Love and War

Jesse Peterson/ Báo TTCT
Thật sự tôi không hiểu tại sao mình phải mua hoa tặng vợ. Vì đối với một đứa trẻ 6 tuổi thì tiền là một thứ xa xỉ, thế nên tại sao tôi lại phải hi sinh tiền của mình để mua một thứ không ăn được cho đứa nào tên là “vợ” chứ?
t

“All is fair in love and war”

– John Lyly, 1579 –

Tôi thật sự không hiểu hết ý nghĩa của câu này lúc còn trẻ, khi đó tôi chỉ nghĩ đơn giản:

– “Tên John này đúng là thằng lừa đảo mà! Có lẽ hắn còn không hiểu mình đang viết gì. Câu này thậm chí chẳng có ý nghĩa gì hết”.

Nhớ lúc tôi còn 6 tuổi, có lần tôi nghe thấy bố mẹ đang nói chuyện, có vẻ như là cãi nhau, nhưng khi đó tôi còn quá nhỏ để nhận biết đó chỉ là một cuộc trò chuyện thông thường hay một trận cãi vã. Cuối ngày hôm đó, mẹ bảo tôi:

– “Con trai, con phải nhớ rằng đến khi nào trưởng thành và lấy vợ, con nhất định phải mua hoa hồng tặng vợ nhé”.

Tôi gật đầu. Nhưng thật sự tôi không hiểu tại sao mình phải mua hoa tặng vợ. Vì đối với một đứa trẻ 6 tuổi thì tiền là một thứ xa xỉ, thế nên tại sao tôi lại phải hi sinh tiền của mình để mua một thứ không ăn được cho đứa nào tên là “vợ” chứ.

– “Chả ai thèm lấy nó đâu” – bố cười to.

– “Không đâu! Jesse sẽ lấy vợ mà, một người thật đẹp và dịu dàng giống như mẹ vậy” – mẹ nhìn tôi và cười.

Tôi cũng nhìn họ và cười. Tôi thường giả vờ cười mỗi khi không hiểu gì hết. Đầu tôi cứ quanh quẩn câu nói của bố, tôi băn khoăn:

– “Bố nói mình không thể lấy được vợ sao? Hay mình xấu xí quá nên không ai thích? Hay là do lấy vợ không có vui đâu, thế bố không yêu mẹ à?”.

Cho tới mấy năm sau suy nghĩ đó vẫn là một dấu hỏi to tướng, duy chỉ có ngày đó là tôi mãi không quên.

o0o

Dạo gần đây tôi có gặp gỡ một cô gái xinh đẹp làm nghề báo. Tôi cũng khá thích cô ấy nên gọi thử bố mẹ để xin lời khuyên.

Bố trả lời:

– “Luôn luôn nhớ rằng: Chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ, ngu dốt là sức mạnh (War is Peace, Freedom is Slavery, Ignorance is Strength)”.

Bình thường tôi không thích cãi lời bố mẹ. Tôi chỉ hay cãi họ trong đầu và cầu mong họ có thể nghe được bằng thần giao cách cảm. Nhưng lần này:

– “Bố à, chẳng liên quan gì cả. Câu đó cũng không có ý nghĩa gì. Thật vô lý!”.

– “Này! Không được nói chuyện vô lễ với bố” – mẹ mắng.

– “Đây chính xác là lý do mà con chọn sống ở Việt Nam và tránh xa Canada. Vì bố mẹ cứ nói chuyện vô lý nên con phải trốn 10.000km chỉ để được bình yên” – tôi cằn nhằn.

– “Con bình tĩnh lại đi, bố sẽ giải thích. Có bốn yếu tố quan trọng nhất mà con cần phải tập trung: Con cần tìm một người phụ nữ thật thông minh, một người giỏi trong việc bếp núc, một người phụ nữ con thật sự thích trò chuyện cùng, và cuối cùng quan trọng không kém là một người cực kỳ chuyên nghiệp trên giường nữa”.

– “Anh, trời ạ!” – mẹ cười lớn, chắc mẹ nghĩ bố đang ám chỉ mẹ.

Bố tiếp tục:

– “Và khi con tìm được bốn người phụ nữ này thì nhất định không được để cho họ gặp nhau”.

Tôi nghĩ ngay sau đó tôi nghe tiếng mẹ gầm lên với bố.

Đáng buồn là cô nàng nhà báo xinh đẹp đã chặn hết tất cả tài khoản mạng xã hội của tôi vì một lý do mà tôi vẫn chẳng biết là gì:

– “Bái bai Jesse, vì bây giờ em sẽ 
chặn anh”.

– “Cái gì? Vì sao? Anh đã làm gì sai?”.

– “Bộ phải có lý do mới được chặn à?”.

– “Đừng mà, anh sẽ đau lòng lắm đấy”.

– “Mặc anh, ai biểu anh nói câu đó”.

Tôi gọi bố mẹ để hỏi ý kiến vì tôi thật sự bối rối không biết mình đã sai ở đâu.

– “Người đàn ông không thể nếm được hạnh phúc là gì cho đến sau khi kết hôn” – bố nói.

– “Bố con nói đúng đấy” – mẹ cười.

Bố tiếp tục:

– “Nhưng kết hôn xong thì trễ rồi, không thể quay lại khoảng thời gian hạnh phúc được đâu”.

– “Bố mẹ nghiêm túc giùm đi! Đây không phải là chuyện để đùa”.

Mẹ nói:

– “Con không cần phải lo về cô ấy. Phụ nữ cứ như thiên sứ vậy, họ sẽ tha thứ cho đàn ông ngay cả khi đàn ông không có lỗi”.

– “Nói hay lắm em” – bố cười lớn. Rồi họ lại xoay sang đùa giỡn với nhau.

– “Con rất mừng vì Canada lạnh như băng. Bố mẹ cứ ở đó đi, đừng sang đây”.

Bố lên tiếng:

– “Con đừng lo, thật sự con không thể làm được gì cả. Hơn thua với họ con không được ích lợi nào hết”.

– “Đúng đấy. Con hãy cứ bình tĩnh. Trong bất kỳ cuộc tranh luận nào thì người phụ nữ mới là người ra phán quyết cuối cùng. Bất cứ điều gì đàn ông nói sau lời phán quyết ấy sẽ là sự khởi đầu cho một cuộc tranh luận mới” – mẹ nói.

– “Cảm ơn bố mẹ. Con sẽ cầu nguyện thần linh, mong cho Canada sắp có 
bão tuyết”.

o0o

Đến tận bây giờ tôi mới hiểu được ý nghĩa câu nói của bố: “Chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ, ngu dốt là sức mạnh”. Thực ra đằng sau câu nói ấy ám chỉ là nếu bạn dùng logic để giải quyết một vấn đề thì bạn đã nắm chắc thua cuộc, cầu cứu bố mẹ thì bạn vẫn sẽ thua thôi. Câu chuyện dưới đây sẽ giải thích cho bạn rõ hơn:

Một cặp vợ chồng lớn tuổi đến dùng bữa tại nhà hàng yêu thích, đây là nơi quen thuộc họ đã đến rất nhiều lần từ trước khi kết hôn. Người chồng, với tất cả tình cảm trìu mến đã gọi vợ mình bằng mọi cái tên đẹp nhất anh có thể nghĩ ra: Baby, em yêu, nữ hoàng, báu vật, tình yêu của anh, cô gái của chồng…

Giữa bữa, người vợ rời bàn vào phòng vệ sinh, chàng trai trẻ đứng phục vụ ở gần đó đến nói với ông chồng:

– “Wow! Ngài có một mối quan hệ thật đáng ngưỡng mộ đấy. Cứ nghe những biệt danh đáng yêu mà ngài gọi đã đủ biết ngài yêu cô ấy cỡ nào”.

Ông chồng nhìn anh ta:

– “Việc đó là tất yếu. Tôi thực sự đã quên mất tên cô ấy cách đây ba năm”.

Đấy, “War is peace. Peace is slavery. Slavery is freedom. Apples are oranges…” (Chiến tranh là hòa bình. Hòa bình là nô lệ. Nô lệ là tự do. Táo là cam…).

 
NGUỒN:  Báo Tuổi trẻ cuối tuần
Link bài: Love and War
(https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20170810/love-and-war/1363018.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *