Loại bỏ người cơ hội, xu nịnh

Lê Kiên/ Báo Tuổi Trẻ 

Loại bỏ những người cơ hội, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, mất đoàn kết trước hết là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong hiệp thương, đề cử.

Không được để lọt người cơ hội, xu nịnh, quan liêu, kiêu ngạo, mất đoàn kết… vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, là một trong những nội dung được Bộ Chính trị chỉ thị tới các cấp ủy Đảng, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hiệp thương, lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Yêu cầu nêu trên hẳn là xuất phát từ tình hình thực tế hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử các giai đoạn vừa qua, trong đó có tình trạng “để lọt” những người cơ hội, xu nịnh, thậm chí vi phạm pháp luật vào vị trí đại diện cho nhân dân. 

Chỉ tính riêng hoạt động của Quốc hội hai nhiệm kỳ gần đây đã có những đại biểu bị bãi nhiệm, có trường hợp không được thừa nhận tư cách đại biểu Quốc hội mặc dù đã bầu “trúng”. 

Đáng chú ý, có những trường hợp được cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe nhưng trước đó đã bị cơ quan có thẩm quyền của Đảng xử lý cảnh cáo, bản thân người đó cũng để lại dư luận không tốt.

Tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đã được luật quy định rất rõ từ phẩm hạnh đến trình độ. Thực tế cho thấy những đại biểu bị bãi nhiệm đều là người có trình độ cao, là doanh nhân thành đạt hoặc giữ chức vụ. Trong quá trình hiệp thương, vận động bầu cử họ cũng đưa ra chương trình hành động, những lời hứa hấp dẫn.

Nhưng khi những việc họ làm trong bóng tối bị lộ diện, thì con người thật mới hiện ra cho dư luận, cử tri thấy rõ sự cơ hội, vị kỷ. Người dân có thể tin tưởng vào một vị đại diện của mình ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất được không khi mà vị đó đã tìm kiếm tấm hộ chiếu mới để được làm công dân của một quốc gia khác?

Một vị quan đầu tỉnh làm đại biểu Quốc hội có thể chí công vô tư được không, khi trong quá khứ đã từng ký những văn bản có lợi cho doanh nghiệp gia đình?

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử ngày 21-1, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng việc lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài xứng tầm với nhiệm vụ giai đoạn tới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi năng lực của họ sẽ quyết định thành bại mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, hướng tới 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn 100 năm thành lập nước.

Lại nhớ đến lời Hồ Chủ tịch trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946): “Tổng tuyển cử là một dịp để cho toàn thể nhân dân tự do lựa chọn ra những người có tài, có đức để gánh công việc nước nhà… Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Loại bỏ những người cơ hội, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, mất đoàn kết trước hết là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong hiệp thương, đề cử. Đồng thời, phải phát huy một cách thực chất vai trò của nhân dân trong việc giám sát, yêu cầu giải trình đối với người tham gia ứng cử; trước hết là phát huy dân chủ của quần chúng nhân dân tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, khu dân cư của những người ứng cử.

 

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Loại bỏ…

https://tuoitre.vn/loai-bo-nguoi-co-hoi-xu-ninh-20210123074344268.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *