Một đi không trở lại

VNExpress – Võ Nhật Vinh

Một đêm muộn trung tuần tháng 12, gia đình tôi trở về Việt Nam thăm người thân sau hơn ba năm xa cách với nhiều mất mát vì đại dịch Covid-19.

Niềm xúc động khi được đặt chân đến Tân Sơn Nhất bỗng nhanh chóng bị thay thế bởi sự kiệt sức và ngao ngán. Hành lý của khách trong chuyến bay nằm la liệt trên sàn nhà do băng chuyền quá bé. Trước khi lên xe, tôi phải khuân từng kiện hành lý nặng bỏ vào máy soi lần nữa, điều tôi chưa từng gặp ở một sân bay nào khác. Một khách Tây cùng chuyến lắc đầu thở dài vì phải bước qua từng chiếc vali trên sàn nhà để tìm hành lý và khệ nệ bê chúng qua máy soi. Tôi cũng nghe một người khác thốt lên: “Ồ, sân bay đơn giản thật”.

Theo thống kê, sau 11 tháng, Việt Nam chỉ đón 2,7 triệu, và hết năm dự kiến đón 3,5 triệu – kém rất xa mục tiêu năm triệu – lượt khách quốc tế trong năm 2022. Con số dự kiến đạt được của Thái Lan, Malaysia và Singapore lần lượt là hơn mười triệu, hơn chín triệu và hơn sáu triệu du khách nước ngoài.

Những con số này mang ý nghĩa gì?

Năm 2019, Việt Nam đạt lượng khách nước ngoài kỷ lục với hơn 18 triệu lượt người, trong khi Thái Lan, Malaysia và Singapore lần lượt thu hút 39 triệu, 26 triệu và hơn 19 triệu khách quốc tế. Trong số đó, lượng khách đến từ Trung Quốc chiếm lần lượt 31,3%, 27%, 18% và 11,8% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Năm nay, lượng khách du lịch quốc tế nhìn chung suy giảm trên quy mô toàn cầu, là hệ quả của khủng hoảng kinh tế thế giới do dịch bệnh và các xung đột chính trị. Ngoài ra, những nền du lịch vốn đón nhận lượng lớn khách từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn do nước này áp dụng chính sách “zero Covid” kéo dài. Trong top 4 quốc gia Đông Nam Á về thu hút khách quốc tế, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất với sự suy giảm lên đến hơn 5 lần (Thái Lan 3,9 lần, Singapore 3,1 lần và Malaysia 2,9 lần).

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), 2019 – năm hoàng kim của du lịch Việt Nam – tỷ lệ khách nước ngoài trở lại Việt Nam rơi vào khoảng hơn 10%, trong khi của Thái Lan và Singapore lần lượt là 82% và 89%. Các con số này cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng không bền vững và do sự tò mò ở lần đầu tiên hơn là do bị “gây nghiện” để trở lại. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, du khách quốc tế cắt giảm chi tiêu và chỉ đến một điểm nào đó vì những lý do thiết yếu (ví dụ phục vụ công việc) hay do “bị nghiện”. Các con số thống kê cho thấy Việt Nam có sức cạnh tranh yếu khi thu hút khách du lịch quốc tế trong điều kiện ngân sách của mọi gia đình trên toàn cầu bị cắt giảm mạnh.

Liên tục trong các năm trước khi xảy ra đại dịch, số lượng khách Trung Quốc đến nước ta liên tục tăng, nhưng khách Trung Quốc không được xếp vào nhóm có mức độ chi tiêu nhiều trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, các nhà phát triển du lịch đã dành nhiều tiềm lực để phục vụ khách Trung Quốc thay vì đa dạng hóa thị trường hoặc tập trung vào các thị trường đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Việc sụt giảm lượng khách từ Trung Quốc, ở khía cạnh nào đó, là một cơ hội để ngành du lịch chăm chút lại cơ sở vật chất cũng như phát triển các chương trình thu hút khách từ các thị trường phát triển, có mức chi tiêu cao.

Bên cạnh đó, nâng tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam sẽ là một nhiệm vụ thiết yếu trong bối cảnh liên tục thu hút khách quốc tế mới là nhiệm vụ chưa khả thi. Mùa lễ hội cuối năm, nhiều khách du lịch từ Bắc Mỹ hay châu Âu sẽ tìm đến vùng nhiệt đới nắng ấm để tránh đông và các nước Đông Nam Á là điểm đến lý tưởng. Tuy nhiên, một “sân bay đơn giản thật” kèm hình ảnh hành lý la liệt dưới sàn sau một chuyến bay dài mệt mỏi chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những ấn tượng đầu tiên rất tiêu cực. Một sảnh đến với nhiều góc trang trí đẹp, thường xuyên thay đổi và đặc trưng Việt Nam, có thể sẽ là góc “check-in” sống ảo của du khách và cũng là một sự quảng cáo miễn phí về Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội. Việc soi chiếu hành lý ngay trước cửa ra có thể được thay thế bằng hệ thống soi chiếu tự động ngay từ khi hành lý được đặt trên băng chuyền. Những điều nhỏ nhặt như vậy có thể giúp khách du lịch nhẹ nhõm người khi nhập cảnh và sẵn sàng cho các hoạt động có trả tiền ngay sau đó.

Ngành du lịch đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho GDP của Việt Nam tới hơn 10%. Vì vậy, sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của nền kinh tế. Đây là lúc không thể muộn hơn để ngành du lịch nhìn thấy rõ ràng điểm yếu của mình và điều chỉnh kế hoạch thu hút khách quốc tế từ nhiều quốc gia, đặc biệt là từ các nguồn có mức chi tiêu cao, thay vì chỉ phụ thuộc một vài thị trường gần gũi.

Nguồn: https://vnexpress.net/mot-di-khong-tro-lai-4550340.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *