Một “từ” trong hợp đồng kinh tế không thể hiểu hai nghĩa

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Vụ tranh chấp giữa Công ty Ba Huân và Quỹ Đầu tư VinaCapital được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức tài chính quan tâm vì ai cũng thấy được một phần chân dung của mình trong đó, có thể không hôm nay thì sẽ ngày mai.

Xin không đi cụ thể vào chuyện hợp tác giữa Công ty Ba Huân và Quỹ Đầu tư VinaCapital, mà từ vụ này, bàn rộng hơn về chuyện hợp tác giữa một doanh nghiệp và tổ chức tư tài chính, để cộng đồng cùng rút ra bài học chung.

Khi mới quen nhau, bắt tay hợp tác, nói ra điều gì cũng có cánh chỉ hợp với bạn bè bên chén rượu, không hợp với chuyện làm ăn. Đã làm ăn thì phải chặt chẽ, chi li từng chút, không xuê xoa cho qua. Về chuyện này, trong giai đoạn hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam bộc lộ rất rõ tính thiếu chuyên nghiệp và thường nảy sinh hậu quả.

Với bất cứ hợp đồng hợp tác nào, tính pháp lý được đặt lên hàng đầu, hợp tác với các nhà đầu tư tài chính quốc tế lại càng chú trọng. Cho nên, phải có chuyên gia, công ty luật tư vấn pháp lý từ đầu. Văn bản tiếng Anh, tiếng Việt đều được so sánh, đối chiếu, đi đến thống nhất từng từ, thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên môn. Nếu dễ dãi cho qua, về sau, chỉ cần một từ thôi cũng đủ nảy sinh tranh chấp. Ngôn ngữ của hợp đồng cũng mang tính pháp lý tương tự như quy định của một văn bản quy phạm pháp luật, không thể một từ được hiểu hai nghĩa.

Tui thực sự không ủng hộ quan điểm khi có tranh chấp lại cậy đến Chính phủ đứng ra dàn xếp bất đồng trong quan hệ hợp tác làm ăn giữa Ba Huân và VinaCapital. Bởi lẽ, chuyện làm ăn của doanh nghiệp có các quy định của pháp luật điều chỉnh, nếu không hòa giải được qua tổ chức Trọng tài kinh tế thì dẫn nhau ra tòa. Nếu như Chính phủ can thiệp thì sẽ tạo ra tiền lệ, mỗi khi doanh nghiệp làm ăn không OK với nhau thì kêu cứu lên Chính phủ.

Giải quyết tranh chấp thương mại không thuộc về trách nhiệm của Chính phủ. Chính phủ chỉ tạo ra những chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả

Nếu như Chính phủ tham gia giải quyết tranh chấp mà không phải Trọng tài kinh tế hoặc tòa án, thì các tổ chức đầu tư tài chính, doanh nghiệp nước ngoài sẽ e ngại. Khi các định chế tài chính quan sát và thấy có sự tham gia của Chính phủ trong tranh chấp thương mại, họ sẽ có thái độ ứng xử khác, lúc đó việc tiếp cận vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó khăn hơn.

Sài Gòn ngày 16/08/2018

TQT

Bài đọc thêm, Link: Không nên đặt Chính phủ vào vai trò trọng tài trong tranh chấp giữa doanh nghiệp

(https://doanhnhansaigon.vn/van-de/khong-nen-dat-chinh-phu-vao-vai-tro-trong-tai-trong-tranh-chap-giua-doanh-nghiep-1087247.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *