Lùm xùm vụ ly hôn Đặng Lê Nguyên Vũ và chuyện nhà Dr Thanh của Trần Quí Thanh

Huyền Anh/ Báo Dân Việt
Nếu như bà Lê Hoàng Diệp Thảo trở thành “điểm nghẽn” buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải gạt ra để đưa Trung Nguyên phát triển đúng theo tầm nhìn của nó thì bà Phạm Thị Nụ, vợ của ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Trần Quí Thanh, lại là người phụ nữ “biết lùi sau để chồng tỏa sáng”. Cũng vì vậy, thay vì ra tòa ly hôn, bà Nụ vẫn giữ được “hơi ấm” cho gia đình mình.

Mới đây, tòa TAND TP.HCM mở lại phiên xét xử vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên).

Kết thúc phiên tòa, vụ ly hôn vẫn chưa ngã ngũ bởi khúc mắc liên quan đến việc phân chia khối tài sản tổng cộng lên tới 8.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nút thắt cao nhất chính là bất đồng trong quan điểm giữa ông Vũ và bà Thảo liên quan đến quan điểm khác nhau về quan hệ vợ chồng.

Bà Thảo trở thành “điểm nghẽn” trong công việc, sự nghiệp của chồng?

Tại phiên xét xử, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng, “Một con người sinh ra có quyền được sống và làm việc, để được hạnh phúc. Bản thân tôi và các con của tôi là người phụ nữ và những đứa trẻ đều rất mong muốn có một gia đình đầy đủ”.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn khẳng định vị trí, tầm ảnh hưởng của mình không chỉ trong cuộc sống gia đình mà còn dưới vai trò người điều hành Tập đoàn Trung Nguyên cùng chồng, điều mà bà Thảo đã làm trong suốt 20 năm qua.

Tranh chấp quyền điều hành Trung Nguyên giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Có lẽ trong suy nghĩ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, bà không thể đang là một doanh nhân thành đạt có tiếng mà chịu lui về phía sau chăm sóc cho chồng con, nhường toàn quyền điều hành Trung Nguyên cho ông Vũ. Bà phải có sự nghiệp, con đường đi của riêng bà.

Thế nhưng, vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ, là cho rằng vợ phải là vợ, chồng phải là chồng, phải có trên dưới, trong nhà, chồng nói vợ phải nghe… Nghĩa là ông cho rằng người phụ nữ trong gia đình phải phục tùng chồng hoàn toàn.

Điều ông Đặng Lê Nguyên Vũ mong muốn có lẽ là một người phụ nữ của bếp núc, gia đình để ông được tự do quyết định hướng đi mà ông cho là đúng đắn.

“Cô đóng góp nhưng tôi nói hãy lùi về đi, để tôi điều khiển từ xa, coi Trung Nguyên phát triển theo đúng tầm nhìn của nó”, ông Vũ nói tại phiên xét xử khi tranh luận về phân chia tài sản. Tuy nhiên, những gì ông Vũ nói bà Thảo đều không nghe”.

Hơn thế nữa, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng bà Thảo trở thành “điểm nghẽn” trong công việc, sự nghiệp, con đường đi tiếp theo của ông để xây dựng, phát triển Trung Nguyên, đưa Trung Nguyên ra toàn cầu. Ba năm ông Đặng Lê Nguyên Vũ đối diện với 18 vụ kiện từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo.Thậm chí bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn lập công ty cà phê với thương hiệu King Caffee để trở thành đối thủ của Trung Nguyên.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng nhẽ ra bà Thảo phải ủng hộ, hỗ trợ ông tiếp tục gây dựng sự nghiệp lớn mạnh, thì ngược lại, bà Thảo chính là “điểm nghẽn” chưa được khai thông ngăn trở ông.

Cũng chính vì nhưng mâu thuẫn này, cao trào và kịch tích của cuộc ly hôn cũng đã được đẩy lên gấp nhiều lần khi có sự tranh chấp quyền điều hành Trung Nguyên thông qua việc phân chia tài sản. Có lẽ vì vậy mà không ai nhường ai khi mà chia 70/30 hay 50/50 là một sự thay đổi lớn của Trung Nguyên về điều hành, quản lý sau này.

Thế nhưng, đằng sau cuộc giằng co ấy, ít ai biết được rằng, niềm mơ ước của bốn đứa con vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ là “mong ước gia đình mình lại được có ba và vui như ngày xưa”.

Người đàn bà thép của Tân Hiệp Phát, biết lùi sau để chồng tỏa sáng

Khác với Lê Hoàng Diệp Thảo, người phụ nữ muốn trở thành “tay hòm chìa khóa” tại Trung Nguyên, người phụ nữ trong cuộc đời ông Trần Quý Thanh, ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát lại là người phụ nữ “biết lùi lại phía sau để cho chồng tỏa sáng”. Mặc dù không nắm một cổ phần nào của Tân Hiệp Phát, không giữ một chức vụ nào trong Tân Hiệp Phát, nhưng sự ảnh hưởng của bà Phạm Thị Nụ tới từng ngõ ngách của công ty, “Còn bà Nụ, Tân Hiệp Phát còn lớn mạnh”.

Bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Trần Quí Thanh, ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, sinh ra trong một gia đình Công giáo. Thời trẻ bà là cô gái nhan sắc nổi tiếng, thông minh, tháo vát. Suốt nhiều năm tháng bà là tay hòm chìa khóa của công ty, giao tiếp đối nội, đối ngoại một tay bà đảm trách.

Ông Trần Quí Thanh và vợ sang Mỹ trong chuyến ra mắt sách “Vượt lên người khổng lồ” tại trụ sở của Fobes tháng 9.2018 (Ảnh: Uyên Phương)

Dù là vợ của ông chủ Tập đoàn lớn trong ngành đồ uống, nước giải khát nhưng bà Nụ, vợ ông Trần Quí Thanh lại không hề nắm trong tay một cổ phiếu nào của Tập đoàn này và không giữ một chức vụ nào trong Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Tân Hiệp Phát lớn mạnh như ngày hôm nay, bà Nụ không đóng góp công sức nào. Thậm chí, công sức của bà rất lớn nhưng lại rất “thầm lặng”.

Chia sẻ về mẹ trong cuốn truyện Chuyện nhà Dr. Thanh, cô con gái của ông chủ Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương viết, “Má là một người đàn bà thép, mạnh mẽ vô song nhưng luôn luôn đứng ấm thầm sau chồng, sau con. Làm phụ nữ với má nghĩa là phải thông minh để hiểu được lúc nào thì thể hiện cá tính của mình và khi nào thì ẩn nó vào trong cái bóng của chồng. Phải tự biết khi nào cần xuất hiện và khi nào nên lùi ra. Có thể tất cả những thành công của tập đoàn Tân  Hiệp Phát mà mọi người thấy chỉ là lớp vỏ bên ngoài, sẽ rất ít người có thể hiểu, có thể nhận thấy được sự hy sinh, nhận nại và tình yêu thương bên trong nó lớn gấp trăm ngàn lần những gì người đời có thể thấy bên ngoài”.

Ông Trần Quí Thanh, cũng giống như Đặng Lê Nguyên Vũ, là một người “yêu công việc, dành toàn bộ thời gian cho Tân Hiệp Phát, nhưng ông Thanh cũng phải thừa nhận, bà Nụ chính là tác nhân lớn nhất làm thay đổi ngoạn mục từ bên trong lối sống bất cần đời thời tuổi trẻ của ông. Chưa bao giờ bà Nụ ỷ thế mình là người quan trọng nhất, mà luôn luôn tôn trọng tư tưởng kinh doanh, vai trò và cả những thói quen, cách sống của chồng.

Một trang trong sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” của Trần Uyên Phương

Tuy nhiên trong cuộc sống hôn nhân, không chỉ Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo mà hầu như gia đình nào cũng có nhưng mâu thuẫn dù ít hay nhiều, lớn hay nhỏ. Ngay cả gia đình ông Trần Quí Thanh cũng không phải ngoại lệ.

Đặc biệt, theo thời gian, những người con trong gia đình ông Trần Quí Thanh, bà Nụ lớn dần lên, mâu thuẫn cũng theo đó mà tăng lên. Đó là mâu thuẫn giữa một người cha nuôi chí lớn, quyết không để tình thân chi phối, làm hỏng doanh nghiệp với hàng nghìn người lao động, với một người mẹ hết lòng thương con, chăm lo cho con “dù nó có làm gì sai chăng nữa, nó vẫn là con mình”.

Rồi cả mâu thuẫn gia đình với một người cha quá yêu công việc, tới mức con gái lớn đã phải thốt ra với mẹ rằng: “Li dị ba đi. Má định sống khổ như thế này cả đời à? Tại sao chứ? Bỏ đi, và má có thể sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình”.

Tất nhiên rằng, cuộc chia ly này đã không diễn ra bởi sau những gì cùng vun đắp, người đàn bà thép của Tân Hiệp Phát vẫn giữ vững niềm tin và tiếp tục đứng sau chồng, con để cùng vun đắp cho Tân Hiệp Phát. Quan trọng hơn đó là mong muốn con mình có một cuộc sống trọn vẹn “có ba – có má” giống như mong muốn của 4 đứa con của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo.

Nếu bà Nụ không phải là người chấp nhận lùi lại phía sau để hy sinh, làm chỗ dựa vững chắc cho chồng con liệu rằng những người con của Trần Quí Thanh và Phạm Thị Nụ có trọn vẹn hạnh phúc như ngày hôm nay? Hơn thế nữa, sự nhún nhịn của bà Nụ đã là một sự gắn kết giữa ông Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, giúp những đứa con hiểu bố mình hơn. 

 

NGUỒN:  Theo Báo Dân Việt online

Link bài: Lùm xùm vụ ly hôn Đặng Lê Nguyên Vũ…

(http://danviet.vn/kinh-te/lum-xum-vu-ly-hon-dang-le-nguyen-vu-va-chuyen-nha-dr-thanh-cua-tran-quy-thanh-958330.html?fbclid=IwAR35AzYLoISWOF85bc_Qq_G-iLBizagk_dLnvtI0SJN-ubjmqWoFC79ElqY)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *