Mạng xã hội và nguy cơ trầm cảm

Mai Duyên/ Báo Thanh Niên

Thời gian sử dụng mạng xã hội tỷ lệ thuận với nguy cơ trầm cảm – SHUTTERSTOCK

Mặc dù chứng trầm cảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều là một trong số những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến trầm cảm.

Nghiên cứu được công bố trên chuyên san American Journal of Preventive Medicine cho thấy những người trẻ tuổi dành hàng giờ mỗi ngày trên mạng xã hội sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm.

3,5 giờ mỗi ngày và cái giá phải trả

Trưởng nhóm nghiên cứu – tiến sĩ Brian Primack cho biết dành thời gian quá nhiều trên Facebook, Instagram, TikTok hoặc các mạng xã hội khác có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm. Ngoài ra, những người này có xu hướng không muốn gặp gỡ, giao tiếp trực tiếp và dành nhiều thời gian hơn để sống trong thế giới ảo.

Các chuyên gia khảo sát khoảng 1.000 người từ 18 – 30 tuổi, không bị trầm cảm ngay từ đầu. Tất cả đều báo cáo về thời gian sử dụng mạng xã hội thông thường của họ và được đánh giá mức độ trầm cảm 6 tháng sau đó. Kết quả của cuộc khảo sát là nguy cơ trầm cảm tăng tỷ lệ thuận với thời gian dành cho mạng xã hội.

So với những người dùng ít nhất (ít hơn 2 giờ/ngày), những người dùng mạng xã hội nhiều nhất (ít nhất 5 giờ/ngày) có nguy cơ trầm cảm cao hơn 3 lần. Trong khi đó, nguy cơ này cao hơn gấp 2 lần ở những người dùng mạng xã hội khoảng 3,5 – 5 giờ/ngày.

Dù nghiên cứu trên không thể chứng minh tính tuyệt đối của việc “mạng xã hội là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến trầm cảm”, các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra một số lý do vì sao mạng xã hội đóng vai trò lớn trong việc dẫn đến trầm cảm, đặc biệt ở người trẻ tuổi.

Theo tiến sĩ Brian Primack, những người dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội thường so sánh bản thân với người khác, rồi cảm thấy thua kém dễ dẫn đến thất vọng, trầm cảm. Áp lực trước những hình ảnh đẹp đẽ, hào nhoáng trên mạng xã hội, cũng như áp lực từ lượt thích và bình luận khiến người trẻ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý, trong đó điển hình là chứng rối loạn lo âu.

Ngoài ra, sự tập trung quá mức vào mạng xã hội của người trẻ ngăn cản họ hình thành những mối quan hệ thực tế. Nghiện mạng xã hội khiến họ không còn dành thời gian để suy nghĩ về những mục tiêu trong cuộc sống, gây mất động lực, đồng thời kích thích những suy nghĩ tiêu cực.

Một số cách hạn chế mạng xã hội

Trang The Sun (Anh) cũng đưa ra một số phương án nhằm hạn chế “cơn nghiện” mạng xã hội của người sử dụng, như:

– Cài đặt những ứng dụng dùng để theo dõi và nhắc nhở về thời gian sử dụng mạng xã hội, nhằm hạn chế việc sử dụng chúng quá nhiều trong ngày.

– Cắt giảm việc sử dụng mạng xã hội vào một số thời điểm quy định trong ngày, ví dụ như đề ra mục tiêu cho bản thân rằng, chỉ lướt mạng xã hội đúng 1 tiếng vào mỗi buổi tối, thay vì sử dụng chúng không kiểm soát như trước đây.

– Sử dụng đồng hồ đeo tay truyền thống thay cho đồng hồ điện tử trên điện thoại. Hầu hết mọi người sử dụng smartphone để xem thời gian là vì tính tiện lợi của chúng, nhưng đồng thời, khi nhìn giờ trên màn hình điện thoại, chúng ta có thể vô tình nhìn thấy cả những thông báo từ mạng xã hội và chắc chắn sẽ bấm vào kiểm tra rồi tiếp tục sa đà vào chúng.

– Tắt thông báo từ các ứng dụng mạng xã hội trên smartphone. Chỉ giữ lại chế độ thông báo cho những ứng dụng thật sự cần thiết đối với đời sống, sinh hoạt hằng ngày.

 

NGUỒN:  Theo Báo Thanh Niên

Link bài: Mạng xã hội...

https://thanhnien.vn/suc-khoe/mang-xa-hoi-va-nguy-co-tram-cam-1319398.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *