừa sâu.
NGUỒN: Theo Báo Người Đô Thị
Link bài: Làm thế nào…
https://nguoidothi.net.vn/lam-