Trần Quí Thanh
—–
Thưa chú,
Nhà cháu ở sát THP, ngày ngày thấy chú vào ra công ty, vậy mà tới giờ cháu mới phát hiện ra blog của chú, hi hi.
Khoe với chú, cháu cũng là một CEO đó, nhưng mà CEO tí hon à. Cháu email hỏi chú một câu hỏi nha chú: CEO cần làm sao để tạo dựng niềm tin trong doanh nghiêp của mình?
Mong chú trả lời cháu.
Kính chú
Lê Hoài Ân ( Bình Dương): annhonhung17@gmail.com
—–
Lê Hoài Ân mến!
CEO tí hon cũng là CEO, làm nhỏ rồi sẽ làm lớn, phải không cháu. Mà muốn lớn được thì mình phải học hỏi, rèn luyện bản thân thật nhiều. Chú có được Tân Hiệp Phát hôm nay nhờ trải qua nhiều chặng đường chông gai, không có sự thành công nào dễ dàng.
Một CEO mà không tạo được niềm tin trong doanh nghiệp thì thất bại là cái chắc, cho nên khoan nói gì đến trình độ chuyên môn, mà hãy nói đến khả năng tập hợp con người, gắn kết đồng nghiệp và tìm sự ủng hộ tối đa ở nơi họ. Đó chính là niềm tin.
Cháu học lịch sử nước nhà, sẽ thấy các nhà lãnh đạo tập hợp được lực lượng là nhờ họ tạo được niềm tin. Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn và đi đến cuộc kháng Minh thắng lợi là do có sức mạnh của nhân dân, Lê Lợi có được nhân dân là vì ông đã tạo được niềm tin.
Quy luật này được vận dụng ở tất cả các môi trường khác, nơi có thủ lĩnh và thuộc cấp, trong cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức.
CEO là người lãnh đạo doanh nghiệp, muốn cấp dưới, đồng nghiệp tin thì một CEO phải có cốt cách, phong độ và tầm vóc của một nhà lãnh đạo đúng nghĩa. Người lãnh đạo phải gần gũi với mọi người, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng người, “xa rời quần chúng” thì không thể được lòng quần chúng, là quan liêu.
Là nhà lãnh đạo, thì không thể dễ dàng nóng giận, lấy cảm xúc cá nhân thay cho lý trí. Trước một sự việc bất lợi hay khủng hoảng xảy ra, người lãnh đạo trước hết không được loạn. Lãnh đạo mà loạn thì làm sao giữ vững được đội hình, kỷ cương, lãnh đạo mà loạn thì còn ai không loạn. Chính bản lĩnh, sự tự tin của người lãnh đạo trước các biến cố sẽ đem đến niềm tin cho mọi người.
Cháu là dân kinh doanh, chắc hiểu rõ khủng hoảng của Tân Hiệp Phát trong vụ con ruồi. Đối thủ cạnh tranh đã mưu hại, rồi lợi dụng mạng xã hội, đám đông hòng giết chết Tân Hiệp Phát. Lúc đó, gần như thiên hạ muốn vùi Tân Hiệp Phát xuống đáy, nếu như chú không đủ bản lĩnh, không có niềm tin vào bản thân và các cộng sự, thì làm sao giữ vững tinh thần cho toàn công ty. Sau khủng hoảng đó, mọi người tin vào chú hơn và tin vào sức mạnh của Tân Hiệp Phát hơn.
Nhưng đó là kỹ năng xử lý khủng hoảng từ bên ngoài, có những khủng hoảng, xung đột từ bên trong, đòi hỏi một CEO phải bình tĩnh, sáng suốt giải quyết, hạn chế tối đa thiệt hại.
Thêm một yếu tố nữa, đã là lãnh đạo thì phải công tâm, công bằng, thưởng phạt phân minh. CEO mà yêu ghét thất thường, nay nghe người này, mai nghe người khác, những dèm pha vô lối, thì chẳng ai tin mình được. Công tâm, sáng suốt chưa đủ, biết dùng lời lẽ, hành vi, thái độ, cách cư xử được lòng người, tóm lại là “đắc nhân tâm”. Còn “đắc nhân tâm” là thế nào lại là một câu chuyện khác.
Làm CEO không dễ là vậy đó cháu.
Chúc cháu thành công
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)