Mục tiêu 5 triệu khách

Phạm Hà/ VNExpress

Doanh nhân Phạm Hà. Ảnh: Internet

Bài viết của doanh nhân Phạm Hà – Chủ tịch kiêm CEO Lux Group trên VnExpress về những trăn trở liên quan đến chính sách, chiến lược cụ thể để hồi sinh ngành du lịch đang đóng góp 10% GDP cho đất nước. Mốc 15/3 – mốc Việt Nam mở cửa du lịch đang đến rất gần nhưng các phương án vẫn chưa được công bố rõ ràng. Mới đây nhất thì Bộ Y tế mới đưa ra đề xuất người nhập cảnh không cần xác nhận đã tiêm vắc xin hoặc khỏi COVID-19. Theo tôi đây là một đề xuất rất đáng hoan nghênh, dù vậy Việt Nam vẫn cần hành động nhanh hơn nữa để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.


Tôi đã nhận được đặt chỗ của khách hàng từ châu Âu. Trong đó có một số du khách Đức muốn đến Việt Nam trong tháng sáu tới.

Họ có nhu cầu tìm về những điểm đến mới, xanh hơn, thuận tiện, nhiều trải nghiệm, giàu cảm xúc cho thân, tâm và tuệ. Nhưng họ rất băn khoăn vì chưa có thông tin về visa, liệu có tiếp tục được miễn như trước hay không.

Thị trường gián đoạn hai năm, nay vừa đưa ra kế hoạch mở cửa từ 15/3 đã có khách đặt hàng, khỏi nói cũng biết cả công ty chúng tôi mừng đến độ nào.

Thế nhưng, niềm vui đi cùng nỗi lo, ngộ nhỡ Việt Nam mở rồi lại đóng, không mở vào thời điểm dự tính và cũng không nối lại chính sách miễn thị thực cho du khách như trước Covid-19, thì khách làm sao tới?

Đến nay, phương án đón khách cụ thể thế nào vẫn chưa được công bố, kế hoạch vẫn là kế hoạch. Cột mốc mở cửa đưa ra là để tham khảo, chúng tôi chưa dám đầu tư nhiều và cũng không dám trả lời chắc chắn với đối tác vì lo quyết định mở cửa có thể thay đổi vào phút chót. Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn đến uy tín của chúng tôi mà còn giảm cơ hội thu hút khách ngay sau khi mở cửa của du lịch Việt Nam.

Nhà quản lý du lịch mới đây đưa ra kỳ vọng thu hút khoảng năm triệu lượt khách quốc tế năm nay. Năm triệu so với hơn 18 triệu của năm trước dịch 2019 thì rất nhỏ nhưng nếu đặt trong bối cảnh thị trường hiện nay là một con số lớn. Dịch bệnh và xung đột Nga – Ukraine đã làm quy mô và số lượng thị trường thu hẹp rất nhiều so với hai năm trước. Hiện tại, các thị trường nguồn ở vùng Đông Bắc Á đang kiểm soát dịch rất ngặt nghèo nên khó thu hút được khách này ngay khi mở cửa, thậm chí là trong năm nay cũng rất mong manh. Khu vực Đông Nam Á tuy có tiềm năng về số lượng khách nhưng chi tiêu trên mỗi đầu khách không cao, sức mua giảm. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào thị trường xa như châu Âu, Mỹ, Australia… nhưng những thị trường này không dễ thu hút. Với tình hình chiến sự và giá cả tăng, sẽ bao nhiêu người còn muốn vác ba lô lên đường?

Trong bối cảnh này, để sớm có khách, ngành du lịch nên thực hiện những chiến lược tiếp cận thị trường trực tiếp và hiệu quả hơn. Thay vì ưu tiên những chương trình thu hút khách chung chung, nên “đánh” vào những thị trường ngách và du lịch mùa hè. Thực tế, các công ty du lịch ở tây Âu, Australia và Mỹ vẫn tìm kiếm điểm đến mới, sản phẩm mới cho những khách hàng hạng sang, những người thích du lịch năng động, du lịch gia đình, nhóm nhỏ và thiết kế theo yêu cầu riêng. Vì thế, nếu có sản phẩm phù hợp, chính sách bán hàng tốt, visa du lịch thân thiện, tiến tới miễn visa các thị trường mục tiêu, cơ hội thu hút khách tăng lên đáng kể. Việt Nam có thể cạnh tranh ở phân khúc khách hạng sang tại các điểm đến như Phú Quốc, Quy Nhơn, Vịnh Lan Hạ hay Pù Luông.

Thời điểm này, các chương trình phát động thị trường không cần quá đông (mà cũng khó có thể đông vì doanh nghiệp đã rơi rụng rất nhiều vì dịch). Việt Nam nên tập trung vào chất hơn lượng; vì cũng không đủ nhân lực để phục vụ khách đại trà ngay và luôn.

Ngoài ra, để thu hút khách từ các ngách này, một lần nữa lại cần đến những cái bắt tay thật chặt của các nhà: nhà nước, nhà tour, nhà cung cấp dịch vụ hàng không, nhà xe, nhà hàng, nhà cung cấp dịch vụ tại chỗ… Hàng không mở đường bay đến đâu cần ngồi lại với những đơn vị lữ hành mạnh về thị trường đó, nói thứ tiếng đó, cùng những đơn vị cung cấp dịch vụ tại chỗ để tính các gói sản phẩm phù hợp, đúng, trúng và chào bán luôn.

Không phải cứ mở cửa du lịch là khách ào ào tới Việt Nam. Tôi mơ thế, nhưng kinh nghiệm hàng chục năm đón khách quốc tế cho tôi biết, chắc chắn không phải ngay lúc này. Trong ngắn hạn, muốn chiến lược mở cửa thành công, nên chia nhỏ và tập trung trước mắt vào thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững.

Đó là những việc cần làm ngay. Giờ đây không phải “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Việt Nam đang quá chậm so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và còn tự đặt ra quá nhiều rào cản.

Về lâu dài, để nâng cao khả năng cạnh tranh, ngành du lịch phải giải quyết những vấn đề tồn đọng từ nhiều năm qua như chất lượng nguồn nhân lực, thể chế chính sách, sản phẩm du lịch và quảng bá. Trong đó, cần nới lỏng chính sách thị thực hơn nữa, tiến tới cấp thị thực dài hạn cho du khách nước ngoài để thu hút phân khúc khách hàng dài ngày, những người nghỉ hưu có thể ở lâu, chi tiêu nhiều.

Kế đến, phải tìm hiểu khách hàng rõ hơn để biết du khách cần gì, liệu những sản phẩm, công trình phục vụ cho du lịch đại trà, cho du khách ở vài thị trường chi phối có giúp du lịch Việt Nam bền vững và tạo được sự khác biệt, hay phải định vị lại, tìm cách khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng…

Du lịch Việt Nam cần tư duy khác, làm mới chính mình, định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia, phát huy điểm mạnh, có slogan và chiến lược nâng tầm theo hướng cao cấp. Chính phủ nên có cơ quan chuyên trách phục hồi kinh tế xã hội trong đó có du lịch, gỡ khó, gỡ rối chính sách và vướng mắc cho doanh nghiệp bằng đòn bẩy tài chính, cơ chế chính sách, nhằm hà hơi tiếp sức 5% doanh nghiệp đã cầm cự suốt hai năm qua, chứng tỏ họ có sức nội sinh và phục hồi được.

Những nỗ lực đồng bộ này sẽ tạo thành bình oxy mà 15/3 là ngày mở van để doanh nghiệp hồi sinh ngành công nghiệp đang đóng góp 10% GDP cho đất nước.

Nguồn: https://vnexpress.net/muc-tieu-5-trieu-khach-4435008.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *