Mượn chuyện võ nói chuyện văn


Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo đang biểu diễn kung-fu trước học trò (Theo  Zing.vn)

Ngày xưa còn trẻ, tui có theo học võ, mê võ nữa là đằng khác. Vì vậy, mấy hôm nay theo dõi vụ thách đấu võ thuật giữa hai võ sư nổi tiếng, tui hồi hộp quá chừng.

Người thách đấu là võ sư Pierre Francois Flores năm nay 41 tuổi, quốc tịch Canada,  là học trò của đại sư Nam Anh, chưởng môn phái Nam Anh Vịnh Xuân ở Canada (hay còn gọi là Vịnh Xuân Thống phái). Võ sư này đã có vài lần tới Việt Nam để giao lưu võ học.

Người “bị” thách đấu là võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo – nổi tiếng với những màn biểu diễn nội công thâm hậu.

Nhưng xem các màn biểu diễn nội công của  võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt trên mạng, võ sư Pierre Francois Flores cho rằng dối trá nên gửi lời thách đấu: “Gửi chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo. Ông đã khiến cả thế giới chú ý với nội công thâm hậu. Tôi muốn được kiểm chứng. Tôi sẵn sàng tới Việt Nam trong 10 ngày tới để gặp ông. Thật vinh dự nếu tôi được nhận lời”.

Tui sốt ruột chờ mấy bữa nay, nhưng cứ thấy nói qua nói lại không à? Khi thì mời cơm, khi thì trao đổi đàm đạo, cho nên người hâm mộ cho rằng họ đấu võ miệng để đánh bóng tên tuổi.

Tui không dám nghĩ về các bậc đại sư như vậy, nhưng nói thiệt, không lên tiếng thì thôi, đã lên tiếng cho cả thế giới biết rồi thì cứ so tài để phân cao thấp. Cứ làm một trận như  Từ Hiểu Đông, võ sĩ MMA hạ cao thủ Thái Cực Quyền, Ngụy Lôi bên Trung Quốc.

Nhưng võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng ông học võ để rèn bản thân, không phải để đi so cao thấp. Tui nghĩ như thế cũng phải, nhưng thuyết phục hơn, ông Kiệt nên thực chứng bằng cách mời những người khác, không phải học trò của ông, chạm thử vào người của ông xem có bị hất bay tung như diều vậy không?

Nói loanh quanh chuyện võ cho vui để bàn một chuyện khác, đó là cái thực tài mới cần cho đời mình và cho xã hội. Các bạn trẻ thời nay đừng chạy theo những thứ bằng cấp hư danh mà thiếu thực chất. Kể các học Tây học Mỹ, nhưng hời hợt, có cái bằng, có cái danh du học, nhưng khi bắt tay vào việc thì không  làm gì nên hồn. Bao nhiêu ông là giáo sư, tiến sĩ, học hàm học vị ngất trời, nhưng không sáng tạo được gì ngoài tầm chương trích cú. Vậy thì cái danh đó phỏng có ích gì?

Một người thợ lành nghề, một kỹ sư giỏi kỹ thuật, một phiên dịch lưu loát, một lập trình viên xuất sắc, đã làm cái gì là phải làm tốt, các doanh nghiệp bây giờ cần thực chất, không ai cần cái mớ bằng cấp hay những tiếng tăm phù phiếm.

Trần Quí Thanh

 
Link bài: Nhân chứng tiết lộ cuộc gặp giữa Huỳnh Tuấn Kiệt và đại sư Nam Anh

 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *