Cuối tháng 6, nghe tin TP HCM giãn cách xã hội, Nguyễn Tố Linh và hai bạn cùng phòng không trữ lương thực mà “dốc hết tiền” mua máy đạp xe. “Thiếu tiền nhưng không thể thiếu thể dục”, nữ nhân viên truyền thông 26 tuổi ở quận 4, nói.
Cả ba cô gái trước đây đều ra công viên chạy bộ hàng ngày. Khi thành phố giăng dây cấm các khu vực công cộng, họ tạm từ bỏ thói quen. Nhà sẵn tạ, dây nhảy, thảm yoga nhưng muốn có công cụ đo mức tiêu thụ calo và quãng đường để theo dõi mục tiêu vận động nên ba người quyết tâm sắm chiếc máy đạp xe giá 5 triệu đồng, dù phải trả góp. “Máy đạp xe nhỏ gọn và đỡ ồn hơn máy chạy bộ”, Linh giải thích thêm.
Bắt tay vào làm họ mới phát hiện việc chọn máy không hề đơn giản. Căn hộ được trang trí theo phong cách “mộc” với đàn piano gỗ, màn tre và rất nhiều cây xanh nên mất một tuần, ba người mới thống nhất được mẫu máy màu xám, không quá “chọi” với căn hộ, giá cả phải chăng mà chức năng tốt.
Máy về, họ lại không biết đặt máy vào đâu. Linh muốn để vào cùng góc đặt thảm, tạ cho gọn gàng, song hai người kia lại muốn vừa tập vừa nhìn ra ban công. Mất thêm một tuần tranh luận, Linh đồng ý phương án này. Dẫn tới chút cãi vã song chiếc máy vẫn trở thành “cứu tinh”, giúp ba bạn trẻ 9x bớt cuồng chân trong suốt những tháng TP HCM phải giãn cách triệt để. Họ thích đến nỗi chia lịch tập, nếu không sẽ tranh nhau. “Mỗi lần tức tối, tôi cũng lao lên đạp xe để lấy lại bình tĩnh”, Linh kể.
Ngoài Hà Nội, căn hộ hơn 64 m2 của anh Tùng Ngô được biến thành phòng gym tại gia. “Trước dịch, mỗi tuần tôi tập gym bốn buổi và một buổi đạp xe”, người đàn ông 34 tuổi đang làm cho một công ty đồ thể thao chia sẻ.
Nhà anh Tùng có đủ loại dụng cụ, từ dây nhảy, thảm tập yoga, bóng pilates đến bạt nhún, bóng đá. Phòng khách 30 m2 không có bàn ghế, tủ, TV mà dành hoàn toàn làm chỗ sinh hoạt chung và vận động. Gia chủ còn lắp thêm gương lớn trên tường giúp không gian rộng hơn và tiện cho việc luyện tập. Cửa phòng ngủ được tận dụng làm chỗ chơi phi tiêu, tập xà.
Nhờ đó, dù phải ở nhà 24/7, anh Tùng vẫn duy trì thói quen tập luyện và tham gia đều đặn các thử thách thể thao do công ty tổ chức. Vợ anh thậm chí còn chăm chỉ vận động hơn. Thay vì đi bộ một – hai buổi một tuần thì nay mỗi ngày đều tập yoga hoặc pilates để giãn cơ, giảm stress.
Có bố mẹ làm gương, hai con của anh Tùng dù mới 5 và 3 tuổi cũng tập theo. Được thỏa mãn nhu cầu vận động, các bé không thấy bí bách khi ở nhà và rèn được thói quen tốt. Thỉnh thoảng, cả nhà mở lều, bật nhạc cắm trại, tắt đèn và chơi trò chơi để đổi không khí. “Tập luyện thể thao tại nhà trong mùa dịch ngoài lợi ích phòng chống bệnh tật còn là phương tiện gắn kết các thành viên gia đình”, anh Tùng bày tỏ.
Thực tế, nếu một người ưa thích các bài tập vận động không cần nhiều không gian. Theo ArchDaily – chuyên trang kiến trúc lớn nhất thế giới, diện tích 2,7 m2 là đủ để thoải mái di chuyển theo các bài tập không cần dụng cụ lớn. Nếu muốn bố trí máy móc, bạn cũng chỉ cần khoảng 9,2 m2. Chị Trần Thùy Linh, một “bà mẹ fitness” nổi tiếng ở Hà Nội là minh chứng cho điều này. Chị tận dụng mọi chỗ trống trong căn hộ, có hôm tập ở phòng ngủ, hôm khác lại ra phòng khách.
Chị Linh quan niệm dù có dịch bệnh hay không, việc tập luyện tại nhà cũng rất cần thiết vì ba lý do. Đầu tiên là sự nhanh gọn, không tốn thời gian di chuyển – lý do thường khiến mọi người “tăng độ lười”. Thứ hai, bạn có thể tập bất kỳ lúc nào. Cuối cùng, với các gia đình có con nhỏ, tập luyện tại nhà giúp các bé được sống trong môi trường tích cực.
“Có một điều rất hay mà tôi nghĩ bố mẹ nào cũng sẽ nhận ra là cách dạy con hiệu quả nhất không phải nói cho con hiểu mà phải làm cho con thấy”, bà mẹ 9X lý giải.
Mỗi ngày, chị Linh đều dành từ 40 phút đến một tiếng tập luyện, thường là vào 17h sau khi đã xong xuôi việc nhà. “Đây cũng là thời gian tập luyện lý tưởng do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo”, chị nói.
Đã quen tập nặng lâu năm, chị Linh sử dụng một số dụng cụ chuyên biệt. Với những người khác, chị khuyên chỉ cần dây kháng lực và một bộ tạ tay thông minh điều chỉnh được nhiều trọng lượng khác nhau là đủ. Nếu có thể, gia chủ hãy bố trí thêm thảm để tránh chấn thương.
Với chị Hoàng Dương làm nghề kinh doanh nội thất, không gian cho gym còn nhỏ hơn, chỉ là một góc phòng ngủ. Trước khi thiết kế căn hộ 50 m2, vợ chồng chị đã xác định sử dụng nhiều nội thất rời để dễ di chuyển và lấy chỗ khi cần.
“Phòng ngủ tôi chỉ bố trí sạp thấp và đệm dày, không có giường. Bình thường, chỗ ngủ nằm giữa phòng. Khi tập, chỉ cần đẩy sát một bên tường là dư ra khoảng diện tích 1,2 x 3m, thừa chỗ đặt thảm và di chuyển”, chị Dương bật mí.
Đây cũng là lời khuyên dành cho những ai đang dự định làm nhà mà muốn có chỗ tập thể dục tại gia.
Rơi vào trường hợp nhà toàn nội thất cố định khó dịch chuyển, Hoàng Mạnh 30 tuổi nghĩ ra cách đi bộ trong nhà. Ban đầu, anh chỉ coi đây là cách phục hồi chân sau tai nạn xe máy hồi đầu năm nhưng rồi biến nó thành bài tập thể dục chính giữa bối cảnh thủ đô phong tỏa.
Mỗi ngày, chàng trai dành khoảng bốn tiếng đi bộ, thường từ 15h đến 17h và từ 0h đến 2h sáng. Anh đi vòng tròn quanh tầng trệt rộng khoảng 30 m2, vừa đi vừa kết hợp đọc truyện hoặc chat với bạn bè cho đỡ chán. Đến đêm, anh thích kết hợp tập thể dục với xem phim nên đi kiểu giật lùi cho tiện theo dõi tivi. “Đi giật lùi cũng tốn sức hơn nữa”, Mạnh cho biết.
Mạnh cố gắng đi ít nhất 20.000 bước mỗi ngày và thường vượt chỉ tiêu bởi cứ một tiếng là được khoảng 6 – 7.000 bước, chưa kể những lúc di chuyển làm việc khác như nấu ăn, dọn dẹp. Có hôm, anh đi được hơn 40.000 bước.
Để tăng thêm phần thú vị cho việc tập luyện, Mạnh tra Google, tính khoảng cách từ nhà đến các tỉnh thành khác ở Việt Nam xem mình có thể “đi bộ đến đâu”. Niềm vui mỗi ngày của Mạnh là tính xem hôm nay mình sẽ đi đến tỉnh nào. Đích đến cuối cùng của Mạnh là TP HCM, cách thủ đô 1733 km. “Nếu giữ tốc độ 15 km/ngày, tôi sẽ hoàn thành mục tiêu vào ngày 17/11”, chàng trai nói.
Mạnh cho biết thêm việc đi bộ trong nhà của anh có phần tương đồng với cuộc chạy marathon dài và khó nhất thế giới do nhà lãnh đạo tinh thần Sri Chinmoy khởi xướng ở khu phố Jamaica, quận Queens, thành phố New York. Trong 52 ngày, người tham gia phải chạy quanh khu phố dài 883 m sao cho hoàn thành chặng đường 4.989 km, tương đương 95,95 km mỗi ngày.
“Cuộc marathon đó để nhằm vượt qua giới hạn cả về thể xác cũng như tinh thần của con người. Tôi cũng muốn vượt qua chính mình”, Mạnh giãi bày.